Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Nhà nông cần biết

Xem với cỡ chữAA

Kỹ thuật cần lưu ý trong trồng và chăm sóc giống chuối già Nam Mỹ

(21:44 | 30/08/2015)

Nên trồng chuối vào đầu mùa mưa để cây có đủ nước và đỡ mất công tưới, nhưng cần lưu ý cho đất thoát nước tốt. Nếu đảm bảo đủ nước tưới, có thể trồng chuối bất cứ lúc nào trong năm. Tuy nhiên, nên trồng ở những tháng có nhiệt độ thấp, ẩm độ cao để thân giả ít bị mất nước.


 Thời vụ trồng: Nên trồng chuối vào đầu mùa mưa để cây có đủ nước và đỡ mất công tưới, nhưng cần lưu ý cho đất thoát nước tốt. Nếu đảm bảo đủ nước tưới, có thể trồng chuối bất cứ lúc nào trong năm. Tuy nhiên, nên trồng ở những tháng có nhiệt độ thấp, ẩm độ cao để thân giả ít bị mất nước.

Chọn cây giống: Nên sử dụng cây giống sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô để trồng vì cây giống cấy mô sạch bệnh và đồng đều về kiểu hình. Chọn cây cấy mô có chiều cao khoảng 20 – 30 cm, đường kính thân 1,5 – 2 cm, cây có khoảng 6 lá, trên lá có vết tím và phát triển tốt.

Chuẩn bị đất trồngTùy theo địa hình cao thấp mà có thể lên liếp hoặc không. Đối với những vùng cần lên liếp: Mặt liếp phải cao hơn mực nước trong mương tối thiểu là 60 cm. Khi đào mương lên liếp, chú ý không đưa tầng sinh phèn hoặc vật liệu sinh phèn lên mặt liếp, mương đào phải đủ rộng để dễ vận chuyển sản phẩm, vật tư và tưới nước trong mùa nắng cho vườn. Chiều rộng mương thường bằng 1/2 hay 1/3 chiều rộng liếp. Lên liếp vào đầu hay giữa mùa nắng để đất có thời gian khô, khi mưa xuống đất bong ra là bắt đầu trồng cây được. Chuối trồng 2 hàng theo hình nanh sấu có bề ngang mặt liếp khoảng 5 m. Nếu trồng 3 hàng xen kẽ thì mặt liếp rộng khoảng 7 m.

Phương pháp trồng: Đào hố: sâu 50 cm, rộng 40 – 50 cm; mật độ trồng: hàng cách hàng: 2,0  2,5 m, cây cách cây; bón lót cho mỗi hố 10 – 15 kg phân hữu cơ, 0,1 kg DAP. Trộn phân với đất cho vào khoảng nửa hố, tháo bỏ bầu nylon, khi đặt cây con xuống hố trồng thao tác phải nhẹ nhàng tránh làm ảnh hưởng đến bộ rễ của cây, mặt bầu được đặt thấp hơn mặt đất 5 – 10 cm và đắp mô hơi cao lên để tránh hiện tượng trồi gốc sau nầy. Cây mới đặt xuống phải có cọc cố định để không bị ảnh hưởng bởi gió (nếu có).

Bón phânHINH.jpg

 

* Phân hữu cơ: gồm phân gia súc, gia cầm, phân trùn quế, tro, trấu đã hoai mục, bùn sông và bùn ao, chứa chất dinh dưỡng cao. Trung bình, một cây chuối cần khoảng 20 – 25 kg phân hữu cơ/năm, bón vào đầu mùa mưa hàng năm, cuốc xung quanh gốc tạo thành rãnh cách gốc 1,5 – 1,7 m, phân được rải đều bên trong rãnh.

* Phân vô cơ:

- Lượng phân khuyến cáo bón cho 1 bụi chuối trong năm đầu mới trồng:

+ Khoảng 3 – 3,5 tháng sau trồng bón: 0,1 kg Ure + 0,5 kg Lân nung chảy + 0,5 kg KCl.

+ Khoảng 7 – 8 tháng sau trồng bón: 0,2 kg Ure + 0,5 kg Lân nung chảy + 0,5 kg KCl.

Cách bón: Đào 4 hốc phân bố đều xung quanh gốc, sâu 10 – 15 cm, lần 1 cách gốc 40 – 50 cm, lần 2 cách gốc 50 – 70 cm.

- Lượng phân khuyến cáo bón cho 1 bụi/năm trong các năm tiếp theo: 0,3 kg Ure + 1 kg Lân nung chảy + 1 kg KCl.

                Cách bón: Nếu có điều kiện tưới nước thì chia đều lượng phân trên thành 3 lần bón: lần 1 sau khi thu hoạch đợt đầu tiên, lần 2 sau đó 2 – 3 tháng và lần 3 sau 2 – 3 tháng tiếp theo sao cho bón phân dứt điểm trước khi trổ buồng đợt tiếp theo. Trường hợp không có điều kiện tưới nước, lượng phân được chia đều cho 2 lần bón, vào đầu và cuối mùa mưa. Đào 4 hốc xung quanh gốc, sâu 10 – 15 cm, cách gốc 1,5 – 1,7 m, bón phân vào hốc và lấp đất lại.

Lưu ý: tùy thuộc vào tình trạng sinh trưởng và năng suất của cây ở những thời điểm khác nhau hoặc cây trồng trên những vùng đất khác nhau, có thể điều chỉnh lượng phân bón so với công thức trên. Tùy thuộc vào mức độ nhiễm phèn của đất trồng, có thể bón thêm 1 – 3 kg vôi/cây/năm.

