Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Khoa học công nghệ

Xem với cỡ chữAA

Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Kiên Giang

(08:00 | 02/10/2017)

 Nông nghiệp là thế mạnh sản xuất chính của tỉnh Kiên Giang với hai ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực là lúa gạo và thủy sản. Tiềm năng phát triển của hai ngành này là rất lớn, cụ thể: (1) Tổng diện tích trồng lúa hàng năm hơn 754.200 ha, chiếm trên 80% tổng diện tích gieo trồng, luôn dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa với hơn 4,6 triệu tấn năm 2015, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 70%. Quy hoạch vùng lúa chuyên canh chất lượng cao xuất khẩu 120.000 ha ở Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, Châu Thành, Hòn Đất và thành phố Rạch Giá. Xây dựng gần 100 cánh đồng lớn theo tiêu chuẩn VietGAP, tổng diện tích 12.684 ha. (2) Trong lĩnh vực thủy sản, tỉnh có thế mạnh phát triển về khai thác hải sản và nuôi trồng thủy hải sản. Tỉnh hiện có đoàn tàu cá khoảng 10.300 chiếc đang hoạt động trên ngư trường, trong đó khai thác xa bờ hơn 4.300 chiếc, sản lượng khai thác thủy sản năm 2015 gần 494.000 tấn. Nuôi trồng thủy hải sản vùng ven biển phát triển khá nhanh, hình thức đa dạng như: tôm sú, tôm chân trắng, tôm càng xanh, cá lồng bè trên biển (chủ yếu cá bóp và các loại mú), nghêu, sò vùng bãi triều, nuôi cá nước ngọt, nước lợ vùng ven biển. Năm 2015, tổng diện tích thả nuôi tôm của Kiên Giang hơn 100.800 ha gồm: nuôi công nghiệp - bán công nghiệp, tôm - lúa, quảng canh và quảng canh cải tiến, với sản lượng tôm hơn 52.200 tấn. Tỉnh bước đầu đã hình thành một số vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung ở Kiên Lương, Giang Thành; nuôi tôm - lúa vùng U Minh Thượng, ven biển vùng Tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu.

 

Để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của ngành nông nghiệp tỉnh, vai trò của khoa học và công nghệ (KH&CN) là không thể thiếu vì KH&CN đã được Đảng và Nhà nước ta khẳng định là động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy mà Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã ban hành Kế hoạch 16/KH-UBND ngày 05/3/2014 về việc thực hiện Chương trình hành động số 36-CTr/TU của Tỉnh ủy về Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của tỉnh Kiên Giang. Trong đó đặc biệt, nhấn mạnh mục tiêu và định hướng phát triển KH&CN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, một số chỉ tiêu tỉnh phải đạt được là: (1) Ít nhất 200.000 ha gieo trồng lúa/năm, 10.000 ha nuôi tôm công nghiệp/năm áp dụng theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và các tiến bộ kỹ thuật khác; (2) Xây dựng và triển khai 03 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Khu đô thị KH&CN Cửa Cạn. Hình thành 04 doanh nghiệp KH&CN, 05 tổ chức KH&CN công lập; (3) Xây dựng và triển khai 01 phòng phân tích, thử nghiệm trọng điểm đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, sản xuất và phục vụ quản lý nhà nước. Nhìn chung các mục tiêu đặt ra của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là tập trung ứng dụng các tiến bộ KH&CN, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ.

Kết quả đạt được là việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã và đang được Đảng và Nhà nước nói chung, tỉnh Kiên Giang nói riêng quan tâm, đầu tư và phát triển. Trong 05 năm qua, tỉnh đã đầu tư triển khai thực hiện 84 đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh, trong đó có 47 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học nông nghiệp, tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ chủ yếu là phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh, trong đó có 29 đề tài, dự án KH&CN ứng dụng tiến bộ KH&CN hiện đại, công nghệ cao. Các đề tài, dự án này tập trung vào ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nấm ăn và dược liệu (làm chủ công nghệ 06 loại nấm: bào ngư Nhật, bào ngư xám, bào ngư trắng, nấm rơm, nấm mèo, nấm Linh chi); Đã ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ di truyền phân tử, cụ thể là nuôi cấy túi phấn tạo giống lúa chống chịu mặn được GKG1, GKG9 được Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp&PTNT công nhận chính thức; công nghệ di truyền phân tử (kết hợp lai theo phương pháp truyền thống, sau đó chọn giống nhờ vào marker phân tử): Tạo ra giống GKG5, GKG29: là những giống lúa năng suất cao, phẩm chất tốt; GKG14, GKG24, GKG28, GKG35 là các giống năng suất cao, chống chịu mặn trên 4%o suốt vụ; Thực hiện các mô hình sản xuất rau theo công nghệ hiện đại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nuôi tôm chân trắng công nghiệp 02 giai đoạn ứng dụng công nghệ Biofloc tiết kiệm nước (36 tấn tôm/ha/vụ); nhân giống cấy mô để bảo tồn một số loài cây đặc hữu, có giá trị kinh tế cao; ứng dụng công nghệ lọc tiên tiến để loại bỏ độc tố trong rượu; cải tiến và sản xuất một số máy móc, thiết bị nông nghiệp;... Nhìn chung, các đề tài, dự án này trong quá trình triển khai đã góp phần chuyển giao một số công nghệ hiện đại, tiên tiến vào sản xuất thực tế, giúp người dân nâng cao trình độ KH&CN, cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường tiêu thụ.

