Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Tin Tức - Chính trị

Xem với cỡ chữAA

Một chặng đường lịch sử của giai cấp nông dân Kiên Giang trong xây dựng và phát triển.

(05:15 | 28/09/2015)

 Sự ra đời của Nông Hội đỏ (tháng 10/1930),  tiền thân của Hội Nông dân Việt Nam đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam

 Trải qua mỗi giai đoạn lịch sử, giai cấp nông dân cũng một lòng trung thành với Đảng với Bác Hồ với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Qua 85 năm Tổ chức Hội Nông dân đã trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giai cấp nông dân đã góp phần tô đậm cho trang sử hào hùng của dân tộc trong đấu tranh dựng nước và giữ nước cũng như truyền thống của Hội Nông dân Việt Nam. Bắt đầu từ năm 1920, sau khi dập tắt cuộc khởi nghĩa của nông dân, thực dân Pháp tiến hành cướp đoạt gần 1 triệu ha ruộng đất của nông dân. Nông dân lúc này chiếm trên 90% dân số nhưng chỉ có 36% ruộng đất và phong trào đấu tranh chống cướp ruộng đất, sưu thuế tô tức nặng nề đã tự phát, vì vậy cần phải đoàn kết tất cả nông dân và người lao động trong nước để đấu tranh chống áp bức, bóc lột, bênh vực quyền lợi của nông dân và thực hiện cách mạng ruộng đất.

Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của Kiên Giang được thành lập và năm 1932 chi bộ Vĩnh Thuận ra đời cũng bắt đầu hình thành được hai tổ chức Nông Hội đầu tiên của Kiên Giang, làm nhiệm vụ vận động tuyên truyền cho Đảng, cho cách mạng vận động nông dân đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống áp bức, bóc lột, đồng thời lực lượng này đã che chở, nuôi chứa cán bộ, đảng viên, các hoạt động của nông dân đã có tiếng vang toàn tỉnh, khởi đầu cho phong trào đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng, chống đế quốc thực dân và địa chủ phong kiến. Có thể nói Kiên Giang được coi là vùng đất mới của Tổ quốc Việt Nam, giai cấp nông dân Kiên Giang được hình thành từ sự hội tụ của những người dân lao động từ mọi miền đất nước (cộng đồng ba dân tộc Kinh, Khơme và người Hoa cùng lánh nạn và về đây sinh sống) họ đã đoàn kết, tương trợ nhau cùng cải tạo thiên nhiên, lập làng, mở đất, bảo vệ cương thổ quốc gia chống mọi kẻ thù xâm lược. Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, lực lượng nông dân Kiên Giang cùng với các tầng lớp nhân dân lao động cả nước, đã góp phần đã làm cuộc cách mạng Tháng Tám thành công, cuộc đổi đời vĩ đại, người nông dân từ người lao động bị áp bức, bóc lột tột cùng đã trở thành người chủ của mãnh đất, đồng ruộng của mình, trở thành người chủ của đất nước. Nông dân Kiên Giang tập hợp dưới lá cờ của Đảng bằng tổ chức Nông Hội đỏ, Hội Ái Hữu đến Nông dân phản đế, Hội Nông dân cứu quốc, tổ chức Hội có những tên gọi khác nhau, dù bất kỳ giai đoạn thời điểm lịch sử nào Nông dân Kiên Giang luôn gắn bó và tin tưởng vào Đảng, Bác Hồ theo mục tiêu, lý tưởng của Đảng là nguyện vọng của nông dân.

Trong những năm đầu kháng chiến chống Mĩ cứu nước, năm 1960 Ban Dân vận Tỉnh ủy Rạch Giá  thành lập thì tổ chức Hội Nông dân giải phóng tỉnh Rạch Giá cũng hoạt động, Đồng Khởi năm 1960 là một dấu mốc lịch sử của Nông dân Kiên Giang với 1.560 hội viên nhưng phong trào cách mạng ở nông thôn được phát triển rộng khắp để đến cao trào cùng cả nước thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, để sau đó góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, nông dân Kiên Giang đã một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng cho đến khi giành thắng lợi hoàn toàn. Mỗi chiến công của cách mạng Việt Nam, mổi thắng lợi của cánh mạng trên địa bàn trong tỉnh đềucông sức, trí tuệ và cả bằng xương máu của nông dân Kiên Giang, người nông dân sẳn sàng chấp nhận hy sinh, gian khổ để bảo vệ cán bộ, bảo về tổ chức Đảng của địa phương mình để phong trào cách mạng tồn tại và phát triển.