Tỉa cây con: khi cây bắt đầu đẻ cây con tiến hành tỉa con (có thể dùng để trồng tiếp hoặc bỏ đi). Thường xuyên kiểm tra để tỉa bỏ cây con kịp thời, tránh cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng, giảm sâu bệnh. Tỉa bỏ những cây yếu, cây nằm sát nhau, chừa các cây con gối nhau về thời gian sinh trưởng, mỗi bụi chỉ nên có 3 – 4 cây đang phát triển (1 cây mẹ, 2 – 3 cây con), cụ thể:

- Khi cây mẹ chưa trổ quày chỉ chừa lại 3 cây/bụi (1 mẹ và 2 con), tuổi của 2 con cách nhau khoảng 3 tháng, 2 cây con chừa lại phân bổ theo tán của cây mẹ.

- Khi cây mẹ bắt đầu trổ quày, tiếp tục chừa cây chuối thứ 3 (1 cây mẹ, 3 cây con) ở vị trí còn lại theo tán của cây mẹ. Khi cây con tiếp theo bắt đầu trổ quày tiến hành chừa cây con nữa. Cứ tiếp tục cho tới hết chu kỳ cây chuối.

Che, chống buồng: để tránh rám trái do nắng, bảo vệ vỏ có màu sắc đẹp, sau khi bẻ bắp khoảng 10 ngày thì dùng bao nhựa dẻo có đục lỗ (đường kính khoảng 1cm/lỗ) hay giấy dầu cột túm ở cuống quày, bên dưới để trống. Dùng nạng bằng tre hoặc tràm để chống đỡ quày, tránh cây đổ ngã làm ảnh hưởng đến chất lượng và màu sắc trái.

Thu hoạch: khoảng 3 – 4 tháng sau khi chuối trổ quày, tiến hành kiểm tra thấy những quả cuối buồng chuyển từ xanh sang vàng nhạt, quả tròn đều, có thể bắt đầu thu hoạch. Buồng chuối đạt tiêu chuẩn phải thẳng, quả chuối tròn đều, màu sắc xanh tự nhiên. Chuối phải được thu hái cẩn thận, không để dập buồng, dập quả, không để bẩn.

Sơ chế chuối sau thu hoạch: buồng chuối sau khi thu hoạch được treo ngược lên cao và để ráo khoảng 24 giờ trước khi xử lý.

- Nơi xử lý có thể trong nhà, kho, phòng thoáng mát, không bị ánh nắng trực tiếp. Nhiệt độ phòng không quá 28oC.

- Dùng dao sắc cắt quầy ra từng nải, có thể cắt thành từng bẹ 4 – 6 quả để dễ bảo quản và vận chuyển. Khi cắt phải nhẹ nhàng, không cắt phạm vào trái. Quá trình cắt chuối nên được tiến hành trong bồn (chậu) nước có pha thuốc diệt nấm hoặc thuốc tím (KMnO4), nồng độ < 1% trong khoảng 10 – 15 phút để bảo vệ và làm sạch chuối. Cắt chuối theo vị trí từ dưới lên trên.

- Rửa sạch từng nải (bẹ) trong nước sạch, dao sắc để loại bỏ phần thừa, làm sạch mặt cắt để loại bỏ mủ. Xử lý để loại bỏ nấm bằng cách quét dung dịch Topxin-M 3 – 5% lên mặt cắt. Có thể sử dụng các hoá chất khác như: Benlat, Mertect, NF44, NF35, v.v...

Chất từng nảy (bẹ) chuối vào khay và để ráo trước khi cho vào thùng carton. Đáy thùng chứa được lót bằng các vật liệu mềm và hút ẩm như giấy báo, mút xốp,…

Cách ủ chuối Nam Mỹ chín đều và có màu sắc đẹp

- Chuối được đặt trong thùng carton, những nải chuối có cùng độ tuổi được sắp xếp chung với nhau để tránh chín không đều.

- Cho đất đèn (được gói kín trong giấy báo) vào thùng chuối với lượng đất đèn bằng 0,4 – 0,5% khối lượng chuối cần giú. Dùng nilon dán kín miệng thùng, Đặt các thùng chuối ở nơi khô ráo, thông thoáng, xa cửa ra vào, cửa sổ, xa tường, độ ẩm được duy trì ở mức 90 – 95%, nhiệt độ 20 – 250C.

- Sau khoảng 32 giờ, mở nắp thùng, dùng tay thử độ mềm của trái chuối. Khi thấy thịt trái chuối đã hơi mềm, vỏ chuối ánh lên mà xanh vàng thì mở rộng nắp thùng, lấy gói đất đèn ra và chuyển chuối sang phòng lạnh. Nhiệt độ giai đoạn này được duy trì ở mức 18 – 200C, độ ẩm 80 – 85%. Sau khoảng 2 – 3 ngày chuối sẽ chín và có màu sắc đẹp (vỏ màu vàng sáng).

Chăm sóc vườn chuối sau khi thu hoạch buồng: Cần đốn bỏ thân giả cây mẹ đã lấy buồng, nếu vườn có nhiều sâu bệnh có thể đào bỏ luôn củ cây mẹ, dọn vệ sinh như cắt bỏ các lá khô, bẹ lá khô và chuyển tất cả ra khỏi vườn trồng đặt ở nơi có kiểm soát được sâu bệnh cho cả vườn chuối; có thể sử dụng các vật liệu dọn vườn lúc thu hoạch buồng này làm nguồn phân hữu cơ góp phần cải thiện đất và sinh trưởng của chuối. Bón phân cho vụ thu buồng tiếp theo.