Cổng thông tin điện tử Hội Nông Dân tỉnh Kiên Giang

Khoa học công nghệ

Xem với cỡ chữAA

Người nuôi tôm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại

(23:48 | 26/04/2024)

Nắng nóng kéo dài thời gian qua đã làm thay đổi môi trường ao nuôi khiến tôm chậm lớn, dịch bệnh phát sinh trên con tôm. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp, hộ dân nuôi tôm đã chủ động ứng phó bằng nhiều giải pháp hiệu quả.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, dịch bệnh trên tôm xảy ra tại một số hộ nuôi, doanh nghiệp, trong đó, tại một doanh nghiệp ở huyện Giang Thành có 1 ao nuôi bệnh đốm trắng, một hộ dân tại TP. Hà Tiên cũng có 2 ao nuôi bị dịch bệnh này. Bệnh thủy tinh mới xuất hiện trên tôm giống cũng đã xuất hiện tại 1 hộ nuôi ở xã Thuận Yên (TP. Hà Tiên) thông qua triệu chứng lâm sàng đã tiêu hủy toàn bộ tôm trong ao vèo khoảng 600.000 post.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Nga - Trưởng Phòng Nuôi trồng thuỷ sản, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: “Tôm bị thiệt hại do nhiều nguyên nhân: Công trình nuôi không đúng yêu cầu kỹ thuật nên mực nước trên trảng thấp hơn 50cm làm nhiệt độ tăng cao, con giống không đảm bảo chất lượng, độ mặn trong nước tăng cao vượt ngưỡng cho phép hơn 30‰. Để hạn chế thiệt hại, khuyến cáo người dân, doanh nghiệp tùy theo điều kiện nguồn nước, thời tiết từng vùng chọn thời điểm thả thích hợp”.

Đến cuối tháng 3-2024, toàn tỉnh thả nuôi hơn 128.300ha tôm nước lợi, đạt gần 95% kế hoạch, trong đó, tôm công nghiệp - bán công nghiệp mới thả được 1.620ha, đạt 35% kế hoạch, tôm - lúa và quảng canh, quảng canh cải tiến có diện tích thả nuôi đạt từ 90-98% kế hoạch. Theo nhận định của Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trong giai đoạn tháng 3 và 5-2024 theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn sẽ có nhiều ngày nắng nóng gay gắt lên đến 35-37°C, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm cao, có thể có mưa trái mùa làm sức đề kháng của tôm nuôi bị suy giảm. Ngoài ra, hệ thông kênh cấp, thoát nước các vùng nuôi tôm chưa riêng biệt nên nguy cơ phát sinh bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp trong thời gian tới là rất cao, bệnh vi bào tử trùng khó xử lý tận gốc, nhất là nuôi thâm canh ao đất, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất.

 

Ảnh: Người dân xã Thổ Sơn (Hòn Đất) nuôi tôm theo quy trình hai giai đoạn.

 

Ông Nguyễn Hồng Sơn, ngụ ấp Song Chinh, xã Bình Trị (Kiên Lương) cho biết: “Hiện 3ha tôm của gia đình đã thả được 45 ngày, nắng nóng khiến tôm chậm lớn, chi phí bơm nước, mua men vi sinh, vôi xử lý môi trường ao nuôi tăng 50% so với những vụ trước. Còn 1 tháng nữa mới tới kỳ thu hoạch tôm mà thời tiết khắc nghiệt vầy làm thấp thỏm từng ngày”.

Năm 2024, các doanh nghiệp thuộc các huyện vùng tứ giác Long Xuyên được tỉnh giao thực hiện 3.244ha nuôi tôm, bố trí được 1.008ha mặt nước nuôi. Hiện đang vào chính vụ thả nuôi tôm công nghiệp, các doanh nghiệp đã thả nuôi 193ha, đạt 24% kế hoạch, sản lượng thu hoạch 806 tấn. Đa số các doanh nghiệp, hộ nuôi tôm công nghiệp các huyện Kiên Lương, Giang Thành, TP. Hà Tiên đều phản ánh thiếu nguồn nước mặn để nuôi nên chỉ thả nuôi 2 vụ/ao/năm. Thời gian còn lại chủ yếu sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống ao nuôi hoặc nuôi mật độ thưa, số lượng ít để duy trì công nhân.

Ông Lê Minh Tâm - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Trung Sơn (Kiên Lương) cho biết: “Mùa khô năm nay rất khó cho tôm phát triển. Có nhiều ngày nắng nóng gay gắt, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm cao làm sức đề kháng của tôm nuôi bị suy giảm, nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao. Đến tháng 4-2024, công ty thu hoạch được 700 tấn tôm thương phẩm, đồng thời thả được 75ha theo hình thức xoay vòng nhiều giai đoạn. Mặt khác, đơn hàng chế biến tôm xuất khẩu sang Nhật cũng giảm 30% nên công ty chưa mở rộng diện tích thả nuôi”.

 

Ảnh: Người dân xã Bình Trị (Kiên Lương) thu hoạch tôm nuôi thẻ chân trắng nuôi công nghiệp.

 

Qua khảo sát, chi phí giá thành sản xuất tôm thẻ chân trắng cỡ 100 con/kg hiện khoảng 75.000 đồng/kg trong khi giá bán khoảng 90.000-93.000 đồng/kg. Trước tình hình diễn biến bất thường của thời tiết gây khó khăn cho nghề nuôi tôm, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh áp dụng các kỹ thuật nuôi tiên tiến như nuôi tôm 2-3 giai đoạn ứng dụng công nghệ cao, mật độ từ 200-300 con/m². Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy hải sản Minh Phú (Kiên Lương) đầu tư lắp đặt hệ thống gần 500 camera và sensor cảm biến để kiểm soát các yếu tố môi trường từng ao nuôi, ghi nhật ký điện tử rất chuyên nghiệp, tiết kiệm nhân công, phát hiện và xử lý tình huống kịp thời. Đồng thời, công ty này tiếp tục xây lắp hoàn thiện công trình đường ống dẫn nước biển quy mô lớn cung cấp nước chất lượng cho vùng nuôi của công ty và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Để ứng phó với tình hình thời tiết bất lợi hiện nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thông Thuận (Kiên Lương) đầu tư, thử nghiệm hệ thống ao nổi khoảng 1.200m³/ao cho thấy có thể rút ngắn thời gian nuôi tôm đạt size 100 con/kg xuống còn khoảng 60 ngày so với trước đây phải 80 ngày nên giảm được chi phí, nguy cơ nhiễm bệnh cuối vụ.

Kinh nghiệm của các hộ dân nuôi tôm công nghiệp ở xã Mỹ Đức (TP. Hà Tiên) là áp dụng mô hình nuôi tôm 2-3 giai đoạn nhằm hạn chế thiệt hại. Ông Trần Trọng Khiêm, ngụ ấp Bà Lý, xã Mỹ Đức cho biết: “Với diện tích ao khoảng 2.000m², tôi thả mật độ vèo từ 1.200-2.000 con/m², khi tôm đạt khoảng 150-200 con/m² mới cho ra ao nhằm giảm hao hụt. Ngoài ra, tôi còn chú trọng khâu xử lý nước đầu vào bằng lưới lọc, hóa chất, chế phẩm vi sinh để tiêu diệt giáp xác, mầm bệnh gây bệnh gan tụy cấp tính, đốm trắng, mờ đục trắng gan trên tôm giống. Nhờ vậy mà mấy năm nay tôm nuôi cho năng suất cao”.

An Lâm-Báo Kiên Giang