Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Khoa học công nghệ

Xem với cỡ chữAA

Hai giống lúa chống chịu phèn và mặn được vinh danh

(15:57 | 17/01/2017)

Tập thể tác giả viện lúa đồng bằng sông cửu long chọn tạo hai giống lúa OM5451 và OM6976 được nhận giải nhà nước về khoa học và công nghệ lần thứ 5. 

Tối nay 15/01/2017, thông qua Đài VTV1, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã vinh danh các tác giả của 02 giống lúa OM5451 và OM6976 của Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhận giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (KH&CN) lần thứ 5 tại Hà Nội (2017). Sau đây là hồ sơ lịch sử và những đặc tính nổi bật của 02 giống lúa OM5451 và OM6976, đặc biệt tính chống mặn của OM6976 trong thời kỳ biến đổi khí hậu đã và đang đến gần; chống chịu phèn của OM5451 mà đất phèn còn hiện diện rất nhiều ở ĐBSCL và hơn cả 02 giống lúa này cung cấp khá cao hàm lượng dinh dưỡng sắt, một vi chất rất cần thiết tạo nên hemoglobin để vận chuyển ôxy từ phổi đến tất cả các cơ quan. Tham gia vào quá trình tạo thành myoglobin, sắc tố hô hấp của cơ. Sắt tham gia vào cấu tạo của nhiều enzym. Đặc biệt, trong chuỗi hô hấp sắt đóng vai trò vận chuyển điện tích. Sắt tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể. Sắt cần thiết cho tất cả mọi người, nhưng vô cùng quan trọng đối với trẻ em, nhu cầu sắt ở trẻ còn bú mẹ tăng gấp 7 lần so với người lớn tính theo trọng lượng cơ thể. Thiếu sắt dẫn đến thiếu máu não làm cho trẻ mệt mỏi hay ngủ gật, thiếu tập trung trong giờ học dẫn đến học tập sút kém. Thiếu sắt còn ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể: ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa: trẻ biếng ăn, viêm teo gai lưỡi, khó nuốt, kém hấp thu, độ toan dạ dày giảm. Ảnh hưởng đến hệ thần kinh: mệt mỏi, kích thích, rối loạn dẫn truyền thần kinh.

GIỐNG LÚA OM5451

Tác giả: Trần Thị Cúc Hòa, Phạm Trung Nghĩa, Huỳnh Thị Phương Loan, Viện Lúa ĐBSCL. Giống lúa OM5451 được công nhận chính thức theo Quyết định số 711/QĐ-TT-CLT ngày 07/12/2011. Giống lúa OM5451 được bảo hộ theo Quyết định số 127/QĐ-BNN-TT, ngày 17/01/2012.

Tổ hợp lai:

Giống lúa OM5451 được lai tạo từ Jasmine 85 x OM2490 từ năm 2003 theo phương pháp phả hệ. Giống lúa OM5451 được chọn tạo theo mục tiêu lúa giàu sắt và chất lượng cao từ. Giống lúa OM5451 là giống lúa cao sản, ngắn ngày (90-95 ngày đối với lúa gieo sạ). Giống cứng cây, kháng đổ ngã, khả năng đẻ nhánh khỏe, chiều cao cây 100-110 cm, bông dài trung bình (23-25 cm), số hạt chắc/bông 70-80. Trọng lượng 1000 hạt 25-26 g. Giống lúa OM5451 có hạt gạo đẹp, thon dài ít bạc bụng, chiều dài hạt gạo 7,01-7,05 mm, tỷ lệ gạo nguyên đạt 55%, hàm lượng amylose 18%, cơm mềm. Phẩm chất gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đặc biệt giống OM5451 có hàm sắt trong gạo cao (6,7-6,8 mg/kg gạo trắng). Giống lúa OM5451 có khả năng kháng trung bình Rầy nâu và bệnh Đạo ôn, ít bị bệnh vàng lùn, Lùn xoắn lá. Giống thích nghi ở phù sa ngọt đến phù sa nhiễm phèn, đang sản xuất trên diện rộng ở 13 tỉnh ĐBSCL. Năng suất đạt 6-8 tấn/ha.

Nguồn gốc

Giống lúa OM5451 được chọn từ tổ hợp lai Jasmine 85/OM 2490. Được công nhận chính thức theo Quyết định số 711/QĐ-TT-CLT ngày 07/12/2011.

