Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Khoa học công nghệ

Xem với cỡ chữAA

HIỆU QUẢ CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH LỒNG NUÔI CÁ TRUYỀN THỐNG SANG LỒNG VẬT LIỆU HDPE

(14:30 | 30/11/2023)

Kiên Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đặc biệt là nuôi thủy sản ven biển, ven đảo (gọi tắt là nuôi biển). Địa hình của tỉnh bao gồm cả đồi núi thấp, đồng bằng và khoảng 143 đảo với tổng chiều dài bờ biển (không tính bao quanh các đảo) trải dài trên 200 km, với ngư trường rộng trên 63.000km2, có vùng vịnh kín gió, khá an toàn do được che chắn, giảm thiểu rủi ro khi mưa bão. Những lợi thế đó, đã tạo điều kiện cho Kiên Giang phát triển ngành Thủy sản thành một ngành kinh tế thủy sản tổng hợp cả trong đất liền, trên biển và hải đảo. Hiện nay, Kiên Giang đã là tỉnh có vị trí trọng điểm đối với nghề cá ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Năm 2023, tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu nuôi cá lồng bè trên biển với 4.000 lồng, sản lượng 4.100 tấn. Trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh đã phát triển hơn 3.530 lồng, đạt 88,4% kế hoạch, tăng 22% so cùng kỳ, đối tượng nuôi như cá bóp, cá mú, cá bè vẫu, cá chim vây vàng… với hình thức nuôi đơn và nuôi ghép các loài.

Để góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển nuôi biển của tỉnh, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai 9 điểm thực hiện mô hình chuyển đổi từ lồng gỗ truyền thống sang lồng vật liệu HDPE nuôi một số đối tượng có giá trị kinh tế cao như: cá mú trân châu, cá bè vẫu, cá khế vằn sử dụng thức ăn công nghiệp thay thế cá tạp.

Các hộ nuôi tham gia mô hình được dự án hỗ trợ hệ thống lồng nuôi hiện đại bằng chất liệu HDPE, ngoài hỗ trợ lồng nuôi, ngư dân tham gia dự án còn được 30% chi phí mua cá giống thả nuôi, phần còn lại người dân đối ứng đầu tư cho tới khi thu hoạch.

Nông dân tham gia mô hình được cán bộ kỹ thuật, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong nuôi cá biển lồng bè, am hiểu kỹ thuật về lồng HDPE tập huấn kỹ thuật nuôi cá mú trân châu bằng lồng HDPE trên biển. Đồng thời, trong quá trình nuôi được cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, giám sát, tập trung vào các thời điểm yêu cầu kỹ thuật làm tăng hiệu quả sản xuất, phòng trừ dịch bệnh…

 

Hình: Mô hình nuôi cá mú trân châu bằng lồng HDPE tại xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương.

 

Qua thời gian theo dõi, cá phát triển tốt, tỷ lệ sống cao, dao động 86 - 90%, cao hơn lồng truyền thống từ 15-20%, trọng lượng cá dao động 1-1,4kg/con. Năng suất 11-14kg/m3. So với lồng truyền thống thì sản lượng cao hơn 10-15%. Sau khi trừ các khoản chi phí lợi nhuận thu được trên 50-174 triệu đồng/hộ.

Qua kết quả cho thấy nuôi cá biển bằng lồng HDPE mang lại hiệu quả cao. Khi người nuôi chuyển sang lồng HDPE, độ bền của lồng cũng như sức chống chịu trước biến đổi khí hậu như bão, sóng, gió sẽ tốt hơn lồng bè bằng gỗ. Cùng với đó, người nuôi sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại thủy sản nuôi khi có bão đổ bộ vào.

Ngoài ra, khi các địa phương thay vật liệu gỗ sang vật liệu HDPE sẽ giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng tốt hơn. Đặc biệt, khi chúng ta sử dụng lồng HDPE sẽ giúp đưa các thiết bị tiên tiến vào trong quá trình nuôi, từ đó thu được hiệu quả nuôi cao và bền vững.

 

Hình: Mô hình nuôi cá mú trân châu và khế vằn bằng lồng HDPE tại xã Tiên Hải, Tp Hà Tiên.

 

Hiện nay, mô hình nuôi thủy sản bằng lồng vật liệu HDPE đã mang lại hiệu quả vượt trội về kinh tế cho người dân, điển hình tại một số huyện như: Kiên Hải, Tp. Hà Tiên, Tp. Phú Quốc... Mô hình này sẽ còn được nhân rộng và phát triển hơn, khi vừa bảo đảm được lợi ích kinh tế, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như giúp nghề nuôi biển phát triển lâu dài và bền vững.

Việc sử dụng lồng vật liệu HDPE để nuôi cá biển sẽ một hướng nuôi mới cho nghề nuôi cá lồng bè trên biển phát triển bền vững, hạn chế rủi ro, góp phần nâng cao sản lượng nuôi biển của tỉnh theo đề án nuôi biển mà tỉnh đang triển khai.

Để nhân rộng mô hình chuyển đổi từ lồng nuôi cá truyền thống sang lồng vật liệu HDPE được nhanh chống, đáp ứng theo đề án phát nuôi biển của tỉnh thì cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

 

Hình: Mô hình nuôi cá mú trân châu và khế vằn bằng lồng HDPE tại Nam Du, huyện Kiên Hải.

 

(1) Cần quy hoạch và giao mặt nước biển cho người dân để họ phát triển nuôi biển theo hướng an toàn và hiệu quả.

(2) Cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển.

(3) Tổ chức lại sản xuất áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật mới từ khâu con giống cho đến đầu ra của sản phẩm.

(4) Tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị để tạo đầu ra cho sản phẩm thủy sản được mở rộng.

(5) Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để người dân có cơ hội tiếp cận công nghệ mới, công nghệ hiện đại và áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

(6) Tăng cường triển khai tốt các dự án/chương trình ứng dụng công nghệ hiện đại trong nuôi biển để làm mô hình mẫu cho người dân tham quan học tập và định hương nhân rộng trên địa bàn.

Danh Nhiệt-TT Khuyến Nông tỉnh KG