Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Môi trường

Xem với cỡ chữAA

Biến đổi khí hậu và những tác hại

(15:27 | 14/07/2015)

 (Cổng ĐT HND) - Khí hậu là trạng thái khí quyển ở nơi nào đó, được đặc trưng bởi các trị số trung bình nhiều năm về nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, lượng bốc thoát hơi nước, mây, gió...Như vậy, khí hậu phản ánh giá trị trung bình nhiều năm của thời tiết và nó thường có tính chất ổn định, ít thay đổi.

 Trong lịch sử địa chất của trái đất chúng ta, sự biến đổi khí hậu đã từng nhiều lần xẩy ra với những thời kỳ lạnh và nóng kéo dài hàng vạn năm mà chúng ta gọi là thời kỳ băng hà hay thời kỳ gian băng. Thời kỳ băng hà cuối cùng đã xãy ra cách đây 10.000 năm và hiện nay là giai đoạn ấm lên của thời kỳ gian băng.


Xét về nguyên nhân gây nên sự thay đổi khí hậu này, chúng ta có thể thấy đó là do sự tiến động và thay đổi độ nghiêng trục quay trái đất, sự thay đổi quỹ đạo quay của trái đất quanh mặt trời, vị trí các lục địa và đại dương và đặc biệt là sự thay đổi trong thành phần khí quyển.


Trong khi những nguyên nhân đầu tiên là những nguyên nhân hành tinh, thì nguyên nhân cuối cùng lại có sự tác động rất lớn của con người mà chúng ta gọi đó là sự làm nóng bầu khí quyển hay hiệu ứng nhà kính.Có thể hiểu sơ lược là: nhiệt độ trung bình của bề mặt trái đất được quyết định bởi sự cân bằng giữa hấp thụ năng lượng mặt trời và lượng nhiệt trả vào vũ trụ.


Khi lượng nhiệt bị giữ lại nhiều trong bầu khí quyển thì sẽ làm nhiệt độ trái đất tăng lên. Chính lượng khí CO2 chứa nhiều trong khí quyển sẽ tác dụng như một lớp kính giữ nhiệt lượng tỏa ngược vào vũ trụ của trái đất. Cùng với khí CO2 còn có một số khí khác cũng được gọi chung là khí nhà kính như NOx, CH4, CFC. Với những gia tăng mạnh mẽ của nền sản xuất công nghiệp và việc sử dụng các nhiên liệu hoá thạch (dầu mỏ, than đá..), nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy nhiệt độ toàn cầu sẽ gia tăng từ 1,4oC đến 5,8oC từ 1990 đến 2100 và vì vậy sẽ kéo theo những nguy cơ ngày càng sâu sắc đối với chất lượng sống của con người.


Sự biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Biểu hiện rõ nhất là sự nóng lên của trái đất, là băng tan, nước biển dâng cao; là các hiện tượng thời tiết bất thường, bão lũ, sóng thần, động đất, hạn hán và giá rét kéo dài… dẫn đến thiếu lương thực, thực phẩm và xuất hiện hàng loạt dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm…


Chưa bao giờ vấn đề biến đổi khí hậu lại được đề cập nhiều như hiện nay. Theo thống kê, các nghiên cứu khoa học cho thấy, hàm lượng khí CO2 trong bầu khí quyển đang cao hơn bất cứ thời kỳ nào trong suốt hơn 600 năm qua.Khí CO2 phát sinh trong quá trình đốt cháy nhiên liệu than, dầu mỏ, khí thải.... làm gia tăng nhiệt độ trái đất. Đây là nguyên nhân khiến các tảng băng ở Bắc cực tan nhanh, mực nước biển dâng lên.


Biến đổi khí hậu trái đất là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thuỷ quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo.Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu Trái đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác. Nhằm hạn chế sự biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto nhằm hạn chế và ổn định sáu loại khí nhà kính chủ yếu bao gồm: CO2, CH4, N2O, HFCs, PFCs và SF6.


Sự thay đổi khí hậu vì hâm nóng mặt đất là một biến đổi chậm. Phần đông nhân loại có khả năng ứng hợp với những trạng thái mới.Trừ một số ít nước được hưởng lợi như Mongolia được thêm đất có cỏ cho chăn nuôi ở những vùng cao nguyên mà trước đây đầy tuyết phủ, còn phần lớn các dân tộc phải di dân đến những vùng đất lành, khi đất cứ đắm chìm trong nước biển. Nông dân ở đồng quê, nếu ở lại phải thay đổi cách dẫn thủy nhập điền. Người dân canh nông cần đổi nơi có thức ăn cho súc vật và sinh thái thảo mộc cũng thay đổi, vì nhiều loại cây sẽ triển khai tốt theo một khí hậu….


Người nghèo là đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trước sự biến đổi khí hậu do tình trạng ấm dần lên của trái đất. Đây là nhận định của nhà khoa học hàng đầu thế giới nghiên cứu về biến đổi khí hậu - ông Rajendra Pachauri, Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ về Thay đổi Khí hậu của Liên hợp quốc.


