Tại hội thảo, đồng chí Huỳnh Văn Thái Quỳnh - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng thông tin, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, huyện chọn giải pháp sáp nhập các hợp tác xã cùng chung lợi thế. Việc làm này giúp huyện hình thành những vùng sản xuất tập trung quy mô lớn đáp ứng được đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Hiện toàn huyện Giồng Riềng có 89 hợp tác xã, tổng vốn điều lệ gần 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động nông thôn.
Ảnh: Ông Nguyễn Văn Kích - Chủ tịch Hợp tác xã nông nghiệp 339, xã Thạnh Phước (Giồng Riềng) phát biểu tại hội thảo.
Để tiếp sức cho hợp tác xã phát triển, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp 339, xã Thạnh Phước (Giồng Riềng) Nguyễn Văn Kích đề nghị các cấp Hội hỗ trợ vốn ưu đãi để mua thiết bị bay không người lái phục vụ số hóa đồng ruộng nhằm tăng hiệu quả sản xuất.
Tham gia thảo luận, nhiều ý kiến khẳng định, chương trình OCOP đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân khu vực nông thôn, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có lợi thế của địa phương. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Hoàng Huy, ngụ xã Hòa An (Giồng Riềng) chi phí đầu tư cho sản phẩm OCOP khá cao, nhưng giá bán vẫn chưa cao so với trước khi được gắn sao OCOP. Anh Huy đề nghị huyện, tỉnh có giải pháp đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Ảnh: Anh Nguyễn Hoàng Huy, ngụ xã Hòa An (Giồng Riềng) phát biểu tại hội thảo.
Theo đồng chí Đỗ Trần Thịnh - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, năm 2023, toàn tỉnh có 77.761 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đồng chí Đỗ Trần Thịnh cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi nhằm xây dựng nền nông nghiệp và công nghệ phát triển bền vững, có đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Đồng thời, lựa chọn cơ cấu quy mô và chủng loại sản phẩm nông nghiệp phải bám sát nhu cầu thị trường trong nước và thế giới theo phương châm bán những nông sản mà thị trường cần chứ không phải bán những gì nông dân có.