Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Khoa học công nghệ

Xem với cỡ chữAA

Cần một giải pháp đúng cho chăn nuôi trang trại ở huyện giồng riềng

(09:32 | 14/03/2018)

 Với lợi thế một huyện được thiên nhiên ưu đã về mọi mặt, nước ngọt quanh năm,nhiệt độ, ẩm độ rất thuận lợi cho phát triển ngành chăn nuôi. Hiện tại tổng đàn gia súc, gia cầm tại huyện Giồng Riềng đang đứng đầu tỉnh, với đàn heo xấp xỉ 100.000con, đàn gia cầm trên 2 triệu con. Thu nhập từ nghề chăn nuôi của người dân Giồng Riềng đang đóng một vai trò rất tích cực trong nền kinh tế của huyện. Tuy nhiên tập quán chăn nuôi vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, manh mún, còn ẩn chứa nhiều rủi ro về dịch bệnh. Mười năm gần đây, dịch bệnh gia súc, gia cầm liên tiếp xảy ra như dịch cúm gia cầm năm 2004, dịch Tai xanh heo năm 2010,chúng ta phải tiêu hủy trên 20.000gia cầm, gần 500 heo, thiệt hại về tài sản của nhân dân là tương đối lớn. Bên cạnh đó việc chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, sản phẩm làm ra mang tính hàng hóa không cao, giá cả đầu ra bấp bênh, thường bị tư thương ép giá, mua rẻ, người chăn nuôi thường bị thua lỗ hoặc cùng lắm là hòa vốn. Ngược lại, chăn nuôi trang trại sẽ hạn chế được những rủi ro về dịch bệnh trên cơ sở thực hiện nghiêm túc quy trình chăn nuôi tiên tiến.

 

          Dưới ánh sáng Nghị quyết Huyện Đảng bộ lần thứ X, đã phát động, nhân rộng các mô hình sản xuất đa canh tổng hợp, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, thực hiện liên kết chặt chẽ 4 nhà: Nhà nước, Nhà nông, Nhà Khoa học, Nhà Doanh nghiệp. Tuy nhiên ở từng thời điểm, nhiều lúc, nhiều nơi sự vận hành này vẫn còn có nhiều trở ngại, đó chính là căn nguyên kìm hãm sự phát triển của ngành chăn nuôi. Chỉ nói riêng ở huyện Giồng Riềng, mặc dù tổng đàn chăn nuôi luôn luôn cao nhất tỉnh, song nhìn chung mức độ phát triển so với tiềm năng thì  vẫn là ở mức khiêm tốn.

