Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Khoa học công nghệ

Xem với cỡ chữAA

Đào thải xác chết động vật ra môi trường là vi phạm pháp luật

(15:43 | 03/07/2017)

 Vứt xác chết động vật xuống sông ngòi, mương rạch, từ lâu dường như đã trở thành thói quen không sao khắc phục nổi của một số người thiếu ý thức, không hiểu biết gì về khoa học. Họ có biết đâu rằng trong xác chết động vật có ẩn chứa biết bao nhiêu loại vi trùng, siêu vi trùng có thể gây ra những bệnh hiểm nghèo cho những vật nuôi khác và còn đe dọa trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của cả con người nữa. Đặc biệt là hiện nay trên thế giới và trong nước, nhiều nơi đang xuất hiện những loại dịch bệnh nguy hiểm như dịch Cúm gia cầm, dịch Tai xanh trên heo, dịch Tiêu chảy cấp trên người làm thiệt hại nặng nề về tài sản của nhân dân và cướp đi sinh mạng của con người. 

        Một trong những nguyên nhân để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng đều do công tác tuyên truyền phòng chống dịch còn yếu kém, trong đó có nguyên nhân từ sự thiếu nhận thức của một bộ phận nhân dân trong việc gìn giữ sự trong sạch của môi trường sống. Sự ô nhiễm môi trường hiện nay đã và đang là hồi chuông cảnh báo cho cả cộng đồng về nguy cơ bùng phát dịch bệnh là khó có thể tránh khỏi. Đặc biệt là việc đào thải xác heo chết xuống dòng sông, nguồn nước sinh hoạt, đang làm cho sự bùng phát dịch bệnh Tai xanh rất khó có thể kiểm soát, khống chế được.

          Chúng ta đã biết rằng vi rút Cúm gia cầm và vi rút gây bệnh Tai xanh (PRRS) trên heo, bệnh Lở mồm long móng gia súc, bệnh Tiêu chảy cấp trên người đều rất dễ bị tiêu diệt bởi ánh sáng mặt trời, nhiệt độ và những chất sát trùng thông thường nhưng chúng lại tồn tại rất lâu hàng tháng, có khi hàng năm trời trong môi trường ẩm ướt, độ ẩm không khí cao…Như vậy việc đào thải xác chết động vật ra môi trường bên ngoài, đặc biệt là môi trường nước không những gây ra sự ô nhiễm nặng nề cho môi trường sống do sự phân hủy Protein trong xác chết mà còn vô tình đã tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh cư trú, phát triển và tồn tại lâu ngày trong môi trường và có thể bùng phát thành dịch khi có điều kiện thuận lợi.

          Vì vậy bà con nông dân không nên đào thải xác chết động vật ra môi trường bên ngoài. Gia súc, gia cầm chết cần phải đào hố chôn sâu cách xa nguồn nước sinh hoạt, xử lý bằng hóa chất B.K.A, Benkocid, Vikon-S, vôi bột… theo sự hướng dẫn của cán bộ thú y địa phương…

          Tại điều 5 khoản 3 điểm b Nghị định số 119/2013/NĐ-CP  ngày 09 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt xác động vật  mắc bệnh truyền nhiễm không đúng nơi quy định.

          Do vậy đề nghị chính quyền các địa phương, đặc biệt là chính quyền xã, phường, thị trấn, ấp, khu vực và Tổ Nhân dân tự quản cần tăng cường biện pháp giáo dục, tuyên truyền để nhân dân nâng cao nhận thức trong việc phòng chống những dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Làm thế nào để nhân dân hiểu rằng việc đào thải xác chết động vật ra môi trường là vi phạm pháp luật Nhà nước để nhân dân tự giác chấp hành. Tất cả những trường hợp cố tình vi phạm phải được chính quyền các địa phương xử lý nghiêm minh theo quy định của luật pháp. Có làm thật nghiêm túc chúng ta mới có thể ngăn chặn được cái tệ nạn, thói quen đào thải xác chết động vật ra môi trường bên ngoài, góp phần làm cho môi trường sống ngày càng trong sạch hơn, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên người và gia súc, gia cầm.

Vũ Văn Bầu