Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Phong trào nông dân

Xem với cỡ chữAA

HỘI NÔNG DÂN TỈNH KIÊN GIANG: Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho hội viên nông dân

(15:54 | 04/01/2024)

Năm 2023, các cấp Hội Nông dân đã tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò của mình, tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân phát huy tốt vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững; tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào thi đua do Hội phát động và đã được lan tỏa sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội; phát triển các mô hình kinh tế, tổ hợp tác, hợp tác xã tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân; vai trò của Hội là trung tâm, nòng cốt cho các phong trào nông dân ngày càng được thể hiện rõ nét...

CÔNG TÁC THAM GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Năm 2023, các cấp Hội Nông dân đã phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới và làm cầu nối giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo, thực hiện có hiệu quả, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.

Để thiết thực chào mừng Đại hội lần thứ X, Hội Nông dân tỉnh và Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII nhiệm kỳ 2023 - 2028. Hội Nông dân tỉnh đã triển khai tổ chức các hoạt động với nhiều ý nghĩa như: công trình cụm pano tuyên truyền “Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, gắn với đèn năng lượng mặt trời thắp sáng lộ giao thông nông thôn, với tổng chiều dài 4.340m, trị giá 550 triệu đồng tại 3 huyện Châu Thành, An Biên và Giang Thành (Châu Thành 56 pano; An Biên 22 pano, Giang Thành 22 pano); 22 cụm pano tuyên truyền về an toàn giao thông, gắn với đèn năng lượng mặt trời, thắp sáng đường nông thôn, với chiều dài 1.000m, trị giá 40 triệu đồng tại ấp Bình Hoà, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất và hỗ trợ trồng 1 tuyến đưng hoa trên cùng ấp.

 

Hình: Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh trồng cây tại xã Thạnh Phước, huyện Giồng Riềng.

 

Thực hiện chỉ tiêu số 17 về Môi trường, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền như: Tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, tại xã Hòa An, Thạnh Phước và Long Thạnh, trồng 1.400 cây gồm cây sao, dầu và cây mai và xây dựng tuyến đường hoa tại ấp Cây Huệ, xã Hòa An (Giồng Riềng), với chiều dài 200m, với tổng giá trị cây trồng 99 triệu đồng; tổ chức Lễ phát động trồng cây xanh bảo vệ môi trường, tại ấp Rạch Gỗ, xã Phú Lợi, huyện Giang Thanh, với chiều dài tuyến đường 7km và trồng trên 1.000 cây sao.

Nhằm góp phần thực hiện tiêu chí về xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, Hội Nông dân huyện An Minh đã phối hợp phòng Tài nguyên và Môi trường huyện xây dựng 65 lò đốt rác, tại xã Vân Khánh Đông và Đông Hưng, với tổng số tiền 85,5 triệu đồng, riêng cơ sở Hội vận động hội viên nông dân tự xây 14 lò đốt rác; huyện chỉ đạo cơ sở Hội xây dựng 26 công trình bảo vệ môi trường, 25 công trình xây dựng nông thôn mới và xây dựng 26 mô hình dân vận khéo từ huyện đến cơ sở. Hội Nông dân huyện Vĩnh Thuận đã tuyên truyền, vận động hội viên nông dân làm mới, sửa chữa 15 km đường giao thông nông thôn, xây dựng mới 09 cây cầu với tổng kinh phí 2,270 tỷ đồng, 08 phần việc mang tên Hội về xây dựng nông thôn mới và 08 mô hình về bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Hội Nông dân huyện Tân Hiệp phát động trong cán bộ, hội viên nông dân tham gia duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa được 4,5 km đường, kênh mương, bắt mới 03 cây cầu nông thôn. Hội Nông dân huyện U Minh Thượng đã phát động phong trào, vận động hội viên nông dân tham gia sửa chữa 04 mố cầu, 05 cống sụp lún, 02 km lộ bị hỏng và phát hoang 09 tuyến lộ dài 11 km, có 06/06 xã xây dựng mô hình bảo vệ Môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hưởng ứng ngày môi trường thế giới, với 65 lượt hội viên tham gia thu gom rác thải nhựa,.

CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ

Phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) là một chủ trương lớn, xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước, đang trở thành một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế đất nước, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện chủ trương của Đảng, trong những năm qua Hội Nông dân các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ hội viên nông dân tham gia phát triển KTTT, HTX và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế hộ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho nông dân.

Trong năm, nổi bật nhất là Hội Nông dân huyện Giang Thành đã chỉ đạo cơ sở Hội phối hợp tuyên truyền và vận đồng thành lập mới được 05 HTX và 08 tổ hợp tác (THT) nông nghiệp, nâng tổng số toàn huyện lên 24 HTX và 58 THT; đồng thời thành lập thêm 02 chi Hội Nông dân nghề nghiệp và 10 tổ Hội nông dân nghề nghiệp. Qua đó, vừa giải quyết việc làm cho hội viên nông dân đồng thời góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động Hội. Hội Nông dân huyện Kiên Hải phối hợp với phòng Nông nghiệp huyện thành lập mới 02 HTX nông nghiệp gắn với các dịch vụ du lịch để tăng thu nhập cho người dân địa phương (HTX Nông nghiệp, xã Lại Sơn và HTX Nuôi cá lồng bè Thiên Phát, xã An Sơn), nâng tổng số toàn huyện có 09 HTX và 13 THT.

 

Hình: Thành viên HTX Nuôi các lồng bè Thiên Phát xã An Sơn, huyện Kiên Hải.

