Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Tin tức - sự kiện

Xem với cỡ chữAA

HỘI NÔNG DÂN TỈNH: Đưa hội viên từ sản xuất nhỏ tham gia thị trường lớn

(00:04 | 26/04/2024)

Ngày 20-2-2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 182/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”. Đề án mở ra hành trình mới, trong đó, Hội Nông dân Việt Nam là chủ lực, đồng hành cùng nông dân cả nước đưa mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp phát triển nhanh, mạnh, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Kết quả khảo sát đến nay cho thấy, nông nghiệp Việt Nam đã cơ bản đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu với 15% tổng sản lượng xuất khẩu của thế giới. Kim ngạch xuất khẩu nông sản các loại tăng hàng năm: Năm 2004 là 4,1 tỷ đô la Mỹ; năm 2010 là 19,2 tỷ đô la Mỹ; năm 2020 là 41,25 tỷ đô la Mỹ và năm 2023 là 54 tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước, khu vực nông thôn vẫn phát triển thấp. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, tư duy sản xuất theo số lượng vẫn áp đảo tư duy giá trị nông nghiệp. Khi nguồn lao động trẻ ở nông thôn bị hút vào các khu công nghiệp và đô thị, trình độ hợp tác của nông dân còn nhiều hạn chế thì hợp tác xã khó có thể tạo ra sự đột phá ở nông thôn.

Thực tiễn tại Kiên Giang cho thấy, phần lớn nông sản đưa ra thị trường chất lượng thấp, không đồng nhất về kích cỡ, giá trị. Nông sản xuất khẩu chủ yếu thô hoặc mới qua sơ chế, không có thương hiệu chiếm tỷ trọng lớn. Nông sản chưa giữ được phẩm chất tươi ngon, chưa gắn với việc phát huy giá trị văn hóa ẩm thực bản địa và dân tộc để tạo nên nét khác biệt hấp dẫn khách hàng. Việc lạm dụng hóa chất trong sản xuất làm suy thoái đất, nước, sức khỏe cây trồng; trong khi đó các quốc gia phát triển gia tăng chính sách bảo hộ nông nghiệp, nâng tiêu chuẩn hàng hóa có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, môi trường làm cho nông sản Việt Nam phải cạnh tranh kép cả thị trường trong và ngoài nước.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “...Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô theo hướng hiện đại, nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, thị trường, suất khẩu, chuỗi giá trị toàn cầu”. Từ nguyên tắt chung này, phát triển nông nghiệp sinh thái là lời giải đúng cho sản xuất lớn tạo ra các vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn thị trường thông qua liên kết giữa Hợp tác xã với doanh nghiệp. Phải phân biệt liên kết sản xuất kinh doanh không phải là mục đích tìm lợi nhuận qua việc mua đứt bán đoạn, mà là một quy trình tương hỗ cùng chia sẻ rủi ro và lợi nhuận với lợi ích lâu dài, bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân sản xuất.

 

Thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 8B, xã Thạnh Đông A (Tân Hiệp) thu hoạch lúa đông xuân 2023-2024. Ảnh: ĐẶNG LINH.

 

Nhằm phát huy vai trò của Hội trong việc giúp hội viên nông dân liên kết sản xuất tạo ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh về chất, lượng tham gia thị trường trong và ngoài nước, trước hết, cần tiếp tục làm mới và thắt chặt liên minh giai cấp nông dân với công nhân và đội ngũ trí thức, doanh nghiệp thông qua các hoạt động như:

Thứ nhất, Phối hợp Ủy ban nhân dân, ban, ngành đồng cấp xây dựng, thể chế hóa đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của người nông dân, giữ vững vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy yếu tố khởi động, phát triển mới các lực lượng nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, có tác phong công nghiệp sẽ là đội ngũ tiên phong trong sản xuất và dẫn dắt phong trào.

Thứ hai, tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi căn bản tư duy từ sản xuất chạy theo số lượng sang giá trị làm mục tiêu, sản phẩm có trách nhiệm đối với người tiêu dùng, xã hội và môi trường là giá trị cốt lõi. Nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của hộ gia đình trong xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, giảm phát thải, gắn với tạo ra sản phẩm khác biệt thông qua chương trình OCOP để tăng thu nhập cho nông dân, phát triển du lịch và chuyển tải giá trị văn hóa của sản phẩm OCOP.

Thứ ba, tập hợp nông dân tổ chức nông nghiệp liên kết thành Hợp tác xã, Câu lạc bộ theo nghề nghiệp, sở thích tạo nên sức mạnh tập thể trong sản xuất, trong đàm phán hợp đồng và giảm thiểu rủi ro, tác động mặt trái của thị trường. Giữ vững địa vị người làm chủ của nông dân trong quy trình liên kết, hợp tác sản xuất.

Thứ tư, xây dựng đội ngũ người nông dân thế hệ 4.0, văn minh, chuyên nghiệp với các đặc trưng truyền thống của người Việt Nam yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, đoàn kết, cần cù sáng tạo. Cuối cùng, phải tổ chức Hội Nông dân theo phương châm: “Trung ương tinh, tỉnh toàn diện, huyện mạnh, cơ sở bám sát nông dân”. Từng bước nâng tầm đội ngũ cán bộ Hội Nông dân ngày càng giỏi hơn về chuyên môn, giàu về trải nghiệm để bền bỉ, tận tuỵ với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đỗ Trần Thịnh-Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh