Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Khoa học công nghệ

Xem với cỡ chữAA

KỸ THUẬT NUÔI CÁ LÓC TRONG VÈO

(14:13 | 21/09/2016)

              Trong những năm gần đây phong trào nuôi thủy sản ở nông hộ trong tỉnh phát triển khá rầm rộ, trong đó mô hình nuôi cá lóc trong vèo là hình thức nuôi phổ biến, nhất là trong mùa nước nổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cá lóc là loại thủy sản dễ nuôi, hiệu quả, đang được bà con nông dân quan tâm nhiều, vì chi phí đầu tư ít nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, thời gian nuôi ngắn. Hiện nay, loại hình này đang được bà con ở một số địa phương trong tỉnh thực hiện khá thành công.

Hiện nay một số loài cá lóc được nuôi phổ biến là: Cá lóc đen, cá lóc môi trề (còn gọi là cá lóc đầu vuông) và cá lóc đầu nhím (con lai giữa cá lóc đen và cá lóc môi trề), tuy nhiên cá lóc đầu vuông được bà con ưa chuộng nuôi nhiều vì cá lớn nhanh, dễ nuôi, thời gian nuôi ngắn.

Cá lóc có tập tính rình bắt mồi, ăn động vật như: cá, ếch nhái, côn trùng, giun đất, nòng nọc, động vật giáp xác… Ngoài ra, cá lóc còn ăn được thức ăn công nghiệp.

Đặc điểm sinh trưởng: Giai đoạn nhỏ, cá tăng chủ yếu về chiều dài. Cá càng lớn thì sự tăng trọng càng nhanh. Trong tự nhiên, sức lớn của cá không đều do thiếu thức ăn. Trong ao nuôi, thức ăn đầy đủ và chăm sóc tốt cá đạt trọng lượng trung bình 0,5 - 0,8 kg/con sau 5 - 6 tháng

Diện tích vèo: từ 6 - 10m2  (tùy vào điều kiện và địa hình của từng hộ nuôi), vèo nuôi cá lóc đặt trong ao hoặc đặt trên sông, mức nước sâu trên từ 1,5 - 2m, bên ngoài đóng cọc tràm hoặc tre, đáy vèo cách đáy ao khoảng 50cm. dòng chảy nhẹ với lưu tốc khoảng 0,3 - 0,4 m/s, có ánh sáng và gió nhẹ, tránh nơi nước chảy mạnh, sóng to, gió lớn, vị trí đặt vèo thuận lợi cho việc chăm sóc cá.

Khi nuôi từ giai đoạn cá giống lên cá thương phẩm thì tốt nhất nên chuẩn bị 2 vèo làm bằng lưới thái sợi 3,6 ly: 1 vèo nuôi cá giống có kích thước mắc lưới nhỏ, 1 vèo nuôi cá thương phẩm có kích thước mắc lưới lớn hơn để nước thông thoáng.

Cá giống tốt nhất nên đạt từ 150 – 180con/kg, có màu sắc tươi sáng, bơi lội nhanh nhẹn, không bị sây sát, dị tật. Ngoại hình cá cân đối, vây, vẩy đầy đủ, không có dấu hiệu trầy sướt và không nhiễm bệnh.

Mật độ thả nuôi không quá 250 con/m2. Nên thả cá giống đồng cỡ. Để hạn chế tỉ lệ hao hụt. khi bắt cá về nên tắm cá bằng nước muối  2 - 3% (0,2 - 0,3kg muối trong 10 lít nước ngọt) trong thời gian 3 - 5 phút để phòng một số bệnh trước khi thả nuôi.

Loại bỏ những con giống yếu hoặc bị sây sát trước khi thả. Thả cá giống vào lúc trời mát, tốt nhất thả giống vào lúc sáng sớm, trước khi thả cá nên thuần cá cho cá quen với môi trường bằng cách ngâm bao cá xuống nước 10 - 15 phút trước khi thả cá để cân bằng nhiệt độ giữa bên ngoài và trong bao cá giống. khi cá lớn nên sang dần sang vèo khác để giảm mật độ và tránh cá phân cỡ.

Có thể nuôi quanh năm, thuận lợi nhất là từ tháng 5 đến tháng 9. Tuy nhiên cần xem xét nhu cầu thị trường và nguồn cung cấp thức ăn để bố trí thời gian thả giống thích hợp.

Ngoài thức ăn tự nhiên trong nước, cần cho cá ăn thêm thức ăn tự chế (cá biển, cá tạp, ốc bưu vàng…) và thức ăn viên. Khẩu phần ăn khoảng 4 - 10% trọng lượng tùy từng giai đoạn phát triển của cá và chất lượng thức ăn, thời tiết… cho ăn: 2 - 3 lần/ngày, thức ăn được cho vào sàn ăn đặt dưới ao, kích thước thức ăn phù hợp với cỡ miệng của cá để cá dễ bắt mồi. Khi cá còn nhỏ cần băm nhuyễn thức ăn, khi cá lớn thì cắt nhỏ thức ăn vừa cỡ miệng cá rồi cho vào sàn ăn. Định kỳ bổ sung vitamin C và men vi sinh vào thức ăn để tăng sức đề kháng và khả năng tiêu hóa của cá nên thường xuyên theo dõi và quản lý tình trạng của cá.