Theo ông Pachauri, khí hậu biến đổi sẽ tác động đến hai lĩnh vực là y tế và nông nghiệp. Đối với lĩnh vực y tế, các đợt thời tiết nóng bức làm giảm sức khoẻ con người, thậm chí dẫn đến tử vong. Tình hình này đặc biệt nghiêm trọng ở những nước nghèo, nơi các cơ sở hạ tầng y tế vẫn còn yếu kém hay thiếu các phương tiện cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho người dân khi nhiệt độ tăng cao. Trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Pachauri nhấn mạnh, 2/3 dân số trên thế giới hiện đang sống ở các khu vực nông thôn, đa số tại các nước đang phát triển, và phần lớn việc canh tác đều phải phụ thuộc vào thời tiết, cụ thể là nguồn nước mưa.

Biến đổi khí hậu sẽ gây ra tình trạng mất cân bằng về khí hậu, mưa nhiều ở các khu vực khí hậu ôn hòa nhưng lại gây ra hạn hán ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Hạn hán sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động nông nghiệp làm giảm sản lượng lương thực và đẩy giá lương thực tăng cao. Ông Pachauri nhận định, châu Phi là châu lục dễ bị ảnh hưởng nhất khi lượng mưa giảm. Sản lượng nông nghiệp đang giảm sút, gây ra nạn đói kém.

Trong khi đó, giá lương thực tăng cao đẩy những khu vực này lâm vào tình trạng không đủ khả năng tài chính để nhập khẩu số lượng lương thực cần thiết để nuôi sống người dân. Theo Ủy ban Liên chính phủ về khí hậu thay đổi của Liên Hợp quốc dự kiến vào cuối thế kỷ này, mực nước biển sẽ dâng cao từ 18 đến 59 cm và các đảo quốc nhỏ thuộc vùng châu thổ Mega ở châu Á nằm trong số những nơi bị đe dọa nghiêm trọng nhất.


Trong báo cáo công bố mới đây, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) đã cảnh báo biến đổi khí hậu có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nước và lương thực đối với hơn 130 triệu người Châu Á vào năm 2050, trừ khi có những hành động khẩn cấp toàn cầu.


Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất do biến đổi khí hậu trong vòng 50 năm qua. Mức nhiệt độ trung bình đã tăng 0,5 độ C, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm. Theo dự báo của các chuyên gia, nếu mực nước biển dâng một mét, sẽ có khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích các tỉnh, thành phố thuộc vùng ven biển bị ngập, trong đó có khoảng trên 10% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến đổi khí hậu.


Theo thống kê cho thấy, những năm gần đây, các loại thiên tai bão, lũ, lụt, lũ quét, sạt lở đất, úng, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm chết và mất tích hơn 9.000 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước chiếm khoảng 1,5% GDP/năm.
Qua đó cho thấy, biến đổi khí hậu đã ảng hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp do bị thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, cũng như tác động lớn đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng.


Ðặc biệt, biến đổi khí hậu sẽ khiến tài nguyên nước phải chịu thêm nguy cơ suy giảm do hạn hán ngày một tăng ở một số vùng, mùa, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến việc cấp nước ở các vùng nông thôn, thành thị, cũng như các nhà máy thủy điện.Theo nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng thế giới, Việt Nam sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Á từ sự biến đổi khí hậu.


Việc giảm phát thải khí nhà kính, khí các-bon cũng cần được coi là hướng tiếp cận của Việt Nam. Nhằm thực hiện được điều đó, Việt Nam nên theo mô hình tăng trưởng xanh các bon thấp, trong đó cần đặt mục tiêu giảm nhẹ phát thải để bảo đảm an ninh năng lượng và đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng.

 

Chiến lược phát triển các-bon thấp nên xây dựng và đưa ra được những ưu tiên rõ ràng, cụ thể, đồng thời có một hệ thống giám sát, báo cáo để theo dõi tiến độ thực hiện.Giảm phát thải khí nhà kính được coi như là một cơ hội phát triển kinh tế xã hội và môi trường hướng tới giảm mức phụ thuộc vào than đá, cũng như tăng hiệu suất sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường.


Trước vấn đề này, nước ta đã có nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu và đạt được kết quả ban đầu từ đó, nhận thức về biến đổi khí hậu đã có những bước chuyển biến tích cực đối với xã hội. Việt Nam đã sớm tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc ký ngày 11 tháng 12 năm 1997 tại Kyoto (Nhật Bản) về việc cắt giảm khí thải nhà kính. Việc phát triển kinh tế xã hội luôn gắn liền với công tác bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu…


Tuy sự thay đổi khí hậu là một biến đổi chậm, nhưng khả năng dần dân ứng hợp của con người không đủ để chống cự với hậu quả tuy xa nhưng không xa lắm. Nguyên nhân chính của những tai hại này là do người tạo ra, thì hy vọng con người sẽ ý thức và cố gắng hy sinh một phần lợi ích kinh tế thiển cận mong cứu nhân loại lâu dài trong tương lai.


Biến đổi khí hậu còn kéo theo sự thay đổi của thời tiết, ảnh hưởng trực tiếp đến cây trồng, sản xuất nông, lâm, công nghiệp và nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Đặc biệt là sự xuất hiện của dịch bệnh và khan hiếm về lương thực, nước ngọt. Dự báo, sẽ có khoảng 1,8 tỷ người trên thế giới sẽ khó khăn về nước sạch và 600 triệu người bị suy dinh dưỡng vì thiếu lương thực do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu.

 

Hân Hòa