Thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tập trung thực hiện khá tốt nhiệm vụ chính trị của mình, nổi bật như: Đẩy mạnh có hiệu quả Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Qua phát động của các cấp Hội, số hộ đăng ký hàng năm đều tăng gần 10%, số hộ đạt tăng trên 5%, bình quân mỗi năm có trên 70.000 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Từ những hộ sản xuất kinh doanh giỏi đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại chỗ, giúp đỡ trên 400 lượt hộ thoát nghèo mỗi năm. Trong 5 năm (2018 - 2023), các cấp Hội đã phối hợp tập huấn chuyển giao Khoa học - Kỹ thuật, công nghệ mới cho trên 75.000 lượt hội viên nông dân, hướng dẫn xây dựng thành công 460 mô hình điểm ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, trong đó có nhiều mô hình có hiệu quả đã giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động góp phần giảm nghèo thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
Về vốn, với tổng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh trên 50 tỷ đồng và dư nợ cho vay từ nguồn ủy thác Ngân hàng chính sách là trên 1.500 tỷ đồng; Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã cho trên 53.000 lượt hội viên nông dân có nhu cầu về vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm nâng cao đời sống góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân và nông dân nông thôn. Bên cạnh đó, tổ chức Hội nông dân trong tỉnh còn thực hiện tốt các hoạt động đào tạo nghề cho nông dân, hằng năm các cấp hội phối hợp và trực tiếp vận động trên 5.000 hội viên nông dân tham gia học nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, góp phần tạo việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp, tạo thu nhập ổn định cho hội viên nông dân.
Chị Thị Dậy, Chi hội trưởng cả hai Chi hội Phụ nữ và Nông dân ấp Ngọc Bình, xã Ngọc Chúc (Giồng Riềng) còn là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm liền. Ảnh Bích Linh.
Trong xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh luôn thể hiện tốt trách nhiệm của mình vì xác định mình là đối tượng hưởng lợi từ chương trình này, nên đã chủ động tuyên truyền vận động và gương mẫu thực hiện các tiêu chí nông thôn mới như: Hiến 92 ha đất xây dựng cơ sở hạ tầng; đóng góp kinh phí; ngày công lao động tham gia làm mới, nâng cấp sửa chữa hạ tầng trên 370 km đường giao thông; xây mới 05 cây cầu bê tông; cất mới và sửa chữa trên 325 căn nhà, hội viên nông dân khó khăn. Đồng thời, vận động trao tặng trên 3.000 phần quà với kinh phí thực hiện trên 4 tỷ đồng…Từ đó góp phần giảm hộ nghèo khu vực nông thôn từ 4,14% (năm 2018) xuống 1,9% (năm 2022).
Tuy kết quả giảm nghèo đạt kế hoạch đề ra, nhưng kết quả giảm nghèo chưa mang tính bền vững, tỷ lệ hộ nghèo hội viên vẫn còn cao. Để thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 12-KH/TU, ngày 12/01/2022 của Tỉnh ủy Kiên Giang về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, với mục tiêu cụ thể là: Đến năm 2025 tỷ lệ giảm nghèo đa chiều dưới 2% và đến năm 2030: cơ bản không còn ấp, xã đặc biệt khó khăn và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Thì Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Anh Phạm Văn Phúc, ngụ ấp Kênh 5B, xã Tân An (Tân Hiệp) thu hoạch quýt đường. Ảnh An Lâm.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân về giảm nghèo bền vững, chuẩn nghèo đa chiều, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, được cung cấp thông tin về chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo. Về phương pháp, cách làm phù hợp tạo sự đồng thuận chung tay vì người nghèo trong hệ thống Hội và lan tỏ ra ngoài xã hội, từng bước làm thay đổi nhận thức hộ nghèo là: Thoát nghèo là trách nhiệm chính của gia đình, Nhà nước và xã hội hỗ trợ một phần các điều kiện cần thiết để thực hiện kế hoạch thoát nghèo bền vững; tuyên truyền giới thiệu các gương điển hình về giảm nghèo để thúc đẩy nhân rộng và tạo sự lan tỏa trong công tác giảm nghèo;
Anh Chau Chư (áo sọc), Chủ tịch Hội Nông dân phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên cùng gia đình anh Keo Phan thu hoạch khoai lang. Ảnh An Lâm.
Tích cực thực hiện và phối hợp thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ và các chương trình, dự án chính sách của tỉnh về công tác giảm nghèo bền vững gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương. Xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, sáng kiến hay về giảm nghèo bền vững. Hưởng ứng thực hiện tốt phong trào thi đua cả nước chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau; tăng cường huy động các nguồn lực xã hội phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết tinh thần “tương thân tương ái”, tích cực tham gia “Tháng hành động vì người nghèo”, “Quỹ vì người nghèo”; huy động cán bộ, hội viên nông dân cùng góp phần thực hiện các mô hình giảm nghèo bền vững.
Cán bộ, Hội Nông dân 02 cấp tích cực tham gia làm tốt và là thành viên có trách nhiệm của Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương và cơ sở, nhất là trong thực hiện các dự án theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện và phối hợp thực hiện tốt công tác giám sát theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị các nội dung liên quan đến việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội trên từng địa phương, đơn vị.