Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Khoa học công nghệ

Xem với cỡ chữAA

Kiên Lương tổ chức hội thảo mô hình nuôi tôm chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn 2017

(13:50 | 22/12/2017)

 Sáng ngày 21/12/2017, tại Trại thực nghiệm và sản xuất giống thủy sản Ba Hòn ấp Tà Săng xã Dương Hòa huyện Kiên Lương tỉnh Kiên Giang. Hội Nông dân huyện Kiên Lương phối hợp với Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến Nông huyện tổ chức hội thảo về mô hình nuôi tôm chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn năm 2017.

 

 

Ảnh tham quan mô hình nuôi tôm chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn

Đến dự hội thảo, về cấp tỉnh: Đại diện Ban giám đốc Trung tâm Khuyến nông. Về cấp huyện: Đồng chí Nguyễn Thành Thật-phó chủ tịch Hội Nông dân huyện. Đồng chí Trần Đức Thắng-Phó trưởng phòng Kinh tế huyện. Đại diện lãnh đạo Trạm Khuyến Nông.

+ Cấp xã: Đại diện lãnh đạo UBND xã, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, xã Đoàn, tổ kinh tế kỹ thuật xã Dương Hòa.

+ Bí thư Chi bộ ấp, Trưởng ấp, Chi hội trưởng Hội Nông dân ấp và hộ ông Nhan Hồng Phúc tham gia mô hình “Nuôi tôm chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn năm 2017”. Các hộ dân nuôi thâm canh-bán thâm canh. Đài truyền thanh huyện đến dự và đưa tin.

Để hạn chế nguy cơ dịch bệnh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là bước cải tiến trong quy trình nuôi tôm công nghiệp. Theo đó quy trình nuôi được thực hiện như sau: giai đoạn I, tôm giống cỡ post 11 - 12 được ương vèo trong ao (500m2) lót bạt đáy có mái che bằng lưới lan 100%, mật độ 600 con/m2, thời gian 25 - 30 ngày. Sau đó chuyển sang nuôi diện rộng trong giai đoạn II, ao (2.000m2) lót bạt đáy có mái che bằng lưới lan 50%, mật độ 150 con/m2, thời gian nuôi đến thu hoạch 60 - 75 ngày.

Ảnh hội thảo mô hình nuôi tôm chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn

Kết quả:  mô hình tại ấp Tà Săng xã Dương Hòa có tỷ lệ tôm nuôi sống đạt 80%, hệ số thức ăn cả 2 giai đoạn 1,38/kg tôm, cỡ tôm thu hoạch trung bình 37 con/kg, sản lượng 6,6 tấn tôm thương phẩm, giá bán 161.000 đồng/kg, doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Sau khi trừ chí phí trực tiếp và khấu hao tài sản, còn lợi nhuận 450 triệu đồng, với tỷ suất lợi nhuận lên đến hơn 78%.

Nuôi theo hình thức trên sẽ kiểm soát được môi trường, nhà che lưới lan hạn chế ảnh hưởng của nhiệt độ và ánh sáng cao, hạn chế dịch hại, các ký chủ trung gian có thể mang mầm bệnh lây lan qua tôm nuôi. Đồng thời quản lý tốt lượng thức ăn (tránh dư thừa), tôm nuôi bị hao hụt thông qua hệ thống xi phon hằng ngày.

Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu đều đánh giá cao hiệu quả của mô hình, giảm được rủi ro do thời tiết khắc nghiệt và dịch bệnh thường xuyên xảy ra so với quy trình nuôi ao đất truyền thống. Nếu khai thác tốt, mô hình không chỉ giúp tăng năng suất, sản lượng mà còn tăng vụ nuôi trong năm (đạt 3 vụ/năm) trên cùng diện tích nuôi.

Tuy nhiên, mô hình có mức đầu tư ban đầu tương đối cao, do phải cải tạo, làm mới lại toàn bộ hệ thống nuôi, gồm: ao lắng, ao chứa, ao xử lý, ao sẵn sàng nuôi giai đoạn I và II. Hệ thống bơm rút nước đáy tránh cho bạt bị phồng gây thẩm thấu ngược. Bạt lót đáy loại HDPE. Mô hình nuôi 2 giai đoạn trong ao có lót bạt và mái che là rất thích hợp trong bối cảnh hiện nay, cần khuyến khích phát triển. Khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn vốn đầu tư, rất cần có chính sách để ngân hàng vào cuộc hỗ trợ vốn vay cho nông dân đầu tư ban đầu.

Thanh Tuấn - HND Kiên Lương