Hòa Lợi là xã vùng sâu của huyện Giồng Riềng, nhân dân sống chủ yếu là sản xuất nông nghiệp (lúa nước), từ đó cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Thực hiện chủ trương của huyện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi từ kém hiệu quả sang có hiệu quả mang lại kinh tế cao, nhân dân trong xã đã mạnh dạng chuyển đổi sang cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh cao.
Vườn sầu riêng 4 năm tuổi hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hội viên nông dân xã Hòa Lợi, huyện Giồng Riềng.
Hiện nay tình hình kinh tế phát triển đáng kể, diện tích chuyên canh trồng cây ăn trái và rau màu các loại gần 100 ha. Do địa hình của xã có nước ngọt quanh năm, thời tiết khí hậu ôn hòa, rất thuận lợi cho việc trồng các loại cây ăn trái trong đó phải kể đến cây “Sầu riêng”. Sầu riêng là một trong những loại trái cây có giá trị kinh tế cao, được thị trường trong nước và thế giới ưa chuộng; ngoài lúa nước ra, sầu riêng là cây ăn trái phát triển chủ lực của địa phương với diện tích 43 ha với 46 hộ tham gia mô hình.
Năm 2023, tổng thu nhập bình quân của 1 công trồng lúa là 18 triệu đồng/công/năm, trừ đi chi phí còn lợi nhuận từ 9 triệu đồng/công/năm. Trong khi đó, đối với những hộ trồng Sầu riêng sau khi trừ đi chi phí còn lợi nhuận 50 triệu đồng gấp nhiều lần so với trồng lúa, giúp người dân có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình.
Lãnh đạo UBND huyện và Thường trực Đảng ủy xã Hòa Lợi thăm vườn sầu riêng của anh Nguyễn Văn Mưng, ấp Hòa Lộc, xã Hòa Lợi.
Để mô hình trồng sầu riêng đạt hiệu quả cao và phát triển về lâu dài của địa phương, thì ngoài việc lựa chọn cây giống đạt yêu cầu thì hộ trồng phải có kiến thức, kỹ năng chăm sóc cây sầu riêng nhất định và được cán bộ chuyên môn tập huấn tư vấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bên cạnh đó, khi bà con trồng sầu riêng sẽ tránh rủi ro, được mùa mất giá. Đồng thời, phải được liên kết chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp và cơ quan chuyên môn để mang lại hiệu quả và bền vững.