Cần tẩy giun cho cá khi cá lớn, nước dễ bị ô nhiễm, nhiều tảo, cần định kỳ 7-10 ngày dùng thuốc ký sinh trùng và men vi sinh để xử lý môi trường nước, treo túi vôi và túi muối trong vèo đầu nguồn nước để phòng bệnh cho cá.

Sau 2,5 – 3,5 tháng nuôi, cá đạt kích cỡ khoảng 0,3 - 0,5 kg/con thì có thể tiến hành thu hoạch. Trước khi thu hoạch 1 - 2 ngày không nên cho cá ăn để hạn chế cá bị chết trong quá trình vận chuyển. Dùng lưới kéo từng phần để thu, không nên kéo dồn cùng lúc dễ làm cá bị xây xát và chết.

* Một số bệnh thường gặp trên cá

Nguyên nhân dẩn đến bệnh ở cá bao gồm các yếu tố như: virus, vi khuẩn, nấm, kí sinh trùng và các yếu tố môi trường.

 Cách phòng bệnh tổng hợp: Tẩy dọn ao, bể nuôi trước khi thả cá để diệt các tác nhân gây bệnh, sử dụng nước sạch để nuôi cá. Trước khi thả cá nên tắm cá bằng nước muối 0,5 – 1kg cho 100 lít nước trong 10 – 15 phút. Cho cá ăn đủ thức ăn với hàm lượng dinh dưỡng cao để cá khỏe, có sức đề kháng tốt, tránh cho cá ăn dư thừa thức ăn. Định kỳ trộn thức ăn với men tiêu hóa, vitamin C, premix trong thức ăn cho cá. Có thể dùng lá xoan bó thành từng bó treo xung quanh vèo nuôi hoặc dùng vôi bột treo xung quanh vèo

- Bệnh lở loét trên cá lóc

Dấu hiệu bệnh: Cá ăn ít hoặc bỏ ăn, bơi nhô đầu khỏi mặt nước, nổi lờ đờ, da xám, có vết loét hoặc các đốm đỏ phát triển ở đầu, thân, vây và đuôi.

Trị bệnh: có thể dùng muối ăn NaCl2 3% tắm cho cá hoặc có thể sử dụng Oxytetraxyline, Amox, kanamycine để trị bệnh theo liều lượng hướng dẫn. (2 viên Oxytetracyline + 1 viên cotrimfor/ 1 kg thức ăn)

- Bệnh trắng da

Dấu hiệu: đuôi cá xuất hiện vết trắng lan dần về phía đầu, cá bị mất nhớt.

Trị bệnh: trộn kháng sinh vào thức ăn cho cá liên tục 3-5 ngày, tắm cá bằng thuốc treptomycine 1 lọ/ 10 lít nước, tắm trong 30 phút.

- Bệnh nấm thủy mi

Dấu hiệu: Trên da xuất hiện những vùng trắng xám, có nhiều sợi nấm nhỏ bám lên như bông gòn có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Trị bệnh: Dùng xanh methylen tắm cho cá, hoặc dùng thuốc tím 2-5 ppm tắm cho cá trong khoảng 10 phút. Trộn vitamin C vào thức ăn và men tiêu hóa để tăng cường sức đề kháng cho cá.

- Bệnh sán lá đơn chủ (ký sinh ở mang và da)

Dấu hiệu: Mang bị viêm và sưng to, các tia mang bị đức rời, tiết ra nhiều nhớt làm cá khó thở và chết, cá thường nổi đầu tập trung vào nơi có dòng nước chảy.

Trị bệnh: Dùng muối với liều 0,5 – 1 kg/100 và tắm trong 20 – 30 phút,  liên tục 3 ngày, hoặc dùng lá xoan treo ở góc vèo (5kg).

- Bệnh trùng mỏ neo

Dấu hiệu: Bệnh thường ký sinh ở da, mang, vây và mắt của cá. Khi nhiễm bệnh cá bị kém ăn, gầy dần, bị xuất huyết. Dây cũng là điều kiện đầu tiên dẩn đến bệnh nhiễm khuẩn.

Trị bệnh: Tắm cho cá bằng thuốc tím 10 - 25 ppt trong 1 gời, dùng kháng sinh trộn vào thức ăn cho cá, bổ sung thêm vitaminC và men tiêu hóa đề tăng thêm sức đề kháng cho cá.

 

Trần Văn Ghẹ - kỹ sư nuội trồng thuỷ sản..