Nối tiếp và phát huy truyền thống tốt đẹp của giai cấp nông dân nhất là thời kỳ đất nước ta đã chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tổ chức Hội Nông dân tỉnh  bước vào công cuộc đổi mới với nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động tiếp tục được khởi xướng để nông dân tham gia và đặc biệt hôm nay với ba phong trào lớn của Hội Nông dân như “Phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và “Phong trào nông dân thi đua đảm bảo quốc phòng, an ninh”. Với vai trò nòng cốt trong phong trào hành động cách mạng, tổ chức Hội luôn bám sát chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền vận động nông dân đoàn kết tích cực học tập, lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp có hiệu quả vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của tỉnh. Tổ chức Hội được củng cố, kiện toàn, đội ngũ cán bộ hội từng bước được trưởng thành, thường xuyên quan tâm đa dạng hình thức tập hợp nông dân, tỷ lệ nông dân vào tổ chức Hội ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, từ năm 1975 với 27.000 hội viên thì đến nay đã có 186.973 hội viên, đạt 74,9% so với hộ nông nghiệp. Ba phong trào thi đua lớn do Hội Nông dân phát động đến nay đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, có sức lan tỏa, ngày càng thu hút được đông đảo hội viên nông dân tham gia, hiện nay đã có 60.308 hộ nông dân đạt danh hiệu “hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp đã trực tiếp giúp đỡ cho 2.965 hộ nông dân vươn lên thoát nghèo, đạt chuẩn nông dân XSKD giỏi, phần lớn NDSX giỏi đã chuyển sang các mô hình kinh tết tổng hợp, làm tăng thu nhập cao hơn, toàn tỉnh hiện có 4.212 mô hình kinh tế tổng hợp, 625 mô hình kinh tế trang trại từ mô hình này tạo việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn. Hội Nông dân vận động xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh, huyện trên 13 tỷ đồng, đầu tư trên 17 dự án để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, ngoài ra Hội nông dân các cấp chủ động phối hợp vận động thành lập 14 Hợp tác xã14 chi hội nghề nghiệp của nông dân. Bên cạnh đó nông dân tích cực ủng hộ, đóng góp sức người, tiền của, hiến đất để xây dựng cầu, đường, giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế… cất mới 918 căn nhà cho hội viên nông dân nghèo. Hàng năm tham gia xây dựng nếp sống văn minh, đấu tranh với những tệ nạn xã hội góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn, qua đó xây dựng được 23 câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” ở địa bàn nông thôn. Các hoạt động và phong trào của Hội Nông dân ngày nay được đông đảo nông dân đồng tình hưởng ứng, mang lại hiệu quả thiết thực góp phần trong xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế.

 Từ xưa lịch sử xây dựng cuộc sống trên đất Kiên Giang luôn đi đôi với lịch sử người nông dân, ngày nay đất nước ta đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập với thế giới. Thế mạnh của tỉnh Kiên Giang vẫn là nông nghiệp sẽ được tập trung khai thác phát triển toàn diện nâng cao hiệu quả. Các chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đời sống nông dân sẽ phát triển cao hơn do đó tổ chức hội và giai cấp nông dân Kiên Giang phải luôn giữ gìn phát huy truyền thống yêu nước, cần cù, năng động, sáng tạo của mình và nhiệm vụ đặt ra là phải thực sự phát huy vai trò nòng cốt trong công tác vận động, tập hợp chăm lo phát triển đời sống vật chất tinh thần của giai cấp nông dân. Tăng cường kiện toàn củng cố xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội về phẩm chất, năng lực gắn với thực hiện “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp. Thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước trong nông dân đặc biệt duy trì phát huy hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, các hoạt động của Hội phải đem lại lợi ích thiết thực về vật chất và tinh thần cho hội viên, nông dân. Từ đó mới nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam đồng thời góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển của tỉnh Kiên Giang trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông nghiệp, nông thôn. 

Nguyễn Thị Minh Hạnh Trưởng Ban Tuyên huấn Hội Nông dân tỉnh