Ảnh:  Giống GKG35 chịu mặn suốt vụ

 Theo đánh giá chung của các sở, ban, ngành trong báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế” thì tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh có xu hướng tăng dần trong những năm qua: Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và thủy sản đã được ứng dụng một số quy trình công nghệ cao: Nuôi tôm công nghệ cao theo quy trình vi sinh, ứng dụng công nghệ nhà lưới, tưới nhỏ giọt trong sản xuất nông nghiệp sạch,...

Bên cạnh việc đầu tư, hỗ trợ triển khai các đề tài, dự án KH&CN, Sở KH&CN Kiên Giang cũng đã thường xuyên chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh xây dựng nhiều kế hoạch, đề án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp của tỉnh như: Đề án đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đến năm 2020; Đề án phát triển giống cây trồng vật nuôi tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016-2020; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang; Chương trình phát triển nuôi tôm vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng U Minh Thượng đến 2020; Kế hoạch đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học đến năm 2020; Kế hoạch sản xuất sạch hơn trong công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; Đề án bảo tồn các nguồn gen động, thực vật tỉnh Kiên Giang thực hiện từ năm 2014-2020,… và nhiều đề án, chương trình khác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.

          Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất một hoặc một số sản phẩm nông sản hàng hóa có lợi thế của vùng bảo đảm đạt năng suất, chất lượng cao, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường theo quy định của pháp luật. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã hình thành Vùng Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Trung Sơn Kiên Giang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nuôi trồng và chế biến thủy sản; Vùng sản xuất lúa sạch và lúa hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Hòn Đất hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh lúa và dự kiến trong thời gian tới sẽ có thêm một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có một số doanh nghiệp có tiềm năng trở thành doanh nghiệp KH&CN như: Công ty Cổ phần Nông nghiệp CNC Trung An Kiên Giang, Công ty CP Nông trại sinh thái Ecofarm; Công ty Cổ phần Trung Sơn, Công ty TNHH Thanh Xuân, Công ty TNHH Vĩnh Hưng, Công ty TNHH Trấn Phú,...

Đối với các tổ chức hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh được thành lập theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đủ năng lực tiếp thu, làm chủ, chuyển giao các công nghệ mới vào sản xuất và đời sống. Đến nay, tỉnh đã có 08 tổ chức đăng ký hoạt động KH&CN được cấp giấy chứng nhận gồm: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN; Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng; Trung tâm Khuyến nông; Trung tâm Giống Nông – Lâm – Ngư nghiệp; Trung tâm Khuyến công tư vấn và phát triển công nghiệp; Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường; Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông; Viện Khoa học công nghệ Hướng Thiện. Các tổ chức này ngày càng thể hiện rõ vai trò của mình trong việc chuyển giao các công nghệ mới vào sản xuất và đời sống thông qua việc tham gia chủ trì hoặc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ KH&CN đặt hàng của tỉnh. Tính đến nay các tổ chức đã chủ trì hoặc phối hợp thực hiện khoảng trên 22 đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh trở lên, chủ yếu thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Các đề tài, dự án sau nghiệm thu được các tổ chức đem vào áp dụng ngay. Kết quả thu lại rất khả quan.

Hiện đang lập hồ sơ để triển khai xây dựng 01 phòng phân tích, thử nghiệm trọng điểm của tỉnh. Dự kiến Phòng này sẽ được trang bị đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu phân tích, nghiên cứu, sản xuất và phục vụ quản lý nhà nước tại địa phương.

        Ngoài những kết quả bước đầu đã đạt được nêu trên, tỉnh Kiên Giang cũng gặp một số khó khăn trong việc ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như:  Nguồn lực nhân lực KH&CN của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Số lượng cán bộ nghiên cứu và hoạt động KH&CN mới chỉ đạt 5,6 người/vạn dân và chưa tham gia nhiều trong việc nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất; cở sở hạ tầng vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, chưa được cơ giới hóa hoàn toàn, hệ thống các dây chuyền công nghệ hiện đại được đầu tư còn ít và các dây chuyền công nghệ hiện đang sử dụng thì chưa được đồng bộ hóa, nâng cấp và Chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ.

Nhằm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tỉnh Kiên Giang trong thời gian tới, tỉnh Kiên Giang cần định hướng và có các giải pháp như sau cần tiếp tục hoàn thiện chính sách tạo hành lang pháp lý phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Hoàn thiện chính sách về đất đai, tạo thuận lợi cho việc đầu tư sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa trên quy mô lớn phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Viêt Nam. Chích sách về hợp tác công tư, liên kết tổ chức KH&CN với doanh nghiệp, liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp nông thôn thông qua việc hoàn thiện các văn bản phục vụ quản lý vật tư, sản phẩm nông nghiệp theo quy định tại Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm. Cụ thể hóa các chính sách về đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ về lãi suất tín dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp; Tăng cường vốn đầu tư công cho ngành nông nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã quy hoạch; Tăng cường năng lực cho các tổ chức nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi thông tin KH&CN, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp. Nhập khẩu các công nghệ, bí quyết công nghệ từ nước ngoài; Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp thuộc Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đóng vai trò chủ thể trong mối liên kết sản xuất sản phẩm nông sản theo chuỗi, đáp ứng tiêu chuẩn quy chuẩn, phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;  Trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, nguồn lực và kinh tế - xã hội của từng vùng sinh thái để phát triển ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; Tăng cường thông tin tuyên truyền các chủ trương chính sách về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến các tổ chức và cá nhân trong xã hội để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Xuân Niệm & Ánh Nguyệt - Sở KHCN