CẢNH GIÁC LỪA ĐẢO “CHUYỂN TIÊN NHẦM”
Hình thức chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng ngày càng được áp dụng phổ biến. Tuy nhiên, cùng với đó là hàng loạt các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức cố tình chuyển khoản nhầm vào tài khoản của nạn nhân với các chiêu thức vô cùng tinh vi, khiến cho các nạn nhân dễ dàng sập bẫy. Chiêu trò lừa đảo này thường nhắm đến các nạn nhân “nhẹ dạ cả tin” hoặc các nạn nhân để lộ thông tin cá nhân. Các đối tượng sẽ áp dụng một trong các kịch bản như: Cố ý chuyển nhầm vào tài khoản của nạn nhân, sau đó liên hệ với người nhận số tiền chuyển nhầm để nhờ chuyển trả lại gấp số tiền với lý do cần sử dụng khoản tiền đó để đóng tiền viện phí cho người thân đang bệnh rất nặng. Khi nạn nhân đồng ý chuyển trả lại tiền thì họ cố tình cho số tài khoản khác với số tài khoản ban đầu đã chuyển tiền (xem như nạn nhân đã tự ý sử dụng số tiền chuyển nhầm đó). Một thời gian sau bên lừa đảo liên hệ để yêu cầu nạn nhân phải hoàn trả lại số tiền đã chuyển vì họ chưa nhận được (do nạn nhân đã chuyển trả vào tài khoản người khác). Như vậy, xem như nạn nhân đã tự ý sử dụng khoản tiền đó và bây giờ phải có trách nhiệm trả, đồng thời yêu cầu nạn nhân phải trả một khoản tiền lãi “cắt cổ” trên số tiền chuyển nhầm.
Chia sẻ về vấn đề này với các học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trung Trực sáng 16-12, ông Trần Lương Thiện - Phó phòng Khách hàng cá nhân Agribank chi nhánh Kiên Giang cho biết: “Nếu bất ngờ nhận được một khoản tiền chuyển vào tài khoản mà không rõ nguồn gốc chúng ta không được tự ý chuyển trả ngay theo yêu cầu của người chuyển mà nên hướng dẫn họ ra ngân hàng để thực hiện các thủ tục đòi tiền theo quy định. Đối với người nhận tiền nhầm, chúng ta cần bình tĩnh, tuyệt đối không được sử dụng khoản tiền đó vào bất kỳ mục đích gì. Liên hệ với ngân hàng (nơi mở tài khoản) để được hỗ trợ xác minh nguồn gốc số tiền, tài khoản đã chuyển đến để hoàn trả cho người chuyển theo quy định”. Ông Thiện cũng lưu ý, việc hoàn trả phải được thực hiện tại ngân hàng thông qua hình thức chuyển khoản, tuyệt đối không trả bằng tiền mặt vì bất kỳ lý do gì. Trường hợp nếu nhận thấy vụ việc có dấu hiệu lừa đảo để chiếm đoạt tài sản chúng ta nên trình báo công an địa phương để được hỗ trợ kịp thời. Theo Bộ Luật hình sự 2015, việc người nhận số tiền chuyển nhầm mà không trả lại số tiền đó thì bị coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trung Trực tham gia tìm hiểu kiến thức tại chương trình giáo dục tài chính.
MUA BÁN TÀI KHOẢN THANH TOÁN HỌC SINH, SINH VIÊN
Theo bà Bùi Như Quỳnh - Phó trưởng Phòng Giao dịch khách hàng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Kiên Giang, thời gian qua trên địa bàn một số tỉnh, thành phố có xuất hiện tình trạng các đối tượng tội phạm dụ dỗ học sinh, sinh viên mở tài khoản thanh toán, sau đó chuyển lại cho các đối tượng này sử dụng. Các đối tượng phạm tội thường dùng phương thức thủ đoạn như lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên đã được cấp căn cước công dân mở tài khoản thanh toán và trả công cho người mở. Đối tượng cung cấp cho học sinh điện thoại có sẵn sim để đăng ký mở tài khoản thanh toán và dịch vụ Internet Banking, SMS Banking. Sau đó, đối tượng yêu cầu học sinh trả lại điện thoại, cung cấp thông tin tên, mật khẩu đăng nhập, mật khẩu xác thực (OTP)... Các đối tượng này cũng thu thập dữ liệu sinh trắc học (khuôn mặt) của các học sinh (Face ID) để phục vụ xác minh danh tính của khách hàng khi có yêu cầu. Các tài khoản này sau đó thường được lợi dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật như rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài trợ khủng bố…
Theo Nghị định số 52/2024/NĐ-C của Chính phủ có hiệu lực từ 1-7-2024 quy định về thanh toán không dùng tiền mặt và Nghị định số 88/2019/NĐ-CP của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với các hành vi: Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 1 đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; phạt tiền từ 50-100 triệu động đối với các hành vi: Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.