Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Khoa học công nghệ

Xem với cỡ chữAA

Tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất lúa và các giải pháp ứng phó

(14:44 | 20/04/2017)

 Trong nhiều năm gần đây những diễn biến khác thường của khí hậu đã bắt đầu biểu hiện và ngày càng phức tạp hơn tại vùng Đồng bằng sông cửu long trong đó có huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Từ những thập niên trước đây khí hậu của Nam Bộ thường phân chia làm hai mùa rõ rệt là mùa mưa (vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 11) và mùa nắng từ tháng 12 tới tháng 4 năm sau.

 

            Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mùa nắng kéo dài hơn với nhiệt độ cao hơn, mùa mưa ngắn hơn nhưng diễn biến về lượng mưa lại khá phức tạp. Lũ lụt thất thường và ảnh hưởng rất nhiều tới sản xuất nông nghiệp của vùng. Trước đây, việc ngập mặn chỉ xảy ra các ở tỉnh ven biển nhưng giờ đây nước mặn đã xâm nhập ngày một sâu vào trong nội địa. Sự xâm nhập mặn này đã gây thiệt hại rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây lúa.

Tác động của biến đổi khí hậu ( BĐKH ) đối với nông nghiệp và nghề trồng lúa.

Trong thời gian gần đây, dịch rầy nâu, các dịch bệnh gây hại trên lúa diễn biễn ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến khả năng thâm canh, tăng vụ gây thiệt hại đáng kể đến năng suất và làm tăng chi phí sản xuất. 

BĐKH có thể tác động đến thời vụ, làm thay đổi cơ cấu mùa, quy hoạch vùng, kỹ thuật tưới tiêu, sâu bệnh, năng suất, sản lượng; làm suy thoái tài nguyên đất, đa dạng sinh học bị đe dọa, suy giảm về số lượng và chất lượng do ngập nước và do khô hạn, tăng thêm nguy cơ diệt chủng của động, thực vật, làm biến mất các nguồn gen quí hiếm…

BĐKH sẽ ngày càng khắc nghiệt và có những tác động tiêu cực lên đời sống kinh tế - xã hội. Vì vậy, ngoài việc học cách ứng phó, chúng ta phải tìm ra giải pháp “sống chung” với biến đổi khí hậu.

Ảnh hưởng của canh tác lúa tới BĐKH.

Bên cạnh những ảnh hưởng do tác động của biến đổi khí hậu thì canh tác lúa cũng góp phần làm cho biến đổi khí hậu ngày càng trở lên trầm trọng hơn do chế độ canh tác không hợp lý.

Nguyên nhân cơ bản là do: Chế độ ngập nước liên tục trên ruộng; bón phân vô cơ không hợp lý làm tăng phát thải khí N2O và tăng SO2 làm chua hóa đất. Đốt ruộng làm nhiệt độ tăng và tăng phát thải khí CO2; Sử dụng máy nông nghiệp chạy bằng nhiên liệu cũng góp phần gây phát thải khí CO2, SO2 và tăng nhiệt độ…

Giải pháp sống chung với BĐKH như sống chung với lũ của người dân ĐBSCL.

           Có thể điều chỉnh cơ cấu sản xuất mùa vụ, quy hoạch sử dụng đất hợp lý, với từng vùng sinh thái, cải thiện dần khả năng chịu mặn, chịu hạn của cây trồng. Cần nghiên cứu chọn lọc các giống cây trồng chủ lực như: lúa, bắp, mía và đậu nành chịu được các điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Trên cơ sở quy hoạch, vùng đất cao sẽ chuyển sang trồng cây chịu hạn để giảm áp lực về nước tưới; vùng thường xuyên xảy ra úng ngập chuyển sang trồng các loại cây có khả năng chịu úng, phèn, nhiễm mặn.

Biến đổi khí hậu làm gia tăng cường độ thiên tai và về lâu dài đã làm thay đổi khí hậu của một vùng rộng lớn. Do đó, biến đổi khí hậu đã và đang gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Để nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu cần có chiến lược dài hạn, kỹ thuật thông minh và đảm bảo thủy lợi. Hàng năm, ngành nông nghiệp thực hiện nhiều công trình thủy lợi đảm bảo hạ tầng đê bao phục vụ sản xuất, như: Nạo vét, khai thông dòng chảy, xây dựng đê bao, cống ngăn mặn. Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chịu mặn, chịu phèn; cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp và thực hiện cánh đồng lớn.

Sự biến đổi khí hậu đã tạo ra những thách thức, những sự đe dọa đối với ngành nông nghiệp của huyện ta cũng như của vùng đồng bằng sông cửu long. Nghiên cứu, tìm hiểu kỷ những tác động của biến đổi khí hậu và những vấn đề sẽ nãy sinh để đưa ra những giải pháp và công cụ thực hiện hợp lý sẽ giúp chúng ta sẳn sàng đối phó một cách chủ động, giảm nhẹ thiên tai và giúp cho ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển bền vững.

Trần Ngọc Khải, HUV- Trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT huyện