Nhằm tạo hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, thúc đẩy ý chí vươn lên làm giàu chính đáng từ ý tưởng sáng tạo, tư duy đổi mới, Chính phủ và các Bộ, ngành và các đoàn thể Trung ương đã ban hành nhiều văn bản hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; và Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025; Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành quyết định 1230/QĐ-BGĐT ngày 30/3/2018 ban hành kế hoạch triển khai Đề án 1665. Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ được Thủ tướng phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”; Trung ương đoàn Thanh niên được Chính phủ phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022-2030; Song song đó, để thực hiện tốt quản lý tốt về công tác tài chính trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 45/BTC, ngày 19/7/2019. Bộ Khoa học và Công nghệ có công văn 1919/BKHCN về hướng dẫn địa phương triển khai Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Bên cạnh, Chính phủ, các bộ ngành các đoàn thể Trung ương ban hành văn bản để tạo điều kiện để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ban hành Ban hành Đề án “Nâng cao vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo, giai đoạn 2020-2025” (Đề án 03-ĐA/HNDTW). Tuy nhiên đến 31/12/2019 cả nước mới có trên 710.000 doanh nghiệp, trong đó có trên 7.200 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm gần 1%) còn rất thấp so với tiềm năng của Việt Nam.
Ảnh: Các học viên thực tập thuyết trình trong buổi tập huấn kiến thức và kỹ năng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Trên bàn tỉnh Kiên Giang, Ủy ban nhân tỉnh hàng năm đã cụ thể hóa bằng những văn bản cụ thể để áp dụng nhằm hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: Kế hoạch số 94/KH-UBND ngày 10/5/2018 về “Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025”. Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 25/01/2019 về “Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang năm 2019”; Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 17/3/2020 về “Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang năm 2020”; Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 31/3/2021 về “Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang năm 2021”; Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 25/3/2022 về “Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang năm 2022”. Với Tổng số tiền phê duyệt cho kế hoạch từ năm 2019-2022 : 6.642 tỷ đồng. Hội Đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 331/2020/NQ-HĐND ngày 20/7/2020 về Quy định nội dung và định mức chi hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ nông dân khởi nghiệp trong hệ thống Hội cụ thể trên địa bàn tỉnh Kiên Giang chưa tạo thành phong trào, chưa rõ nét, hiệu quả chưa cao, nguồn lực chưa được tập trung đầu tư, do vậy chưa giúp nông dân hoàn thiện những ý tưởng kinh doanh mới và tìm kiếm cơ hội đầu tư; ươm mầm thế hệ doanh nhân nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập còn nhiều khó khăn. Thực tế việc hình thành các doanh nhân, doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại... từ các chủ thể là hội viên nông dân đều đơn lẻ, tự phát, hạn chế về số lượng và chất lượng, chưa có sự liên kết để nhân lên sức mạnh, mở rộng qui mô và nâng cao lợi thế cạnh tranh. Trong khi đó, yêu cầu khởi nghiệp, xu hướng khởi nghiệp, khát vọng lập nghiệp của nông dân đang ngày càng mạnh mẽ, cần có sự chỉ đạo, định hướng, tư vấn, hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân. Vì thế cần có những giải pháp phù hợp để hỗ trợ nông dân trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Những hoạt động hỗ trợ nông dân hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Thông qua công tác Hội và phong trào nông dân các cấp Hội đã truyền tải các Chủ trương của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến cán bộ, hội viên nông dân trên toàn tỉnh, kết quả từ năm 2019 - 2022, kết quả đã tuyên truyền 1.027 cuộc với 28.756 lượt hội viên, nông dân tham dự. Bên cạnh đó, các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được đăng tải trên Website của Hội Nông dân tỉnh có 5.784 lượt xem, được phát những tin, bài, những phóng sự liên quan đến những tấm gương sáng, những ý tưởng khởi nghiệp thành công của cán bộ, hội viên nông dân trên Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, trên Báo Kiên Giang.
