Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Khoa học công nghệ

Xem với cỡ chữAA

Chất ARSEN Trong Nước Mắm Cần Công Bố Rõ Ràng

(15:11 | 25/10/2016)

         Trước thông tin 101/150 mẫu nước mắm có chứa hàm lượng arsen (thạch tín) vượt ngưỡng cho phép do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) vừa công bố trong tuần qua đã gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng kinh doanh của các doanh nghiệp truyền thống sản xuất nước mắm Phú Quốc.

 

           Hiện nay, chất lượng nước mắm của Việt Nam chúng ta đang được kiểm soát theo TCVN 5107:2003. Tiêu chuẩn này không quy định riêng cho hàm lượng Arsen – thạch tín. Vậy thì làm gì có ngưỡng mà so sánh để biết vượt hay không vượt. Còn QCVN 8-2:2011/BYT mà Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) thì có giá trị trên nước chấm chứ không phải nước mắm. Hai loại này hoàn toàn khác nhau. Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) có sự nhầm lẫn ở đây. Đây là mấu chốt của vấn đề. Hơn nữa, Arsen được quy định trong QCVN 8-2:2011/BYT đối với nước chấm 1,0 mg/l là chưa rõ là Arsen tổng hay Arsen vô cơ hay Arsen hữu cơ. Vì vậy Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) cho rằng mẫu nước mắm có hàm lượng thạch tín hữu cơ cao vượt ngưỡng là chưa có cơ sở.

Cũng cần lưu ý, muốn lấy mẫu chuẩn đem phân tích để có giá trị pháp lý, thì chuyên viên đó phải có Chứng chỉ lấy mẫu mà Bộ Y tế đã quy định (Lấy bao nhiêu mẫu; Lấy khi nào; Mẫu lưu ra sao; Đặc biệt gửi nơi phân tích phải đúng chuẩn như Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3, địa chỉ 64 Lê Hồng Phong, Phường 2, Quận 5, TP.Hồ Chí Minh). Nếu không, kết quả công bố không có giá trị pháp lý. Nếu không cẩn thận sẽ gây ra hiệu quả ngược mặc dù chỉ là cảnh báo, mà đôi khi còn gây ra hậu quả nghiêm trọng dẫn đến gây ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng, gây cản trở sự sản xuất.

TS.Niệm PV Ho Kim Lien (Chu tich Hoi  nuoc mam PQ) ngay 21.10.2016.JPG

Ảnh: TS Nguyễn Xuân Niệm và PV Hồ Kim Liên( Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc)

Có điều là trong quy định trong QCVN 8-2:2011/BYT cho phép lượng ăn vào hàng tuần có thể chấp nhận được tạm thời là 0,015 (mg Arsen vô cơ/kg thể trọng), mà trong nước mắm sản xuất theo truyền thống như nước mắm Phú Quốc (Nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý, nổi tiếng toàn cầu, được Cộng đồng Châu Âu chấp nhận) thì Arsen chiếm phần lớn là Arsen hữu cơ. Arsen hữu cơ có mặt ở nhiều loại động vật biển. Theo kết quả nghiên cứu của Walter Goessler và cộng sự tại Đại học Karl-Franzens (Áo) đăng tải trên tạp chí Food Chemistry năm 2009, hàm lượng Arsen tổng trong 6 loại nước mắm ở Việt Nam và Thái Lan nằm trong khoảng 0,69 - 2,75 mg/l. Hầu hết các dạng Arsen trong nước mắm đều là Arsen hữu cơ gần như không độc hoặc có độc tính rất thấp gồm: Arsenobetaine (82-94%), Arsenocholine (4,9-7,7%), Trimethyl Arsine oxide (0,7-7,8%) và Trimethyl Arsenopropionate (0,5-2,1%). Người ăn hải sản đào thải Arsen hữu cơ ra ngoài cơ thể qua đường nước tiểu sau 2 - 3 ngày mà không ảnh hưởng đến sức khỏe. Arsen hữu cơ thường có độc tính rất thấp và một số dạng hoàn toàn không có độc tính, tuy nhiên ở hàm lượng cao, Arsen hữu cơ vẫn có thể gây ra những tác động nhất định đến sức khỏe con người. Hơn nữa nước mắm chỉ là gia vị, lượng chúng ta ăn hàng ngày không đáng kể. Vì vậy, theo tôi, bà con không vì thông tin sai lệch mà có tâm lý‎ hoang mang.

Tôi cho rằng, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) công bố kết quả chưa dựa đủ cơ sở khoa học và pháp lý: (i) Sai đối tượng so sánh: lấy quy chuẩn nước chấm so cho nước mắm. Hàm lượng Arsen trong QCVN 8-2:2011/BYT chưa nói loại gì cho rõ, lại cho rằng Arsen hữu cơ. Đặc biệt trong TCVN 5107:2003 thì trong tiêu chuẩn này không quy định ngưỡng riêng cho hàm lượng Arsen – thạch tín mà chỉ nói kim loại nặng chung. Vậy thì làm gì có ngưỡng mà so sánh để biết vượt hay không vượt. Sự sai lầm này chắc chắn gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nước mắm nói chung của Việt Nam, trong đó có nghề sản xuất nước mắm truyền thống nước mắm Phú Quốc từ hơn 100 năm nay.

Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang sẽ cử chuyên viên (Có Chứng chỉ về lấy mẫu) ra Phú Quốc để lấy mẫu chuẩn nước mắm và gửi phân tích tại Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Địa chỉ 64 Lê Hồng Phong, Phường 2, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh), đồng thời sớm tổ chức tọa đàm với các tổ chức, cá nhân liên quan trong đó có Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Kiên Giang; Hiệp hội sản xuất nước mắm Phú Quốc; Sở Y tế… để làm rõ vấn đề này nhằm đưa thông tin đúng sự thật trấn an dư luận. Ngoài ra, đây cũng là dịp chúng tôi xem xét lại quy trình sản xuất và quản lý chất lượng từ đầu vào đến đầu ra của sản xuất nước mắm để thương hiệu Việt nước mắm Phú Quốc luôn được người sử dụng trong và ngoài nước tin dùng./.

TS. Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở KH&CN Kiên Giang.