Đồng chí Võ Huỳnh Ngọc - Đảng ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh Lộc cho biết: “Hiện tổng dư nợ do hội quản lý hơn 18 tỷ đồng vốn tín chấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Bình quân mỗi hộ được vay từ 30-70 triệu đồng để chăn nuôi, trồng rau màu, chuyển đổi sản xuất, mua bán nhỏ. Cơ chế phối hợp giữa hội và ngân hàng đã giải quyết căn bản các vấn đề khó khăn của phụ nữ nông thôn trong tiếp cận nguồn vốn chính thức, làm giảm tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn vốn rất phổ biến trong những năm trước đây”.
Trong mảnh vườn sau nhà, bà Huỳnh Thị Bé (67 tuổi), ngụ ấp Hòa Lợi, xã Thạnh Lộc trồng bông súng dưới mương, phía trên liếp bà trồng ổi nữ hoàng, ổi lê. Với hai loại cây trồng này, bình quân mỗi ngày, bà Bé có thu nhập từ 250.000-350.000 đồng. Nhưng đó chưa phải là nguồn thu nhập chính của gia đình bà Bé, mà là vườn bưởi da xanh ruột hồng được trồng xen với cam xoàn đang cho mùa thu hoạch thứ ba.
5 năm trước, bà Bé vay 70 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh Lộc để chuyển 9.000m2 đất lúa sang lập vườn cây ăn trái. Với nguồn vốn được tiếp sức, bà Bé sử dụng mua cây giống, thuê kober xẻ kênh nhỏ trong vườn để thoát nước và tận dụng mặt nước trồng bông súng. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, bà trồng ổi, bông súng để sớm thu hoạch, có chi phí tu bổ cho vườn cam, bưởi và sầu riêng vốn là cây lâu năm.
Ngoài được vay vốn, bà Bé còn được tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn trái theo hướng an toàn. “Bưởi, cam, ổi bón phân hữu cơ nên rất ngọt, dù da không được bóng bẩy bắt mắt như xài phân bón, thuốc hóa học. Trồng cho gia đình, xóm giềng ăn nên tiêu chí an toàn cho sức khỏe phải đặt lên hàng đầu”, bà Bé nói.

Đồng chí Võ Huỳnh Ngọc (bên trái) - Đảng ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh Lộc tham quan vườn bưởi da xanh ruột hồng của gia đình bà Huỳnh Thị Bé, ngụ ấp Hòa Lộc.
Hàng trăm lượt hộ gia đình xã Thạnh Lộc được tiếp sức bằng nguồn vốn để phát triển kinh tế hộ qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng các mô hình, phát triển dịch vụ, việc làm, tăng thu nhập. Cứ mỗi năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh Lộc lại phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ 2-3 hội viên, phụ nữ nông thôn khởi nghiệp thành công.
Chị Lương Diễm Thúy, ngụ ấp Hòa Lộc cho biết: “Tôi vừa được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh Lộc phối hợp ngân hàng giải ngân cho vay 40 triệu đồng. Số vốn này giúp vợ chồng tôi cơi nới tiệm mở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp cho phụ nữ tại xã. Có nguồn vốn này tôi không phải đi vay nóng bên ngoài với lãi suất cao nữa”.
Với nguồn vốn tín chấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hộ nghèo trong hệ thống Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh Lộc giảm đáng kể. Người dân xã Thạnh Lộc làm giàu, trong đó có nhiều điển hình phụ nữ vay vốn làm kinh tế giỏi đã minh chứng cho hiệu quả của chương trình đầu tư vốn đối với kinh tế hộ ở huyện Châu Thành thời gian qua. Riêng đối với phụ nữ Thạnh Lộc, hiệu quả của chương trình không chỉ dừng ở đời sống kinh tế được cải thiện, mà chính từ được làm chủ nguồn vồn, được học tập nâng cao kiến thức sản xuất nông nghiệp, kinh doanh, mua bán. Quan trọng hơn, nhiều hội viên, phụ nữ phát huy được khả năng, sức lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó tiếng nói, vai trò của chị em trong gia đình, xã hội cũng được nâng lên.