Ảnh: Đ/c Thái Văn Phúc (đứng thứ 5 từ phải sang), Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh trao giấy chứng nhận cho học viên lớp tập huấn kiến thức và kỹ năng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Trong năm 2022, Hội Nông dân tổ chức tuần lễ khởi nghiệp với các hoạt động như: tập huấn cho 56 học viên, tổ chức cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, với 20 dự án/ý tưởng tham gia, 10 dự án vào vòng chung kết, các dự án/ý tưởng tham gia cuộc thi có sản phẩm và tham trưng bày như: Trà mãng cầu xiêm Hai Đậu; các sản phẩm từ trái Gấc; Sản phẩm từ cá cơm; sản phẩm từ chuối xanh; Tiêu chín sạch Hòn tre; Rượu lên men trái cây… góp phần cho cuộc thi sinh động, hấp dẫn, tạo ra sân chơi bổ ích cho cán bộ, hội viên nông dân và góp phần ươm mầm về khởi nghiệp sáng tạo cho hội viên nông dân, giúp hội viên nông dân có hoài bão, khát vọng lập nghiệp, hoàn thiện những ý tưởng, đề án sản xuất kinh doanh mới và tìm kiếm cơ hội đầu tư, vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Từ năm 2019 đến năm 2022 Hội Nông dân tỉnh tổ chức 03 lớp tập huấn kiến thức và kỹ năng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho 156 cán bộ, hội viên nông dân trên toàn tỉnh với nội dung tập huấn kiến thức nhằm trang bị cho học viên tham gia - dẫn dắt, tư vấn, định hướng cho hội viên nông dân lựa chọn phát triển sản xuất kinh doanh trong điều kiện nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và thời kỳ hội nhập; cung cấp kiến thức, kỹ năng, tổ chức các hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân khởi nghiệp sáng tạo, giúp cho nông dân khởi nghiệp thành công, nâng cao thu nhập.
Đồng thời, cử cán bộ, hội viên tham gia các lớp tập huấn do Sở khoa học và công nghệ tỉnh; các trường Cao đẳng, Đại học trên địa bàn tỉnh tổ chức, thông qua việc tham dự các lớp tập huấn đã tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp trong hệ thống Hội, giúp cán bộ, hội viên nông dân hình thành các ý tưởng kinh doanh, ý tưởng làm giàu. Đồng thời, tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên tích cực tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Nhằm hỗ nông dân khởi nghiệp hạn chế rũi ro, đạt được thành công trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thời gian tới cần quan tâm thực hiện một số việc như sau:
Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, về vai trò của Hội Nông dân đối với sự phát triển kinh tế.
Tạo điều kiện hỗ trợ nông dân khởi nghiệp và phát triển kinh doanh, Phát triển hệ sinh thái hỗ trợ nông dân khởi nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Nghiên cứu, đề xuất chính sách, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, phát triển kinh doanh.
Ảnh: Đ/c Đỗ Trần Thịnh (đứng thứ 3), Tỉnh ủy viên - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh xem các sản phẩm và tham trưng bày tham gia Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Trên nền tảng hệ sinh thái khởi nghiệp đã được Chính phủ tạo ra, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh chỉ đạo thành lập, hướng dẫn hoạt động các Câu lạc bộ, đội nhóm khởi nghiệp tạo sự lan tỏa mạnh mẽ phát triển thành phong trào để đông đảo hội viên nông dân tham gia khởi nghiệp; chú trọng lựa chọn hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu, vận động và hướng dẫn thành lập các Câu lạc bộ “Nông dân khởi nghiệp”, “Chủ trang trại 100 tỷ”, “Nhà nông sáng tạo”, “Nông dân tỷ phú”, “Doanh nhân nông thôn”… Phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu, có uy tín, nhiệt huyết, trách nhiệm, trực tiếp làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ.
Vận động các công ty, doanh nghiệp tham gia sáng lập “Quỹ hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo” trong nông nghiệp, nông thôn tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên nông dân có ý tưởng, khát vọng có thể khởi nghiệp từ những dự án sản xuất kinh doanh quy mô phù hợp.
Vận động thành lập các Câu lạc bộ “Nhà khoa học của nhà nông” trên cơ sở những hạt nhân đã được Trung ương, tỉnh biểu dương, khen thưởng và trao tặng danh hiệu.
Tổ chức tham quan mô hình khởi nghiệp sáng tạo và giao lưu, học tập kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp, hoạt động hiệu quả của các mô hình Câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp tiêu biểu trong và ngoài địa phương.