Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Tin tức - sự kiện

Xem với cỡ chữAA

Nâng tầm giá trị hạt gạo Việt

(22:33 | 31/03/2023)

Với sản lượng lương thực bình quân 4,4 triệu tấn/năm, 502 cánh đồng lớn có liên kết tiêu thụ, Kiên Giang là địa phương có nhiều lợi thế về ngành hàng lúa gạo chất lượng cao cũng như tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 (gọi tắt là đề án 1 triệu hecta lúa).

THAY ĐỔI ĐỂ PHÁT TRIỂN

Tại phiên đấu giá lúa DS1 vụ đông xuân 2022-2023 vào trung tuần tháng 2 do Hợp tác xã nông nghiệp Đường Gỗ Lộ, xã Long Thạnh (Giồng Riềng) tổ chức, Công ty TNHH MTV Huy Quang Tân Hiệp (Tân Hiệp) đã trúng thầu lúa thu mua lúa Nhật DS1 với giá 8.800 đồng/kg lúa tươi tại ruộng. “Đây là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay mà tôi và bà con trong hợp tác xã bán được, năm ngoái giá cũng cao nhưng chỉ bán được 6.500 đồng/kg. Với giá này, sau khi trừ hết chi phí đầu vào, tôi lời khoảng 7 triệu đồng/công tầm lớn, gấp 2 lần so với trước”, ông Nguyễn Hồng Phương (56 tuổi) - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đường Gỗ Lộ cho biết.

Để có được khoản lợi nhuận cao chưa từng có này, ông Phương và các thành viên hợp tác xã đã thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất lúa VietGAP liên tục 10 vụ lúa. Ngoài ra, suốt 5 năm qua, cả cánh đồng 85,6ha này chỉ canh tác duy nhất 1 giống lúa DS1 nhằm tránh sự lẫn tạp của hạt lúa, đáp ứng yêu cầu gạo xuất khẩu của doanh nghiệp.

Gần 40 năm gắn bó với cây lúa, chưa bao giờ ông Phương quyết định được giá bán hạt lúa do mình tạo ra như vụ đông xuân này. “Tham gia dự thầu đợt này có cả thảy 18 doanh nghiệp, trong đó, có 10 đơn vị cho giá 8.500-8.700 đồng/kg, 6 đơn vị cho giá 8.800 đồng/kg, 1 đơn vị cho giá 9.000 đồng/kg. Qua xem xét các điều kiện, Doanh nghiệp tư nhân Huy Quang Tân Hiệp trúng thầu. Nhờ làm ra hạt lúa sạch, chất lượng nên mình quyết định được giá bán và bán cho ai”.

 

Ảnh: Ông Nguyễn Hồng Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đường Gỗ Lộ trên cánh đồng lúa DS1 sắp thu hoạch.

 

Theo ông Hoàng Văn Tuấn, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Huy Quang Tân Hiệp, nhờ chốt được hợp đồng gạo Nhật DS1 xuất qua các nước châu Âu, Nhật, Hàn, Canada nên công ty thu mua giá cao cho người dân. Dự kiến sản lượng lúa thu mua của Hợp tác xã nông nghiệp Đường Gỗ Lộ là 110.000 tấn.

HƯỚNG ĐẾN SẢN XUẤT BỀN VỮNG

Để tăng quy mô sản xuất, tăng vốn điều lệ, đáp ứng yêu cầu liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo, năm 2019, Hợp tác xã nông nghiệp Đường Gỗ Lộ được huyện chỉ đạo sáp nhập thêm 3 hợp tác xã khác. Tổng diện tích của hợp tác xã này sau khi sáp nhập 224,4ha, tăng 146,4ha, vốn điều lệ tăng lên gấp đôi so với trước.

Với quyết tâm của Ban quản trị và các thành viên trong việc tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về sản xuất nông nghiệp an toàn, tháng 6-2022, 50,01ha lúa của hợp tác xã đã được cấp chứng nhận VietGAP. Hợp tác xã nông nghiệp Đường Gỗ Lộ là một trong số ít hợp tác xã được huyện chọn tham gia thực hiện đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang vừa có Công văn số 132/UBND-KT, ngày 6-2-2023 gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đăng ký tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 với diện tích 200.000ha.

 

Ảnh: Nông dân xã Tân Hiệp B (Tân Hiệp) thu hoạch lúa đông xuân 2022-2023.

 

Đồng chí Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, tham gia đề án này Kiên Giang có nhiều thuận lợi, cụ thể, với 3 vùng sinh thái đặc trưng trồng lúa gồm tứ giác Long Xuyên, tây sông Hậu và U Minh Thượng phù hợp phát triển vùng chuyên canh lúa chất lượng cao đáp ứng tiêu chí của đề án. Bên cạnh đó, Kiên Giang có hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu sản xuất, vận chuyển, lưu thông hàng hóa; đội ngũ công chức, viên chức làm công tác chuyển giao kỹ thuật trồng lúa đều có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên sẽ đáp ứng tốt nhiệm vụ chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân trong vùng tham gia đề án.

Để triển khai thực hiện hiệu quả đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long trên địa bàn tỉnh, theo đồng chí Lê Hữu Toàn, cần có chính sách hỗ trợ nông dân về chi phí mua giống lúa xác nhận, vay không thế chấp có định mức và thời hạn cụ thể. Đối với hợp tác xã, cần xây dựng chính sách ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, kiến thiết đồng ruộng.

“Thực tế cho thấy, các hợp tác xã rất cần vay vốn không thế chấp để xây dựng kho, máy sấy và máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất lúa nhằm phát triển các dịch vụ của hợp tác xã. Đối với doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ lúa, cần có chính sách được vay ngân hàng hoặc ngân hàng bảo lãnh để có đủ vốn ngắn hạn cho tiêu thụ lúa và đủ vốn dài hạn xây dựng kho, hệ thống sấy, chế biến; chính sách hỗ trợ chi phí chứng nhận sản phẩm đạt các tiêu chuẩn thực hành tốt (GAP) trong nước hoặc quốc tế với định mức hỗ trợ cụ thể và chí phí chứng nhận sản phẩm đạt chiêu chuẩn carbon thấp”, đồng chí Lê Hữu Toàn nói.

An Nam-Báo Kiên Giang