Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Tâm điểm

Xem với cỡ chữAA

TỰ HÀO NHỮNG CHIẾN SĨ DU KÍCH XÃ GIỤC TƯỢNG

(17:01 | 20/01/2021)

Nhiều năm trôi qua, nhưng ký ức về những ngày tháng chiến đấu gian khổ mà hào hùng vẫn chưa thôi phai nhạt trong các ông Nguyễn Văn Hui (bí danh Ba Chánh) và ông Nguyễn Văn Tốt (bí danh Tư Quyền) - thành viên đội du kích xã Giục Tượng (Châu Thành) một thời.

82 tuổi, sức khỏe ông Nguyễn Văn Hui, ngụ ấp Đông Thọ B, xã Thạnh Trị (Tân Hiệp) đã giảm sút nhiều vì bệnh hen nặng nhưng đôi mắt vẫn ánh lên vẻ cương nghị khi nhắc về ký ức những năm tháng chiến đấu. Ông Hui tham gia cách mạng năm 1959; sau đó làm bảo vệ Huyện ủy Châu Thành. Năm 1960, ông tham gia du kích xã Giục Tượng. Cuối năm 1960, ông được giao treo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại xã Giục Tượng. “Tôi được tổ chức giao nhiệm vụ bí mật đem lá cờ treo lên để đánh tiếng vang với địch về sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; đồng thời cũng thay cho lời kêu gọi toàn thể nhân dân đoàn kết, dũng cảm đứng lên giành độc lập, tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc”, ông Hui kể.

Ngày 1-2-1961, ông Hui thoát ly gia đình trực tiếp chiến đấu bảo vệ nhiều cán bộ chủ chốt của huyện, xã. Theo lời ông Hui, đến năm 1963, đội du kích xã Giục Tượng chỉ trang bị vài khẩu súng trường, còn lại các đội viên phải tự trang bị bằng mã tấu. Ký ức về những năm tháng đấu tranh gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng như vẫn vẹn nguyên trong ông Hui, trong đó có trận chống càn vào một sáng năm 1963. Một toán lính ngụy càn quét hòng tìm diệt lực lượng du kích. Nhóm lính ngụy không gặp trở ngại gì nên có phần lơi lỏng cảnh giác. Bất ngờ, mấy tên lính đi đầu bị sập hầm chông la hét thất thanh, hàng ngũ địch rối loạn rồi xô chạy. Thêm một số tên sụp hầm vướng chông. Lực lượng du kích xã bất ngờ xuất hiện. Chỉ chờ có thế, ông Hui và đồng đội với các loại súng tự tạo, súng ngựa trời đánh cho toán lính rút chạy...

 

Ảnh: Dù đã 82 tuổi, ông Nguyễn Văn Hui vẫn còn rắn rỏi làm được bàn, ghế và nhiều vật dụng bằng gỗ cho bà con trong ấp.

 

Phong trào du kích xã Giục Tượng dần mạnh lên. Một trong những chiến công oanh liệt của đội du kích xã Giục Tượng là tham gia tiêu diệt trực thăng địch tại đồng Tàu Hơi ngày 3-3-1963. Đây là trận đánh du kích xã Giục Tượng phối hợp lực lượng địa phương quân; riêng du kích Giục Tượng đã bắn rơi 1 chiếc trực thăng của địch. “Tương quan lực lượng quá lớn trong khi lực lượng phía ta mỏng nên sau gần 6 giờ giằng co quyết liệt, 2 đồng đội của tôi trúng đạn hy sinh, 4 đồng chí khác bị thương nặng, người bị địch bắt, tôi thì trúng đạn khắp người nằm khuất sau mô đất, đến 16 giờ địch rút người dân mới đưa tôi vào nhà băng bó”, ông Nguyễn Văn Tốt, ngụ ấp Đông Thọ B, xã Thạnh Trị nhớ lại. Trên cánh tay trái và chân phải của ông Tốt là những vết sẹo do vết thương khắc rất sâu. Mất mát, đau thương nhưng những trận chiến của đội du kích xã Giục Tượng vẫn không ngừng tiếp diễn. Với sự chiến đấu kiên cường, của lực lượng du kích Giục Tượng đã lập nên nhiều chiến công trong chiến đấu. Theo tài liệu lịch sử về truyền thống đấu tranh của xã Giục Tượng giai đoạn 1960-1975, du kích xã Giục Tượng đã đánh gần 100 trận lớn nhỏ, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu gần 500 tên địch, thu hàng trăm súng đạn, đánh tiêu diệt, bức rút hơn 20 lượt đồn bót...

Hỏi trong những ngày tháng ấy có sợ hy sinh không, ông Hui và ông Tốt đều cười. Ông Hui nói: “Ngày đó tham gia cách mạng là theo lời kêu gọi của Bác Hồ, vì lý tưởng và lòng căm thù giặc mà nuôi khát vọng giải phóng quê hương. Anh em đã nguyện với nhau chỉ cần được sống sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, chết thì làm phân cho cây cỏ”. Thành viên đội du kích xã Giục Tượng được tổ chức đặt bí danh gồm “Chánh, Quyền, Liên, Hiệp, Hòa, Bình, Thống, Nhất”, thể hiện khát vọng ngày quê nhà được hòa bình, non sông thống nhất. Từ vài chiến sĩ ban đầu, đội du kích xã Giục Tượng phát triển đến gần 1 trung đội. Những chiến sĩ du kích ấy đã hy sinh trước ngày giải phóng, hiện chỉ còn lại ông Hui và ông Tốt. Dù tuổi đã cao nhưng ông Tốt, ông Hui vẫn luôn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, là nhân chứng lịch sử để nhắc nhớ thế hệ con cháu về một thời đấu tranh chống giặc gian khó nhưng rất đỗi hào hùng.

Đặng Linh-Báo Kiên Giang