Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Tin tức - sự kiện

Xem với cỡ chữAA

Bình An về đích nông thôn mới

(14:08 | 26/01/2024)

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Bình An (Châu Thành) nỗ lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới, về đích sớm hơn 2 năm so nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025.

NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN

Về ấp An Bình, xã Bình An những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, không khí khắp đường quê, ngõ xóm như rộn ràng hơn bởi người dân nơi đây vừa háo hức đón xuân, vừa chuẩn bị đón lễ công nhận danh hiệu xã nông thôn mới.

Từng là hộ có thu nhập trung bình, sau lần con trai bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não cách nay 8 năm, gia đình ông Danh Bình (67 tuổi), ngụ ấp An Bình, xã Bình An bán hết 5 công đất ruộng. Là trụ cột gia đình, ông Bình lại hay đau ốm nên đời sống chật vật và rơi vào diện hộ nghèo. Ông Bình cho biết: “Mấy tháng trước tôi được Nhà nước hỗ trợ 3 con heo và 17 bao thức ăn, nhờ có cán bộ kỹ thuật tư vấn nên đàn heo khỏe mạnh, mau lớn. Con trai tôi được xã giới thiệu đi làm công nhân nên có tiền cho tôi cất lại căn nhà lành lặn. Gia đình tôi đã thoát diện hộ nghèo”.

 

Ảnh: Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền là nguồn động viên giúp hộ nghèo xã Bình An vươn lên trong cuộc sống. Trong ảnh: Đồng chí Trịnh Thế Đoàn (bìa phải) - Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình An thăm hộ mới thoát nghèo Danh Bình.

 

Người dân xã Bình An chủ yếu canh tác khóm - cau - dừa, trồng lúa, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá. Khi bắt tay xây dựng nông thôn mới từ năm 2012, xã gặp nhiều khó khăn phải vượt qua, trong đó nan giải nhất là tiêu chí thu nhập. Ðây là tiêu chí khó, giai đoạn đầu xây dựng nông thôn mới xã Bình An đã không đạt vì thiếu nguồn lực hỗ trợ. Đồng chí Doãn Văn Thanh - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND), Trưởng Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Bình An cho biết: “Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra chỉ tiêu phấn xây dựng Bình An thành xã nông thôn vào năm 2025. Đây được xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng, vừa là điều kiện để Bình An được tập trung đầu tư các nguồn lực từ các cấp để đạt chuẩn nông thôn mới”.

Với phương châm xây dựng nông thôn mới phải thực chất, đích đến cuối cùng là nâng cao đời sống nhân dân, từ năm 2021 đến nay, xã Bình An tranh thủ các nguồn vốn vay theo dự án chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giải quyết hỗ trợ vốn cho 27 hộ nghèo và hộ cận nghèo chăn nuôi heo, 18 hộ nghèo, hộ cận nghèo chăn nuôi gà; cất mới 11 nhà “Đại đoàn kết”, giới thiệu việc làm 625 lượt lao động. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến cuối năm 2023, hộ nghèo đa chiều của xã giảm còn 3,2%, thu nhập bình quân đầu người đạt 57,5 triệu đồng/người/năm. Trên 70% hộ dân có nhà ở kiên cố, bán kiên cố, xã không còn nhà tạm, dột nát.

 

Ảnh: Ông Danh Bình (bìa trái), ngụ ấp An Bình, xã Bình An (Châu Thành) bên đàn heo được nhà nước hỗ trợ.

 

CHÚ TRỌNG ĐẦU TƯ HẠ TẦNG

Sau 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, tổng kinh phí thực hiện từ năm 2021 đến năm 2023 hơn 115,2 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương đầu tư 3,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương 83,64 tỷ đồng, tổ chức xã hội - từ thiện 11,5 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 16,6 tỷ đồng. Điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới ở Bình An là xã sớm hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn với 18,1km đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; 52,1km đường ấp và đường liên ấp được cứng hóa. Cơ sở vật chất trường học được đầu tư với 5/7 trường đạt yêu cầu cơ sở vật chất mức độ 1.

Tất bật lo công tác chuyển vật dụng của trường sang ngôi trường mới vừa được tỉnh cấp kinh phí đầu tư hơn 14 tỷ đồng, dù khá mệt nhưng trên gương mặt thầy cô Trường Tiểu học Bình An 1 không giấu được niềm phấn khởi. “Mấy ngày nay thầy và trò cứ nôn nao được qua học ở trường mới. Trường cũ xuống cấp đã nhiều năm, hễ trời mưa là ngập nước, phải mượn cơ sở khác học. Giai đoạn 1 trường được đầu tư xây mới với 8 phòng học, 4 phòng chức năng. Sau khi dời qua trường mới, giai đoạn 2 trường sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng để đạt chuẩn quốc gia”, đồng chí Trần Thị Trinh - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình An 1 nói.

 

Ảnh: Đường giao thông nông thôn ở xã Bình An (Châu Thành) vừa được đầu tư xây dựng giúp ô tô thuận tiện đi lại vận chuyển hàng hóa nông sản.

 

Môi trường là vấn đề nan giải trên địa bàn xã Bình An do có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ sơ chế, chế biến thuỷ hải sản chưa đảm bảo đúng quy định về bảo vệ môi trường. Qua thống kê, trên địa bàn xã có 65 cơ sở sản xuất, kinh doanh với các ngành nghề như sản xuất nước đá, nước lọc, kinh doanh xăng dầu, thuốc bảo vệ thực vật, chế biến thủy sản…

Đồng chí Doãn Văn Thanh nói: “Công tác bảo vệ môi trường được xã ưu tiên hàng đầu. Qua quá trình phối hợp cơ quan chuyên môn kiểm tra, nhắc nhở, đến nay các cơ sở này đã đăng ký thủ tục về môi trường với cơ quan có thẩm quyền theo quy định và thực hiện các nội dung về cam kết bảo vệ môi trường. Hầu hết đều thực hiện thu gom, phân loại và xử lý rác thải theo quy định, quy trình. Đối với những sơ sở cố tình vi phạm, xã đã phối hợp cơ quan chuyên môn tiến hành xử  phạt theo quy định”.  

Công tác bảo vệ môi trường nông thôn được Đảng ủy, UBND xã Bình An quan tâm thực hiện. Qua phát động, nhân dân toàn xã thực hiện được hơn 20km tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp tại các ấp. Việc xây dựng quy ước, hương ước về giữ gìn vệ sinh được 9/9 ấp lồng ghép việc thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào việc thực hiện phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”.

Đặng Linh-Báo Kiên Giang