Để thực hiện đạt kế hoạch về quy mô, sản lượng nuôi cá lồng bè năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong nuôi biển năm 2024 và xây dựng kế hoạch triển khai các mô hình khuyến nông thúc đẩy nuôi biển từ nay đến năm 2030.
Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông triển khai 3 điểm thực hiện mô hình nuôi cá mú trân châu thương phẩm bằng lồng HDPE sử dụng thức ăn công nghiệp tại huyện Kiên Hải, quy mô 192m3/điểm, số lượng cá thả 2.880 con/điểm. Ông Mai Văn Hiệp ấp An Phú, xã Nam Du, huyện Kiên Hải là một trong ba hộ được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ thực hiện mô hình nuôi cá mú trân châu bằng lồng HDPE thuộc dự án Khuyến nông Trung ương. Qua 6 tháng nuôi, cá phát triển tốt, trọng lượng 800g/con, tỷ lệ sống 91,9%. Ông Hiệp chia sẻ thêm “Gia đình được hỗ trợ mô hình nuôi cá mú trân châu bằng lồng nhựa HDPE, qua thời gian nuôi 6 tháng cho thấy hiệu quả mang lại cao hơn lồng cây truyền thống, bởi lồng này có thể chịu được sóng to và uốn lượn theo sóng biển, có độ bền lâu hơn, có thể nuôi ngoài khơi, cá cũng mau lớn hơn, trong quá trình nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp cá ít bênh nên tỷ lệ sống cao, với giá cá hiện nay 220.000đ/kg, ước tính lợi nhuận thu được từ mô hình trên 230 triệu động, với giá cá thương phẩm cao như gia đình tôi cũng yên tâm và hy vọng từ nay đến cuối năm, giá cá được duy trì như hiện nay để người nuôi có lợi nhuận khá hơn”.
Hình: Mô hình nuôi cá mú trân châu bằng lồng HDPE tại xã Nam Du (Kiên Hải).
Theo ông Danh Nhiệt, Phó trưởng phòng Khuyến ngư - Nuôi trồng thủy hải sản, Trung tâm Khuyến nông “Để triển khai đạt kết quả kế hoạch phát triển nuôi biển năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục triển khai 9 điểm nuôi cá mú trân châu bằng lồng HDPE với quy mô 1.152m3, song song đó, Trung tâm phối hợp với địa phương tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người nuôi các biện pháp chăm sóc, quản lý, phòng, trị bệnh trên đàn cá nuôi, các biện pháp xử lý khi dịch bệnh xuất hiện, khống chế không để lây lan ra diện rộng, tuyên truyền phổ biến Đề án nuôi biển, các quy định liên quan nuôi biển theo Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn; tuyên truyền người sản xuất theo hình thức liên kết chuỗi, sử dụng thức ăn công nghiệp thay thế cá tạp, giảm rác thải nhựa bảo vệ môi trường”. Tính đến nay, Kiên Giang đã phát triển 65 lồng nuôi cá biển bằng vật liệu HDPE với quy mô 3.531m3, đối tượng nuôi gồm cá bớp, cá mú, cá bè vẫu, cá chim vây vàng…
Hình: Kiểm tra cá nuôi tại hộ ông Mai Văn Hiệp tại xã Nam Du (Kiên Hải).
Ngoài ra, trong năm 2024, Trung tâm Khuyến nông đã đề xuất với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục xây dựng đề án phát triển nuôi biển bằng lồng HDPE sử dụng vaccine phòng bệnh cho cá kết hợp trồng rong biển nhằm đa dạng đối tượng nuôi và góp phần giảm phát thải khí, đây là mô hình mới vừa làm tăng thu nhập cho người dân vừa góp phần bảo vệ môi trường biển và phát triển ổn định trong thới gian tới.