Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Nông dân SX giỏi

Xem với cỡ chữAA

Đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững

(15:59 | 27/12/2016)

 Là một trong 3 phong trào thi đua lớn của các cấp Hội Nông dân Việt Nam, trong 05 năm qua, phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững (NDTĐSXKDG) luôn được Ban chỉ đạo phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, mà các cấp Hội nông dân là nòng cốt, đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Từ đó đến nay, phong trào này đã thực sự đáp ứng được nhu cầu của Hội viên, nông dân, có sức lan toả rộng lớn và thu hút ngày càng nhiều hội viên, nông dân tham gia, phong trào đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Qua 5 năm đã có 426.789 lượt hộ đăng ký, chiếm bình quân hằng năm 34,16 % so với hộ nông nghiệp trong toàn tỉnh và có  279.413 lượt hộ đạt chuẩn SXKD giỏi các cấp.

 

           Thông qua phong trào, các cấp Hội đã có nhiều biện pháp chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu. Tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, dạy nghề, xây dựng các mô hình trình diễn, tín chấp cho nông dân vay vốn mua vật tư, máy móc nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể,... góp phần, thực hiện các chủ trương lớn trong nông nghiệp như: thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hợp tác liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nông dân liên kết xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hợp tác xây dựng “cánh đồng lớn”, thực hiện CTQGXDNTM,....

Tuy nhiên, kết quả phong trào phát triển chưa đồng đều giữa các địa phương; còn nặng về thành tích, số lượng, chất lượng chưa cao. Công tác truyền thông về phong trào còn hạn chế. Một số cấp Hội chưa thấy được tầm quan trọng, ý nghĩa, tác dụng của phong trào dẫn đến còn xem nhẹ công tác tham mưu chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Nhiều giải pháp, cách làm cụ thể để huy động các nguồn lực hỗ trợ, đầu tư và sự tham gia của xã hội cho phát triển phong trào chưa được xem trọng. Quy mô hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cơ bản còn nhỏ, phương thức sản xuất cá thể, tự phát, trình độ khoa học, kỹ thuật và quản lý còn yếu, hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi liên kết còn hạn chế, chưa xem trọng các yếu tố liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường trong sản xuất, kinh doanh, dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường, ...

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, nhằm đưa phong trào phát triển sâu rộng, thiết thực, hiệu quả, góp phần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện thành công Nghị Quyết số 29-NQ/HNDTW ngày 04 tháng 7 năm 2016 của BCH TWHNDVN và Kế hoạch số 204-KH/HNDT ngày 24 tháng 10 năm 2016, về Nâng cao chất lượng phong trào NDTĐSXKDG, giai đoạn 2016 – 2020 và đạt mục tiêu đề ra: Hằng năm có từ 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký và có từ 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (NDSXKDG) các cấp. Đến năm 2021, Tỷ lệ bình quân NDSXKDG cấp trung ương đạt 5%, cấp tỉnh đạt 10%, cấp huyện, thị, thành đạt 25% và cấp cơ sở đạt 60% so với tổng số hộ đạt chuẩn; Mỗi xã, thị trấn có ít nhất 1 mô hình kinh tế về liên kết hợp tác của các hộ NDSXKDG có hiệu quả do Hội Nông dân tổ chức vận động thực hiện.

Để tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt, từ cung cách làm ăn, đến ứng KHKT, công nghệ mới, hỗ trợ vốn, thông tin thị trường, cơ chế, chính sách... động viên khuyến khích, biểu dương khen thưởng kịp thời những người Nông dân là kinh tế giỏi, đề xuất một số giải pháp sau:

1- Đối với Hội Nông dân các cấp: Xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên, tổ chức thực hiện trên cơ sở kế hoạch, nhất là việc biểu dương, khen thưởng; Phải đến từng nhà, động viên từng hộ tham gia phong trào, vận động, tuyên truyền, thuyết phục để họ tin, hiểu và thay đổi từ nhận thức đến hành động, song song đó phải tạo điều kiện hơn nữa để tư vấn, hỗ trợ và là cầu nối liên kết giữa NDSXKDG với các doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng, có chính kiến đại diện bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân trong quan hệ hợp đồng.  Phải năng động và tự tin hơn trong công tác tham mưu, đề xuất cho đảng, chính quyền và các ban ngành có liên quan để phong trào phát triển sâu rộng.

2- Đối với Đảng ủy, UBND, các ban, ngành, đoàn thể các cấp:

- Đề nghị các cấp ủy đảng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với Hội Nông dân và quan tâm hơn nữa đến các phong trào của nông dân, trong đó có phong trào NDSXKDG,  bởi đây là lực lượng đông đảo và trung thành nhất đối với đảng; Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, động viên, quan tâm chỉ đạo bằng Chủ trương, Chính sách, chương trình, kế  hoạch, dự án thiết thực...

- Các ban, ngành, đoàn thể các cấp cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa và tạo mọi thuận lợi để Hội Nông dân thực hiện tốt phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”;

- UBND các cấp, xem đây không chỉ là phong trào của Nông dân, mà đây còn là một trong những phong trào thi đua yêu nước của chính quyền phát động, không tách rời với phong trào XDNTM và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách, vốn, dự án, cơ sở vật chất.... tăng cường quản lý điều hành, nuôi dưỡng và phát triển phong trào.

          3- Đối với Hộ NDSXKDG: Phải xóa bỏ tính bảo thủ, sẳn sàng chia sẻ kinh nghiệm hay với cộng động dân cư, giúp đỡ nhau về mọi mặt trong sản xuất và an sinh xã hội; Xây dựng lòng tin trong sản xuất và kinh doanh; Mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, quan tâm sản xuất theo hướng chuổi giá trị; Chủ động nắm bắt thông tin thị trường, tìm hiểu sâu về hội nhập kinh tế quốc tế; Gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, xây dựng các mô hình tổ hợp tác sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, sản xuất đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, đồng thời quan tâm đến thương hiệu sản phẩm.

 

Nguyễn Thị Kim Liên - PCT HND Tỉnh