Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Dạy nghề - việc làm

Xem với cỡ chữAA

Kêu gọi đầu tư 2 dự án tại khu công nghiệp Thạnh Lộc

(14:46 | 04/01/2024)

Tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023 chiều 29-12, đồng chí Lê Minh Trung - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh cho biết, hiện đơn vị đang kêu gọi đầu tư 2 dự án gồm xử lý nước thải tập trung và lập phương án khắc phục kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với khu công nghiệp Thạnh Lộc (Châu Thành) nhưng gặp khó khăn.

Theo đồng chí Lê Minh Trung, theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, đối với đất tại các khu công nghiệp chỉ cho nhà đầu tư hạ tầng thuê, không trực tiếp cho nhà đầu tư thứ cấp thuê. Bên cạnh đó, do điều kiện của tỉnh nằm cách xa trung tâm, suất đầu tư cao nên việc thu hút các nhà đầu tư hạ tầng gặp khó. “Mặc dù đã thông báo, mời gọi các đơn vị tư vấn trong và ngoài tỉnh có năng lực, kinh nghiệm và đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu tư vấn lập phương án khắc phục đối với khu công nghiệp Thạnh Lộc (Châu Thành), nhưng đã 2 năm không có đơn vị tư vấn nào đăng ký thực hiện”, đồng chí Lê Minh Trung nói.

Tổng số dự án đăng ký đầu tư vào 2 khu công nghiệp Thạnh Lộc, Thuận Yên lũy kế đến nay có 24 dự án đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 6.986,5 tỷ đồng. Hiện có 18 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tổng doanh thu của các doanh nghiệp năm 2023 ước đạt 6.628 tỷ đồng, bằng 72,4% so kế hoạch, giảm 16,8% so cùng kỳ năm 2022; kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 173,7 triệu đô la Mỹ, bằng 78,2% so kế hoạch, tăng 1,1% so cùng kỳ năm 2022; giá trị nộp ngân sách tỉnh ước đạt 629 tỷ đồng, giảm 25,2% so cùng kỳ năm 2022. Các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ kinh doanh gồm bia, gỗ MDF, giày da, chế biến thủy sản, gạch tuynel, bê tông tươi…

 

Ảnh: Đồng chí Lê Minh Trung (đứng) - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang giải trình các ý kiến doanh nghiệp đặt ra.

 

Ở nội dung đối thoại doanh nghiệp, ông Mai Như Hưởng - Trưởng phòng Kế hoạch Xây dựng cơ bản Công ty Cổ phần Gỗ MDF VRG Kiên Giang cho biết, do số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng nên điện phục vụ sản xuất trong khu công nghiệp Thạnh Lộc chưa đảm bảo yêu cầu. Vào mùa mưa và cao điểm, tình trạng mất điện thời gian qua khiến nhà máy tốn chi phí khởi động lại dây chuyền khoảng 300 triệu đồng/lần. Kiến nghị tỉnh đầu tư trạm điện hạ thế tại khu công nghiệp Thạnh Lộc nhằm giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất.

Ông Hoàng Xuân Tùng - Giám đốc Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Kiên Giang kiến nghị tỉnh nâng cấp mạng lưới giao thông đường thủy nội địa, hàng hải, chú trọng đầu tư cảng, bến để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải hàng hóa. Ông Lê Phú Quốc - Giám đốc Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang phản ánh: “Hệ thống đường giao thông tại khu công nghiệp Thạnh Lộc bị xuống cấp. Cứ vào mùa mưa, đường trơn trượt là công nhân lại bị tai nạn phải nghỉ làm. Dự kiến 2024 kinh tế phục hồi, công ty sẽ mở rộng sản xuất, nhưng khu công nghiệp Thạnh Lộc chỉ có 1 cổng thì chưa đảm bảo cho lực lượng lao động đi lại vào giờ cao điểm”.

 

Ảnh: Sản xuất gỗ MDF tại Công ty Cổ phần Gỗ MDF VRG Kiên Giang.

 

Đồng chí Lê Minh Trung cho biết, Ban sẽ kiến nghị tỉnh đầu tư láng nhựa các tuyến giao thông, cũng như mở thêm cổng tại khu công nghiệp Thạnh Lộc nhằm phục vụ tốt hơn việc đi lại của công nhân, doanh nghiệp. Cũng theo đồng chí Lê Minh Trung, tỉnh đã công bố quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là điều kiện tỉnh tháo gỡ khó khăn, thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư tại địa phương góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đối với kiến nghị của Công ty Cổ phần Gỗ MDF VRG Kiên Giang, đồng chí Lê Minh Trung cho biết, qua làm việc với điện lực, tình trạng nguồn điện không ổn định tại nhà máy là do sự cố sét đánh, cây đỗ ngã làm đứt dây điện chứ không phải do thiếu điện; đề nghị công ty tính toán lại độ nhạy của hệ thống thiết bị nhằm tránh tình trạng ngắt điện đột ngột như thời gian qua.

Đặng Linh-Báo Kiên Giang