Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Tin tức - sự kiện

Xem với cỡ chữAA

Đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nông dân

(23:44 | 12/12/2024)

Sáng 11-12, tại hội nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đối thoại với nông dân năm 2024 với chủ đề “Chính sách và giải pháp phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp giai đoạn hiện nay”, nhiều khó khăn, vướng mắc của nông dân được lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành tháo gỡ, giải đáp cụ thể. 

Tham dự hôi nghị có 680 đại biểu dự trực tiếp và trực tuyến tại các điểm cầu các huyện, thành phố trong tỉnh.

Tại hội nghị, nhiều nông dân phản ánh những bất cập, hạn chế trong tiếp cận vốn, đất đai, kỹ thuật; thiếu sự liên kết bền vững giữa các hợp tác xã và doanh nghiệp; khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nông sản.

 

Ông Nguyễn Văn Kích - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp 339 (Giồng Riềng) đề nghị UBND tỉnh có chính sách cụ thể hỗ trợ đầu tư hệ thống kinh mương tưới tiêu và đầu ra của sản phẩm đối với các hợp tác xã.

 

Ông Nguyễn Văn Kích - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp 339 (Giồng Riềng) kiến nghị UBND tỉnh có chính sách cụ thể hỗ trợ đầu tư hệ thống kinh mương tưới tiêu và đầu ra của sản phẩm đối với các hợp tác xã được chọn tham gia đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long” đến năm 2030. Đồng chí Lê Hữu Toàn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, UBND tỉnh đã có đề xuất dự án cơ sở hạ tầng cacbon thấp để xây dựng thuỷ lợi nội đồng, trạm bơm tưới tập trung cho 12 huyện tham gia đề án, dự kiến sẽ thực hiện ở giai đoạn 2026-2030. Về đầu ra của sản phẩm, tỉnh đặc biệt chú trọng mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi giá trị với các hợp tác xã, nhất là các sản phẩm an toàn, hữu cơ.

Ông Nguyễn Thanh Nhựt, ngụ xã Hòn Tre (Kiên Hải) cho biết:  “Thực hiện chủ trương hạn chế khai thác biển, phát triển nuôi biển và làm du lịch biển. Hiện tại, có một số lượng ngư dân gặp khó khăn về sinh kế. Kiến nghị tỉnh quan tấm đến cơ chế, chính sách chuyển đổi nghề cho ngư dân đánh bắt gần bờ sang các nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn theo hướng bền vững.

 

Đồng chí Lê Hữu Toàn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời thắc mắc của nông dân.

 

Theo đồng chí Lê Hữu Toàn, thực hiện định hướng giảm khai thác, đồng thời ổn định sinh kế cho ngư dân, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu xây dựng đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân có tàu cá bị cắt giảm và ngư dân có tàu cá bị chuyển đổi nghề phù hợp với nghề mới trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Dự kiến trong năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành đề án, làm cơ sở phát triển nghề khai thác thuỷ sản bền vững có trách nhiệm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, xây dựng nghị quyết về chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành để hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề phù hợp với nghề mới trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Minh Hải - Chủ tịch Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hưng (Châu Thành) cho rằng, mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa có tiếng nói chung, hợp tác chưa chặc chẽ, hài hòa lợi ích; đề nghị UBND tỉnh có chủ trương, chỉ đạo ngành chuyên môn kêu gọi doanh nghiệp có uy tín, liên kết chuỗi giá trị chặc chẽ hơn với nông dân và cùng chia sẻ khó khăn với nông dân.

 

Đồng chí Lâm Minh Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giải đáp thắc mắc của nông dân tại hội nghị đối thoại.

 

Đối với vấn đề của ông Hải, đồng chí Lâm Minh Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, từ đó làm cơ sở định hướng sản xuất, thúc đẩy mối liên kết doanh nghiệp và nông dân chặt chẽ hơn, hài hòa lợi ích hơn.

Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, theo đồng chí Lâm Minh Thành, đề nghị các huyện bố trí quỹ đất cho các hợp tác xã xây dựng trụ sở hoạt động, từ đó kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đồng hành với hợp tác xã trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn cho nông dân, hợp tác xã. Đặc biệt các ý kiến kiến nghị của nông dân còn tồn đọng chưa được giải đáp cụ thể tại hội nghị, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường gặp gỡ, tiếp cận nông dân, hợp tác xã để nắm bắt cụ thể khó khăn, có giải pháp khai thông “điểm nghẽn” trong cơ chế, chính sách dành cho nông dân, hợp tác xã.

Đồng chí Lâm Minh Thành cho biết, thời gian tới, tỉnh tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức giúp nông dân hiểu rõ vai trò, lợi ích của kinh tế tập thể, từ đó khuyến khích tham gia và phát triển các hợp tác xã. Về hỗ trợ nguồn lực, tỉnh tăng cường chính sách hỗ trợ vốn vay, đất đai, đào tạo kỹ thuật và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Song song đó, kết nối hợp tác xã với doanh nghiệp, đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường cho nông sản; tập trung xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới, hiệu quả cao để nhân rộng trên toàn tỉnh.

Dịp này, UBND tỉnh tặng 31 suất quà cho 31 nông dân và hợp tác xã tiêu biểu.

Đặng Linh-Báo Kiên Giang