Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Dân Vận Chính Quyền

Xem với cỡ chữAA

Cơ hội để đặc sản Kiên Giang vươn xa

(09:51 | 11/10/2017)

 Diễn ra từ ngày 5 đến 11-10 tại quảng trường Trần Quang Khải (TP. Rạch Giá), Festival Nông nghiệp - Ngư nghiệp năm 2017 (Festival) hội tụ nhiều loại đặc sản của các địa phương trong tỉnh, thu hút đông đảo du khách gần xa tham quan, mua sắm.

 

 Tại Festival lần này, các hợp tác xã và nông dân các huyện trong tỉnh mang đến hơn 150 sản phẩm đặc sản địa phương như: Nước mắm Phú Quốc, nước mắm Hòn Sơn, cá thiều đường Phú quốc, khô mực Nam Du, ba khía và cà xỉu Hà Tiên, rượu Đường Xuồng, rượu Kinh 5, sò huyết An Biên, An Minh, mắm cá lưỡi trâu và khô cá sặc rằn U Minh Thượng... cùng 7 gian hàng ẩm thực hơn 50 món ăn truyền thống như Bún cá Kiên Giang, bún Kèn Hà Tiến, bún quậy Phú Quốc, bánh xèo, bánh khọt... Theo ghi nhận của chúng tôi, Festival lần này được tổ chức tại Kiên Giang khá phong phú về chủng loại. Hầu như các loại đặc sản có thương hiệu từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều quy tụ về Festival để quảng bá, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hiền - Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện U Minh Thượng, khô cá sặc rằn, mắm cá lưỡi trâu được các hội viên, nông dân của huyện đem đến Festival lần này đều là những đặc sản đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Chị Lê Kim Hào - Giám đốc Hợp tác xã Vĩnh Tiến (TP. Rạch Giá) loay hoay tưới nước cho mấy chậu rau thơm đang được bày bán trong gian hàng của mình tại Festival. Theo chị Hào hiện thị trường đang có nhu cầu về rau trồng trong chậu. Hiện mỗi chậu rau được chị bán giá bình quân 20.000 đồng/chậu, khách hàng chỉ cần gọi điện thoại sẽ có người giao hàng tận nhà. Chị Hào cho biết: “Hợp tác xã Vĩnh Tiến đã đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh và sơ chế sản phẩm rau an toàn các loại theo giấy chứng nhận số 02/2017/CCTTBVTV-KG ngày 25-8-2017 của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh nên bà con có thể yên tâm dùng. Chỉ việc mua về tưới nước là có rau sạch ăn hàng ngày thay vì chỉ mua bó rau về ăn như trước. Qua Festival lần này, tôi hy vọng sẽ có nhiều người biết đến vườn rau an toàn của Hợp tác xã Vĩnh Tiến”.

Là thế hệ thứ 4 nấu rượu nếp Kinh 5 theo phương pháp truyền thống của gia đình, rồi “cách tân” bằng cách sử dụng hệ thống lọc để lọc bỏ các chất độc hại có trong rượu, chị Đinh Thị Bích Hằng, chủ cơ sở rượu Xuân An, ở ấp Kênh 5A, xã Tân Hiệp A (Tân Hiệp) đem đến Festival nhiều sản phẩm rượu được biến tấu với đủ vị nho, la hán quả, mơ rừng, chuối hột rừng. Chị Hằng nói: “Festival đã cho rượu Xuân An một cơ hội để tiếp cận khách hàng, chúng tôi đã và đang cố gắng để đưa thương hiệu rượu Kinh 5 của cha ông ngày một vươn”.

Không những giới thiệu những đặc sản của địa phương, mỗi gian hàng của các Hội Nông dân các huyện, thị, thành phố là nơi quảng bá hình ảnh, tạo thành nhịp cầu liên kết các tỉnh, thành phố phía Nam trong việc xúc tiến đầu tư thương mại, phát triển du lịch. Phấn khởi vì bán được kha khá số giò lan đem trưng bày tại Festival, bà Lê Thị Phỉ, chủ vườn lan Phú Sỹ, tọa lạc số 22 Nguyễn Thông, khu phố 3, phường Rạch Sỏi (TP. Rạch Giá), cho biết, dù có 5.000m2 đầy ắp các loại lan nội, ngoại nhập, cho thu nhập mỗi tháng hàng chục triệu đồng nhưng đây là lần đầu tiên bà đem lan vườn nhà tham gia hội chợ. Tại gian hàng của bà Phỉ trưa ngày 10-10 khách ra vào xem rất đông, có người mua liền 4-5 giò lan vì có nhiều loại lan đẹp, lạ, giá bán phải chăng. “Vườn lan của gia đình nằm khuất trong đường nhỏ nên ít người biết. Lần này tham gia Festival đã có nhiều khách hàng lưu lại số điện thoại, địa chỉ để lần sau ghé tận vườn chọn lựa”, bà Phỉ khoe.

Theo đồng chí Trần Chí Viễn - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Phó trưởng Ban Tổ chức Festival, Ban Tổ chức Festival đã hỗ trợ 100% chi phí trang trí gian hàng, chi phí vận chuyển cho Hội Nông dân các huyện, hợp tác xã và hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi hỗ trợ 50% chi phí trang trí gian hàng đối với doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh. “Qua Festival nhằm giúp các cơ quan, doanh nghiệp, bà con nông dân, hợp tác xã thấy được nhu cầu của thị trường về sản phẩm nông sản, tiêu chuẩn và yêu cầu về sản phẩm xanh, sạch và an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó có phương pháp tổ chức sản xuất, quản lý và điều tiết cho phù hợp trong thời gian tới. Tại Festival, đã có một số hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cung cấp thiết bị, vật tư nông nghiệp và chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ được ký kết”, đồng chí Trần Chí Viễn, cho biết.

 Ảnh: Đồng chí Đặng Tuyết Em - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh cùng các ngành tham quan gian hàng rau an toàn của Hợp tác xã Vĩnh Tiến (TP. Rạch Giá).

Ảnh : Khách hàng tìm mua đặc sản tại gian hàng của chị Hoàng Thị Hằng, chủ cửa hàng kinh doanh đặc sản Kiên Giang tại Festival Nông nghiệp – Ngư nghiệp năm 2017.

AN LÂM