Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Dân Vận Chính Quyền

Xem với cỡ chữAA

Phát huy vai trò làm cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp

(13:58 | 02/11/2018)

       “Sau hơn 2 năm thực hiện dự án khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới liên kết với doanh nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm” (dự án), đến thời điểm này có thể khẳng định dự án đã hỗ trợ Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) Bào Trâm nâng cao chất lượng hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012”, ông Lương Văn Nhâm - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTXNN Bào Trâm, cho biết.

          Tháng 6-2016, HTXNN Bào Trâm đã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012 với 102 thành viên và 63,5 triệu đồng vốn điều lệ. Trong tổng diện tích 174ha, HTXNN Bào Trâm có 82ha sản xuất tôm - lúa, 92ha sản xuất lúa hai vụ/năm. Theo ông Lương Văn Nhâm, cùng năm chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012, HTXNN Bào Trâm được sự hỗ trợ từ dự án. Có 30 hộ thành viên tham gia dự án với mức hỗ trợ 100% giống, 30% vật tư. Hầu hết các hộ đều sử dụng vật tư, giống đúng mục đích, đúng quy trình kỹ thuật của dự án nên lợi nhuận từ mô hình sản xuất 1 vụ tôm 1 vụ lúa cho lợi nhuận 73-84 triệu đồng/ha/năm, tăng 40-50 triệu đồng/ha/năm so khi làm lúa 2 vụ/năm.

“Trước thực trạng sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, tình trạng được mùa rớt giá thường xuyên xảy ra, cùng với những diễn biến bất thường của thời tiết do biến đổi khí hậu, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng làm ảnh hưởng đến sản xuất, chúng tôi xác định phải tổ chức lại sản xuất theo hướng giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm thì mới sản xuất hiệu quả, nâng cao mức sống người dân”, ông Lương Văn Nhâm nói.

Ảnh: Thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Bào Trâm, xã Nam Yên (An Biên) dặm lúa mùa 2018.

Chú trọng đưa khoa học - kỹ thuật đến bà con nông dân, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện các lớp tập huấn kỹ thuật trồng lúa, nuôi tôm sú cho 30 hộ thành viên tham gia dự án theo hướng vừa có lý thuyết, vừa thực hành thực tế ngoài đồng nên giúp nông dân tiếp thu kỹ thuật nhanh và ứng dụng vào sản xuất thực tế hiệu quả. Ông Ngô Trấn Khái, thành viên HTXNN Bào Trâm là một trong những điển hình trong phong trào chuyển đổi sản xuất ở xã Nam Yên. Đưa chúng tôi ra thăm ruộng lúa của gia đình, ông Khái cho biết: “Sau đợt hạn mặn năm 2015, bà con vùng này chuyển sang nuôi 1 vụ tôm trên nền đất lúa. Chân ướt chân ráo với mô hình con tôm ôm cây lúa, tôi và nhiều hộ dân trong ấp Bào Trâm đã từng thất bại trong 1 năm đầu chuyển đổi. Đến tháng 9-2016, tôi và 29 thành viên HTXNN Bào Trâm được tỉnh chọn tham gia dự án, được tập huấn kỹ thuật xử lý gốc rạ và chuẩn bị vuông nuôi trước khi thả tôm giống, quản lý môi trường nuôi tôm cũng như quy trình canh tác lúa an toàn. Nhờ sự hỗ trợ này mà chỉ sau 1 vụ tôm đầu được hỗ trợ, tôi thu lãi hơn 100 triệu đồng/ha”.

Sau 13 năm thành lập, HTXNN Bào Trâm không chỉ giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận nhờ bơm tát, gieo sạ tập trung mà còn phát huy được vai trò cầu nối giữa bà con nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, trước khi vào vụ lúa mùa 2018, lãnh đạo HTXNN Bào Trâm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên đến Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An tại TP. Cần Thơ đặt vấn đề liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa mùa sản xuất theo hướng hữu cơ. Trong tổng số 130ha lúa mùa của huyện An Biên được Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An bao tiêu vụ lúa mùa 2018 có 82ha của HTXNN Bào Trâm. “Vùng đất của HTXNN Bào Trâm rất thuận lợi cho việc làm lúa hữu cơ vì đây là vùng nuôi tôm, bà con rất ít sử dụng chất hóa học trong cải tạo đất vì sợ vụ sau sẽ ảnh hưởng đến con tôm. Chúng tôi tham gia dự án tuân thủ nghiêm ngặt quy trình dự án đề ra, bước đầu có thể khó khăn nhưng về lâu dài, đất sẽ được trả lại độ màu mỡ, môi trường sinh thái được gìn giữ, tạo tiền đề sản xuất nông nghiệp bền vững hơn”, ông Lương Văn Nhâm nói.

Đồng chí Lê Ngọc Bẩy - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: “Phát triển hợp tác xã có vai trò quan trọng, không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà góp phần thay đổi hình thức tổ chức sản xuất. Để đáp ứng tiêu chí này cũng như đảm bảo mục tiêu dự án đề ra, hàng năm, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh còn tổ chức 3 cuộc tập huấn nâng cao năng lực với các nội dung như: Hướng dẫn xây dựng kế hoạch sản xuất và xây dựng các hợp đồng liên kết; nghiệp vụ quản trị tài chính và phương pháp huy động vốn cho cán bộ kiểm soát trong HTXNN… Qua các cuộc tập huấn giúp ban giám đốc, thành viên hợp tác xã có kiến thức vận dụng vào điều hành hợp tác xã hiệu quả hơn”.

 

An Lâm