Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Khoa học công nghệ

Xem với cỡ chữAA

Bệnh E.COLI heo và biện pháp phòng trị

(09:33 | 12/04/2017)

 Trong chăn nuôi heo nái, bà con nông dân thường rất lo ngại về bệnh heo con ỉa phân trắng. Những năm trước đây bệnh heo con tiêu chảy, ỉa phân trắng rất khó chữa trị, tỷ lệ chất rất cao nhưng nhờ sự phát triển khoa học kỹ thuật, bệnh tiêu chảy phân trắng trên heo con đã được khắc phục đáng kể.

         Nguyên nhân gây bệnh: Do một loại vi khuẩn E.coli thuộc họ Enterobacteracea gây ra. Vi khuẩn Ecoli là loại vi khuẩn môi trường, nơi nào cũng có và luôn cư trú trong cơ thể heo, bình thường với mật độ thấp, vi khuẩn Ecoli không gây bệnh, song khi thời tiết thay đổi, điều kiện vệ sinh chăn nuôi kém, vi khuẩn E.coli phát sinh với tốc độ cao theo cấp số nhân thì chúng mới tấn công gây bệnh. Heo con sinh ra có thể bị nhiễm vi khuẩn E.coli từ phân, nước tiểu trong chuồng nuôi…

          Đường xâm nhập của E.coli: chủ yếu thông qua đường tiêu hóa, thức ăn, nước uống vì heo con thường hay liếm láp phân, rác trong chuồng hoặc bú sữa ở các vú bị viêm nhiễm. Heo con trong giai đoạn cai sữa, tách bầy thường ăn nhiều nhưng bộ máy tiêu hóa còn rất yếu, hệ thống men tiêu hóa của heo chưa hoàn chỉnh. Mặt khác trong giai đoạn chuẩn bị tách bầy, bà con nông dân thường chú trọng bổ sung thức ăn nhiều đạm như cho ăn thêm cá, tép…Heo tiêu hóa kém, hấp thụ không hết nên dễ gây ra hiện tượng rối loạn tiêu hóa và là cơ hội để E.coli tấn công gây bệnh. Thông thường những con to, khỏe, tốt nhất trong đàn bị nhiễm bệnh trước tiên, những con èo ọt có khi không bị nhiễm.Triệu chứng của bệnh: Nhóm E.coli gây tiêu chảy phân trắng thường gặp trên heo sơ sinh. Phân lỏng như nước, có bọt, màu trắng, vàng, có mùi hôi khó chịu. Có khi trên hậu môn liên tục chạy nước phân màu trắng, vàng. Một số trường hợp ói mửa, bụng thót, mắt sâu, da tím tái, lông xù, suy kiệt nhanh, không bú, chết sau 24-48h tiêu chảy. Nhóm E.coli gây phù thũng thường gặp trên heo cai sữa 1-2 tuần, những con lớn nhất trong đàn thường hay bị bệnh. Biểu hiện lờ đờ, đi dứng xiêu vẹo, có khi bại liệt, co giật, hôn mê, có khi bụng trướng hơi, khó thở, sưng phù mí mắt, lưỡi, âm hộ, hầu họng, tỷ lệ chết cao khoảng 60-65%.

          Phòng bệnh: Cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô ráo, nên có ô chuồng úm cho heo con sơ sinh. Định kỳ tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi bằng Benkocid, Vikon-S, B.K.A….Heo con sau khi sanh cần được bú sữa đầu càng sớm càng tốt. Trước kia người ta thường khuyến cáo, nên cắt cuống rốn cho heo con sau khi sanh, nhưng ngày nay theo kinh nghiệm của nhiều nhà khoa học thì việc cắt cuống rốn cho heo con là không cần thiết vì chỉ sau vài giờ là cuống rốn heo con tự tiêu biến và rụng đi nên chỉ cần chú ý cắt răng năng cho heo để tránh hiện tượng viêm vú cho heo mẹ là đủ. Định kỳ bổ sung chất sắt, men tiêu hóa, kháng sinh - vitamin để tăng sức đề kháng cho heo con. Có thể dùng sản phẩm sinh học Bacomos trộn với thức ăn cho heo ăn trước khi cai sữa tách bầy theo tỷ lệ 100g Bacomos trộn với 30-40 kg thức ăn, cho ăn liên tục đến khi heo đạt trọng lượng 20-25kg. Tiêm phòng văc xin E.coli cho heo nái trước khi sanh 1 tháng để tạo miễn dịch cho heo con qua sữa đầu.

          Trị bệnh: Vi khuẩn E.coli rất dễ kháng thuốc do đó rất khó khăn cho việc điều trị. Theo giáo sư Trần Đình Từ “bản thân vi khuẩn E.coli không có khả năng gây chết cho heo nhưng khi chúng phát triển với tốc độ cao theo cấp số nhân thì chúng sẽ tiết ra một loại độc tố và chính độc tố của nó mới là tác nhân gây chết cho heo. Do đó trong quá trình điều trị bệnh E.coli cần phải giảm bớt khẩu phần thức ăn trong 48 giờ để cắt đứt môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn thì hiệu quả điều trị mới cao”. Có thể dùng Marbovitryl, Vimesone hoặc Multibio liều 1ml/10kg trọng lượng, tiêm bắp liên tục 3-5 ngày. Hoặc có thể dùng một số sản phẩm cho uống như Anticur, Spectin, Norplox, Aralis…cho uống liều 1ml/10kg trọng lượng, liên tục 3-5 ngày. Trong thời gian giảm khẩu phần ăn để điều trị cần cho heo uống nước sạch pha với các loại vitamin để tăng sức đề kháng và bổ sung thức ăn xơ, thô để tạo khuân phân như các loại rau, cỏ lông phơi héo... Sau khi điều trị kháng sinh cần tăng cường bổ sung các loại men tiêu hóa. Không nên bổ sung men tiêu hóa trong thời gian điều trị vì kháng sinh sẽ làm mất tác dụng của men. Trường hợp heo khó thở do tích nước, đầy hơi trong xoang bụng cần can thiệp bằng các loại thuốc lợi niệu, kích thích cơ học. Trong trường hợp này không nên can thiệp bằng Penicylin, Ampicilin,  heo rất dễ mẫn cảm với các loại thuốc này, tỷ lệ gây chết cao. 

 

Vũ Văn Bầu – Trạm thú y