Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Phong trào khác

Xem với cỡ chữAA

Giồng Riềng phấn đấu đạt huyện nông thôn mới vào năm 2020

(10:59 | 12/04/2018)

 Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn; tất cả các cấp ủy Đảng từ huyện đến cơ sở phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

 

       Từ khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đến nay đã đạt được nhiều kết quả, kinh tế - xã hội của huyện có bước phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân tiếp tục được nâng lên; hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường; an ninh-trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Đến nay toàn huyện có 11/18 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (Hòa Hưng, Hòa Lợi, Hòa An, Ngọc Chúc, Thạnh Hưng, Thạnh Lộc, Hòa Thuận, Long Thạnh, Thạnh Bình, Ngọc Thành, Thạnh Phước), 7 xã còn lại đạt trung bình từ 13 tiêu chí trở lên. Huyện tự đánh giá đã đạt 7/9 tiêu chí huyện nông thôn mới còn 02 tiêu chí chưa đạt gồm tiêu chí số 5: Y tế-Văn hóa-Giáo dục, Tiêu chí số 7: Môi Trường. Theo quy định về huyện đạt tiêu chí huyện nông mới, ngoài yêu cầu 100% số xã trong huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đòi hỏi phải đạt 9 tiêu chí trong bộ tiêu chí ( theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ ).

Để thực hiện đạt huyện nông thôn mới vào năm 2020, huyện đã đề ra mục tiêu: Huy động tốt các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng yêu cầu sản xuất, dân sinh; tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; phát triển nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp và dịch vụ; sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao và có bao tiêu sản phẩm. Phát triển nhanh nông thôn, giảm dần khoảng cách giữa nông thôn với thành thị; kinh tế - xã hội phát triển ổn định; tiếp tục nâng lên đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển dân trí; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; Đảng bộ, chính quyền ở nông thôn trong sạch, vững mạnh; các đoàn thể đạt tiên tiến trở lên.

Đối với 02 tiêu chí huyện còn chưa đạt cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

- Tiêu chí 5 về Y tế - Văn hóa - Giáo dục: Để thực hiện đạt tiêu chí này, cần tiếp tục giữ vững Bệnh viện huyện đạt tiêu chuẩn hạng 2, đề xuất trên sáp nhập Trung tâm y tế với Bệnh viện và có kế hoạch nâng cấp, mở rộng để đạt chuẩn bệnh viện hạng 2 theo quy định; Chỉ đạo các xã thực hiện tốt lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, đề xuất tỉnh sớm xây dựng trung tâm văn hóa huyện đạt chuẩn theo quy định; Kiến nghị sở Giáo dục đào tạo tiếp tục đầu tư các hạng mục theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục đào tạo về các tiêu chuẩn để đạt chuẩn Quốc gia, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy và học; đưa cán bộ đi đào tạo; nâng cao chất lượng giáo dục, phấn đấu đến năm 2020 có 6/6 trường đạt chuẩn Quốc gia.

- Tiêu chí 7 về môi trường: Để thực hiện đạt tiêu chí này, cần tăng cường công tác kiểm tra, vận động tuyên truyền các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường, vận động nhân dân tự phân loại rác, đào hố rác, xử lý rác tại hộ gia đình; Tiếp tục đầu tư bãi rác, xe thu gom rác thải cho xã Thạnh Hòa và Vĩnh Phú; Kêu gọi nhà đầu tư mở rộng diện tích bãi rác huyện theo quy hoạch được duyệt, đồng thời xây dựng nhà máy xử lý rác thải đảm bảo xử lý theo quy trình.

Việc huyện Giồng Riềng phấn đấu đến năm 2020 đạt chuẩn huyện Nông thôn mới là hết sức cần thiết, nhằm đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn lên vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Góp phần phát triển kinh tế - xã hội nông thôn mang tính bền vững, tăng thu nhập và nâng cao mức sống người dân nông thôn.

Trần Khải