Sáng 16-4, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Cần Thơ và UBND tỉnh Kiên Giang đã phối hợp tổ chức Hội thảo phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh năm 2013 – khu vực ĐBSCL. Ông Lê Văn Thi – Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cùng 250 đại biểu là lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành và doanh nghiệp của 13 tỉnh/thành ĐBSCL đã đến dự.
PCI chính là thước đo đánh giá chất lượng điều hành, mức độ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của một địa phương, thông qua sự đánh giá khách quan của các doanh nghiệp trên địa bàn. Theo đánh giá của VCCI, trong mấy năm gần đây chỉ số PCI của khu vực ĐBSCL luôn cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Điều đó cho thấy đây là khu vực đang ngày càng có nhiều cải thiện trong chính sách đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Tức là các nhà đầu tư ngày càng quan tâm và đầu tư tại khu vực này.
Đối với tỉnh Kiên Giang, năm 2013 Kiên Giang là tỉnh đứng thứ 3 cả nước và đứng đầu khu vực ĐBSCL về PCI. Điều này sẽ là động lực, là điều kiện thuận lợi để tỉnh Kiên Giang thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế, tạo đà để kinh tế Kiên Giang phát triển mạnh trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên để giữ vững và nâng cao chỉ số về năng lực cạnh tranh đòi hỏi những chính sách đồng bộ và dài hơi trong cải cách thủ tục hành chính, chính sách ưu đãi đầu tư, cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Phát biểu tại hội thảo, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL cho rằng việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của cả khu vực, việc liên kết giữa các tỉnh sẽ phát huy được lợi thế của từng địa phương, trong đó cần chú ý đến chỉ số cạnh tranh bình đẳng và chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo khuyến nghị của VCCI Cần Thơ, thì môi trường kinh doanh là quan trọng nhất, bên cạnh đó là lực lượng lao động có tay nghề sẽ quyết định việc nhà đầu tư có đến đầu tư và mở rộng sản xuất hay không. Việc cải thiện mạnh về thứ hạng PCI cũng sẽ mang lại sự cải thiện hình ảnh địa phương, cải thiện hình ảnh của lãnh đạo và mang lại yếu tố hấp dẫn du khách.
Để nâng cao chỉ số PCI một cách bền vững, các địa phương cần nhận thức đầy đủ vai trò của doanh nghiệp trong nền kinh tế của tỉnh, các cơ quan cùng đồng hành với doanh nghiệp, lắng nghe và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc từ phía doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong quan hệ với các bộ, ngành, tuyên dương doanh nghiệp, doanh nhân tiêu tiểu…
Theo kiengiang.gov.vn