Cổng thông tin điện tử Hội Nông Dân tỉnh Kiên Giang

Môi trường

Xem với cỡ chữAA

“Giải pháp phát triển kinh tế tập thể sản xuất mô hình tôm - lúa bền vững”

(16:08 | 27/06/2024)

Đó là chủ đề hội thảo sáng nay 26-6 do Hội Nông dân tỉnh tổ chức. Đồng chí Đỗ Trần Thịnh - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh chủ trì hội thảo, cùng sự có mặt của 90 đại biểu lãnh đạo sở, ngành có liên quan, các doanh nghiệp, các hợp hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Hiện toàn tỉnh có 447 hợp tác xã nông nghiệp với vốn điều lệ gần 282 tỷ đồng, 32.019 thành viên, diện tích sản xuất 63.021,9ha, trong đó diện tích luân canh lúa - tôm 106.303ha. Hiện mô hình tôm - lúa là loại hình nuôi trồng có thế mạnh của tỉnh, tập trung ở các huyện An Minh, An Biên, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận. Những năm gần đây, sản lượng tôm nuôi thu hoạch theo mô hình tôm - lúa đạt hơn 61.000 tấn, chiếm hơn 55% sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh và hàng trăm ngàn tấn lúa phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.

 

Ảnh: Đồng chí Đỗ Trần Thịnh - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phát biểu tại hội thảo.

 

Theo nhận định của các hợp tác xã, mô hình sản xuất tôm - lúa hiệu quả hơn so độc canh cây lúa hoặc nuôi tôm theo cách truyền thống. Vừa đem lại hai nguồn lợi kinh tế, vừa góp phần cải tạo đất, môi trường sinh thái tự nhiên và ứng phó biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp. Sản phẩm tôm và lúa thu hoạch từ mô hình kết hợp này cũng là sản phẩm an toàn, chất lượng cao, do đó được doanh nghiệp đặt hàng thu mua chế biến xuất khẩu. Nhiều hộ thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã tôm - lúa thu về sản lượng từ 400-500kg tôm/ha và 5-6 tấn lúa chất lượng cao, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, khá giàu.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển bền vững mô hình kinh tế tập thể sản xuất tôm - lúa, trước hết, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, Hội Nông dân tỉnh, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân, hội viên, nông dân tham gia xây dựng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất lúa - tôm  và chỉ áp dụng mô hình này tại các vùng có quy hoạch luân canh 1 vụ lúa 1 vụ tôm.

 

Ảnh: Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc Hợp tác xã Tôm - lúa Hưng Nông (An Biên) kiến nghị tỉnh quan đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đồng bộ nhằm tạo thuận lợi cho nông dân sản xuất lúa - tôm.

 

Thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã, các ngành, hội các cấp mời gọi doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoặc tư vấn định hướng cho tổ hợp tác, hợp tác xã thực hiện các dịch vụ sau thu hoạch, chế biến các sản phẩm đặc trưng để nâng cao giá trị. Tranh thủ cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã tháo gỡ khó khăn về trụ sở, kho, bãi, vốn, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

“Bên cạnh đó, cần thiết phải tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo đội ngũ lãnh đạo tổ hợp tác, hợp tác xã nắm vững chuyên môn, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh các hoạt động trưng bày, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm tổ hợp tác, hợp tác xã”, đồng chí Đỗ Trần Thịnh nói.

Đặng Linh-Báo Kiên Giang