Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Nông dân SX giỏi

Xem với cỡ chữAA

Lập nghiệp làm giàu với 6 triệu đồng

(15:18 | 14/07/2015)

 (Cổng ĐT HND) - Việc phát triển kinh tế theo mô hình kinh tế tổng hợp vườn ao chuồng rừng ở tỉnh Yên Bái những năm gần đây đã có sự phát triển mạnh mẽ. Rất nhiều những mô hình mang lại giá trị kinh tế cao, đem lại cho gia đình nguồn thu nhập ổn định từ 100 - 300 triệu đồng. Điển hình là hộ ông Trần Quốc Tiệp tại tổ 52, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái. Với mô hình kinh tế tổng hợp đã mang lại cho gia đình ông mức thu nhập hàng năm lên tới gần 200 triệu đồng.

Sinh ra và lớn lên tại xã Phú Thịnh huyện Yên Bình. Người thanh niên Tiệp khi đó đã phải bươn chải đủ thứ nghề nhưng cuộc sống gia đình cũng không thoát khỏi cảnh khó khăn. Năm 1993, được sự giới thiệu của bạn bè, ông mua lại mảnh đất rộng 2 ha bao gồm cả đồi rừng tại tổ 52 phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái để lập nghiệp với số tiền là 6 triệu đồng. Đó là số tiền gia đình ông khó khăn lắm mới tích cóp được.

Thời gian đầu, ông loay hoay không biết phải bắt đầu như thế nào. Tuy nhiên, do cuộc sống đã quá vất vả và khao khát làm giàu luôn thôi thúc trong ông nên sau nhiều đêm trăn trở, ông quyết tâm đi tìm hiểu, thăm quan, học hỏi những mô hình kinh tế có cách làm hay và đem lại hiệu quả để về áp dụng vào gia đình mình. Đầu tiên ông bàn với vợ vay 1,5 triệu đồng để mua giống lợn thịt về nuôi. Lứa lợn đầu tiên của gia đình không những giúp ông thu hồi được vốn mà còn có thêm tiền lãi để trang trải nợ nần. Thành công bước đầu đó đã mang lại cho vợ chồng ông thêm động lực tiếp tục mở rộng trang trại với quy mô trên trên 70 con thịt và 5 con lợn nái. Được sự tư vấn của các cán bộ khuyến nông, chuồng nuôi của gia đình ông được thiết kế thoáng mát, sạch sẽ. Lợn nái được nuôi tách biệt với khu lợn thịt và mỗi con một chuồng để thuận tiện chăm sóc.

Đối với ông, việc nuôi lợn cần phải thực hiện nghiêm ngặt các điều kiện về kỹ thuật chăn nuôi, bên cạnh đó công tác thú y, vệ sinh phòng dịch là việc quan trọng nhất, quyết định sự thành công hay phá sản của một trại chăn nuôi. Mỗi ngày, ông đều thực hiện việc rửa chuồng trại thường xuyên, định kỳ phun thuốc tiêu độc, sát trùng chuồng trại. Thực hiện đầy đủ chế độ tiêm phòng các loại dịch bệnh cho cả đàn lợn. Nguồn thức ăn phải đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng để lợn chóng lớn và sinh sản rất tốt. Để giảm kinh phí đầu tư cho nguồn thức ăn, ông thường tận dụng bỗng rượu còn lại do gia đình ông làm thêm nghề nấu rượu. Hiện nay, mỗi năm gia đình ông cho xuất từ 3 - 4 lứa lợn thịt, tiền lãi thu được cũng lên tới gần 100 triệu đồng.

Ngoài ra, tận dụng lợi thế đất đai của gia đình, hai vợ chồng ông còn đầu tư vào đào ao thả cá. Với 2000m2 diện tích ao nuôi, ông nuôi ghép cá chép, cá trắm cỏ , rô phi và cá mè. Do chủ động được nguồn nước lại có sự đầu tư chăm sóc nên cá lớn nhanh mỗi năm cho thu lãi trên 40 triệu đồng.

Ông cho biết: “Để có được nhà cửa khang trang và có của ăn, của để như hiện nay, bên cạnh sự cần cù, chịu khó, quyết tâm dám nghĩ, dám làm, tôi còn luôn tìm tòi, học hỏi, nắm vững các quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, tích cực học hỏi tiếp thu những kinh nghiệm áp dụng sáng tạo vào mô hình của gia đình mình để đạt hiệu quả cao nhất. Bản thân cũng phải luôn nghiên cứu để nắm được nhu cầu của thị trường, và có sự hướng dẫn, quan tâm của cán bộ khuyến nông cơ sở. Không chỉ phát triển kinh tế trong chăn nuôi, tôi còn tận dụng 1,5 ha diện tích đồi rừng có sẵn thường ngày vẫn bỏ hoang, cây cỏ dại mọc um tùm, tôi lại nghĩ tới việc đưa cây keo, là cây công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao vào trồng. Qua quá trình chăm sóc cẩn thận cùng với việc áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật nên diện tích rừng trồng của gia đình phát triển tốt và cho thu nhập. Năm 2014, việc khai thác 1 ha keo đã cho thu hoạch trên 40 triệu đồng”.

Trong thời gian tới, với 20 triệu đồng có được từ dự án nuôi lợn kết hợp thông qua nguồn ngân sách của thành phố, gia đình ông sẽ tiếp tục mở rộng thêm quy mô chăn nuôi, nhất là việc đầu tư nuôi thêm lợn nái. Nhờ thành công trong việc phát triển kinh tế, mô hình của gia đình ông đã được nhiều hộ dân khác đến thăm quan, học tập và làm theo.

Nguyễn Cường- Trung tâm khuyến nông Yên Bái