 

Nhằm tạo ra sản phẩm đặc trưng vùng miền góp phần tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và tăng thu nhập cho hội viên nông dân. Trong năm, Cục Sở hữu trí tuệ đã công nhận 06 nhãn hiệu tập thể và giao cho Hội Nông dân thành phố Hà Tiên quản lý gồm: Hồ tiêu Hà Tiên, Tôm khô Hà Tiên, Cua Hà Tiên, Cá bóp lồng bè Tiên Hải, Thanh trà Thuận Yên và Khoai lang Mỹ Đức. Đồng thời, được Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang công nhận 04 sản phẩm OCOP đạt 3 sao như: Tiêu Hoàng Vũ, Cá khô lò tó Hoàng Tư Kim, Cà xỉu Trang và Mắm cá trích Thái Hà.

Cùng với công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia mô hình kinh tế tập thể, Hội Nông dân các cấp còn hướng dẫn nông dân liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu nông sản.

CÔNG TÁC HỖ TRỢ VÀ NHÂN RỘNG MÔ HÌNH KINH TẾ MỚI

Đẩy mạnh xây dựng chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập các chi hội, tổ hội nghề nghiệp nhằm liên kết những nông dân có chung ngành nghề sản xuất, kinh doanh, qua đó tạo sự gắn kết, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Hội Nông dân huyện Giồng Riềng đã chọn Chi hội “Nuôi lươn không bùn”, xã Hòa An để nâng lên THT “Nuôi lươn không bùn” làm điểm triển khai thực hiện và nhân rộng mô hình, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH MTV Nông nghiệp An Hưng Farm và được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ vốn cho THT đầu tư 95 triệu đồng, Hội Nông dân huyện hỗ trợ vay vốn 350 triệu đồng. Đến nay, mô hình nuôi lươn không bùn đã nhân rộng thêm 4 xã: Ngọc Chúc, Long Thạnh, Ngọc Hòa, Vĩnh Phú, với 72 hộ nông dân tham gia.

Hội Nông dân thành phố Hà Tiên phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, đã trao giống gà ô tía thương phẩm cho 08 hộ dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo của xã Thuận Yên, với tổng số 912 con gà giống (mỗi hộ 114 con gà giống) và kèm theo thức ăn, thuốc phòng, trị bệnh, với tổng trị giá kinh phí thực hiện 116,6 triệu đồng.

 

Hình: Mô hình thực hiện quy trình canh tác cây khóm theo hướng nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc nhằm giảm chi phí tại xã Vĩnh Phước A, huyện Gò Quao.

 

Hội Nông dân huyện Gò Quao đẩy mạnh việc hỗ trợ và nhân rộng 05 mô hình hình mới có hiệu quả như: mô hình Cải tạo và chăm sóc cây sầu riêng trên địa bàn xã Vĩnh Hòa Hưng Nam với diện tích 40 ha, gắn với xây dựng sản phẩm đạt OCOP, VietGAP; mô hình thực hiện quy trình canh tác cây khóm diện tích 50 ha, theo hướng nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc nhằm giảm chi phí, hạn chế dịch bệnh góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân xã Vĩnh Hòa Hưng Nam và Thới Quản; mô hình nâng cao hiệu quả tôm nuôi bằng cách sử dụng chế phẩm vi sinh trong mô hình tôm lúa xã Thới Quản diện tích 40 ha; mô hình nuôi gà ô tía, vịt xiêm Pháp tại xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, Vĩnh Phước A, Thới Quản; mô hình sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP năm 2023 - 2024 (xã Thủy Liễu 20 ha, Thới Quản 20 ha).

Hội Nông dân huyện Kiên Lương đã phối hợp thực hiện 02 dự án cánh đồng lớn với tổng diện tích thực hiện 2.240,4 ha với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng. Trong đó, dự án sản xuất lúa cánh đồng lớn áp dụng giống mới đáp ứng vùng nguyên liệu và ứng phó biến đổi khí hậu (vụ Hè thu năm 2023 thực hiện 811,4 ha).

CÔNG TÁC AN SINH XÃ HỘI

Năm 2023, các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo, hỗ trợ cho hội viên nông dân khó khăn, được Hội Nông dân tỉnh vận động các công ty, doanh nghiệp mạnh thường quân hỗ trợ 42 giếng nước sạch, cho hộ nghèo ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất để sinh hoạt, trị giá 210 triệu đồng; vận động tặng quà cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn được 408 xuất trị giá trên 108 triệu đồng; Phối hợp vận động cất 7 căn nhà đại đoàn kết cho hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn.

 

Hình: Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh và Huyện ủy Vĩnh Thuận trao quà cho các hội nông dân dân tại huyện Vĩnh Thuận.

 

Hội Nông dân huyện Vĩnh Thuận, đã phối hợp vận động xây dựng 21 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở, trong đó Hội Nông dân huyện trực tiếp vận động cất 01 căn nhà mái ấm nông dân, trị giá 50 triệu đồng, tại ấp Đập Đá 1, xã Vĩnh Phong.

Hội Nông dân thành phố Phú Quốc đã tích cực vận động hội viên, nông dân và các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đóng góp ủng hộ Quỹ “Ngày vì người nghèo” và tương trợ, giúp đỡ 30 hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn về giống, vốn, vật tư nông nghiệp giá trị 150 triệu đồng và 65 ngày công lao động góp phần giúp đỡ hội viên nông dân nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo.

Hội Nông dân thành phố Rạch Giá vận động giúp đỡ hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn cất 5 căn nhà Mái ấm Nông dân để có nơi ở ổn định; vận động mạnh thường quân hỗ trợ 02 hộ khó khăn trên địa bàn thành phố định kỳ nhận 20kg gạo/hộ hàng tháng, đồng thời thành lập mô hình “Địa chỉ nhân ái” do Ban Chấp hành Hội Nông dân thành phố vận động ủng hộ 100kg gạo/10 hộ/tháng tại phường Vĩnh Quang.

Nguyễn Quí-Ban KT-XH (HNDT)