Thời gian sinh trưởng

88 - 95 ngày

Chiều cao cây

90 - 100 cm

Chiều dài hạt

6,95 mm

Trọng lượng 1000 hạt

25 – 26 gram

Phẩm chất gạo

Gạo hạt dài, ít bạc bụng, mềm cơm

Sâu bệnh

Chống chịu Rầy nâu và bệnh Đạo ôn khá, chống chịu bệnh Vàng lùn, Lùn xoắn lá khá

Năng suất

6 – 8 tấn/ha

Đặc tính khác

Trổ tập trung, có dạng hình đẹp, tương đối cứng cây, khả năng đẻ nhánh khá, bông đóng hạt dầy, tỉ lệ lép thấp; chịu phèn và mặn khá;

 

GIỐNG LÚA OM6976

Tác giả: Trần Thị Cúc Hòa và Nhóm nghiên cứu Viện Lúa ĐBSCL. Giống lúa OM6976 được lai tạo và tuyển chọn từ chương trình lai tạo giống lúa giàu sắt thực hiện với sự tài trợ kinh phí của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) từ 2001-2007 và đề tài cơ sở “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa giàu vi chất dinh dưỡng và có năng suất, chất lượng cao” từ năm 2008-2010 do Bộ môn Công nghệ sinh học, Viện Lúa ĐBSCL thực hiện. Mục tiêu của chương trình lai tạo giống lúa giàu sắt là nhằm tạo ra các giống lúa có hàm lượng sắt cao trong gạo trắng, đạt từ 6-8mg/kg và thích nghi với điều kiện canh tác của ĐBSCL nhằm góp phần giảm bớt tỷ lệ người bị các bệnh liên quan đến thiếu sắt, đặc biệt là nông dân nghèo ở các vùng xa, vùng sâu.

Tổ hợp lai:

Giống lúa OM6976 được lai tạo từ tổ hợp lai IR68144/OM997//OM2718///OM2868. Đây là giống có hàm lượng vi chất dinh dưỡng sắt khá cao trong hạt gạo. OM6976 là giống có thời gian sinh trưởng khoảng 95-97 ngày đối với lúa sạ và 100-105 ngày khi cấy. Giống OM6976 chiều cao cây 100-110 cm, đặc biệt rất cứng cây (cấp 1). Khả năng đẻ nhánh khỏe, đạt 9-11 chồi hữu hiệu/bụi. OM6976 có bông dài trung bình, từ 25-28 cm, số hạt chắc/bông đạt từ 150-200, đóng hạt dày, hơi dai hạt, hạt thon dài, trọng lượng 1000 hạt khoảng 25-26 gram. Hạt gạo giống lúa OM6976 đẹp, thon dài, hàm lượng amylose 24-25%. Điểm nổi bật về chất lượng gạo của OM6976 là có hàm sắt trong gạo cao (7 mg/kg gạo trắng). Giống lúa OM6976 có khả năng kháng trung bình Rầy nâu (cấp 3-5) và bệnh Đạo ôn  (cấp 3-5 ), ít bị bệnh Vàng lùn, Lùn xoắn lá. Khả năng chống chịu mặn  3-4 ‰, khả năng chống chịu phèn khá tốt. Tiềm năng năng suất cao, có thể đạt 9 tấn/ha.

Với những ưu điểm trên, giống lúa OM6976 đã  được Cục Trồng trọt công nhận đặc cách chính thức giống lúa thuần tại các tỉnh vùng ĐBSCL, theo Quyết định số 711/QĐ-TT-CLT ngày 07/12/2011. Giống OM6976 là một trong những giống nhận được giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam 2012.

Nguồn gốc

Giống lúa OM6976 được chọn từ tổ hợp lai IR68144/OM997//OM2718. Giống được công nhận chính thức theo Quyết định số 711/QĐ-TT-CLT ngày 07/12/2011.

Thời gian sinh trưởng

95-100 ngày

Chiều cao cây

100-105 cm

Chiều dài hạt

6,70 mm

Trọng lượng 1000 hạt

25-26 gram

Phẩm chất gạo

Hạt gạo dài trung bình, trong, ít bạc bụng, cơm vẫn còn hơi mềm khi nguội.

Sâu bệnh

Chống chịu Rầy nâu và bệnh đạo ôn tốt, chống chịu bệnh VL - LXL khá.

Năng suất

7 – 8 tấn/ha

Đặc tính khác

dạng hình đẹp, rất cứng cây, đẻ nhánh ít, bông to chùm, đóng hạt dầy, chịu phèn và mặn khác.

 

                                                                                                                                                                                               

TS.Nguyễn Xuân Niệm