Hiện nay Giồng Riềng mới chỉ có xã Long Thạnh, hiện có 4 trại heo thịt, 4 trại gà thực hiện chăn nuôi theo hướng hiện đại, áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, hiệu quả kinh tế cao. Đây là những mô hình chăn nuôi trang trại có sự liên kết 4 nhà thực thụ với sự vận hành khá hoàn hảo. Người dân tự bỏ mặt bằng, đầu tư vốn từ nguồn vốn vay ngân hàng, đầu tư xây dựng chuồng trại theo thiết kế của Nhà doanh nghiệp đó là Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam, đồng thời chịu trách nhiệm đầu tư máy móc phục vụ trong quá trình sản xuất, chịu trách nhiệm khâu chăn sóc, theo dõi sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm trong trại. Phía công ty Chăn nuôi CP Việt Nam đầu tư con giống, thức ăn công nghiệp, chịu trách nhiệm khâu theo dõi tình hình dịch bệnh, tổ chức tiêm phòng định kỳ theo đúng quy trình kỹ thuật, chịu trách nhiệm tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi khảo sát về mức độ đầu tư và thu nhập của một số trang trại, thì thấy hiệu quả kinh tế của các mô hình liên kết này quả là hết sức lý tưởng. Anh Lê Gia Khang là người mở trang trại từ năm 2001, những năm đầu anh nuôi gà thịt giống gà trắng, mỗi năm thu về 5 lứa nuôi, mỗi lứa công ty Cp trả 45-55 triệu đồng, trừ hết chi phí và công lao động anh còn thực lãi trên 100 triệu đồng/năm, sau 4 năm anh thu hồi toàn bộ vốn đầu tư ban đầu và từ năm 2006 đến nay anh lời trọn vẹn. Năm 2010, anh Khang tiếp tục bỏ thêm 1.6 tỷ đồng đầu tư xây dựng một trại heo thịt quy mô 1000con. Mỗi năm nuôi 2.5 lứa heo, Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam trả cho anh 360 triệu đồng/lứa, trừ hết chi phí tiền điện, nước, tiền lãi ngân hàng, tiền công lao động anh còn lãi 200 triệu đồng/lứa nuôi, mỗi năm anh lời trên 400 triệu đồng, sau 4 năm anh Khang thu hồi toàn bộ vốn đầu tư, bắt đầu từ năm 2014 anh sẽ lời trọn vẹn. Anh Đặng Quốc Khải ấp Đường Xuồng nhờ có 8 công đất vườn của Cha mẹ để lại, năm 2011 với 300 triệu đồng vốn tự có của gia đình, anh mạnh dạn vay thêm ngân hàng 1.5 tỷ đồng đầu tư xây dựng trại heo thịt quy mô 1.200 con, nuôi gia công cho công ty Chăn nuôi CP Việt Nam. Năm 2013 anh xuất được 2 lứa heo thịt trọng lượng bình quân khi xuất chuồng 97kg/con, sau 5 tháng nuôi. Phía công ty trả cho anh 457.5 triệu đồng/lứa, Sau khi đã trừ chi phí lao động, điện, nước, khấu hao tài sản, trả lãi ngân hàng, anh còn thực lãi 242.5 triệu/lứa nuôi. Sau 4 năm anh Khải sẽ lấy lại hết số vốn đầu tư, từ năm 2017 trở đi anh sẽ lời trọn vẹn trên 400 triệu đồng/năm. Nhìn thấy mô hình chăn nuôi khép kín, thực hiện liên kết với công ty Chăn nuôi Cp Việt Nam mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dân đã đến học hỏi làm theo, như anh Trần Quang Đồi người dân ở huyện Hòn Đất về đây mua trên 1ha đất, đầu tư trang trại chăn nuôi 1.300con heo thịt, thu nhập thực lãi từ 400-450 triệu đồng /năm. Anh Nguyễn Đìng Cương, ông Nguyễn Văn Diện xã Long Thạnh đầu tư mở trang trại nuôi giống gà thịt Tam Hoàng cũng đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm thực lãi trên 100 triệu đồng từ chăn nuôi gà. Trong thời điểm hiện nay, khi mà giá cả đầu ra sản phẩm rất bấp bênh, tính rủi ro cao thì mô hình chăn nuôi khép kín có sự liên kết giữa Nhà nước, Nhà Nông, Nhà Khoa học và doanh nghiệp chắc chắn sẽ khắc phục được nhiều hạn chế, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thực tế cho thấy mô hình chăn nuôi trang trại khép kín hiện đang là những mô hình lý tưởng mà rất nhiều người kỳ vọng. Ông Phạm Hoàng Dũng Giám đốc Quản lý vùng Nam Sông Hậu cho biết: “ Hiện nay Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam đã đầu tư cho Kiên Giang 26 mô hình chăn nuôi trang trại khép kín trong đó có 22 trang trại nuôi heo, sau 3.5 năm chăn nuôi, người dân sẽ có thu nhập ổn định ít nhất từ 350 triệu đến 400 triệu đống/năm. Đây là mô hình chăn nuôi tập trung khép kín, thực hiện quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, mang tính bền vững cao, thân thiện với môi trường, quản lý được tình hình dịch bệnh, đạt hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam vẫn tiếp tục định hướng phát triển thêm từ 10-15% số trang trại trên cơ sở cân đối nguồn con giống, thức ăn và đầu ra sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường”.

Một câu hỏi đặt ra rằng tại sao chúng ta không nhân rộng, mở rộng mô hình để có thêm nhiều triệu phú từ nghề chăn nuôi. Câu trả lời chỉ có thể có được là hãy tìm ra một giải pháp đúng cho mô hình chăn nuôi trang trại phát triển. Đây quả thực là một bài toán khó, cần sớm tìm ra lời giải. Chúng ta đều biết, muốn có trang trại theo kiểu công nghiệp hiện đại thì phải có đất, có mặt bằng rộng, có đủ điều kiện về môi trường, về nhân lực, về trình độ khoa học kỹ thuật nhất định. Tất cả những yếu tố trên không phải là khó. Cái khó nhất ở đây là nguồn vốn đầu tư. Vốn có thể vay ngân hàng, vì tiền nằm trong két sắt Ngân hàng, nhưng chìa khóa để mở két tiền lại nằm trong tay Nhà nước đó là cơ chế quản lý cho vay. Đâu phải ai cũng muốn vay là được, phải có tài sản thế chấp, mà lấy gì để làm tài sản thế chấp? Vì vậy nhiều nông dân rất tâm huyết với việc đầu tư chăn nuôi trang trại nhưng đều “lực bất tòng tâm”, vì vậy chăn nuôi trang trại vẫn còn tồn tại trong cái vòng luẩn quẩn, trì trệ chưa phát triển được.

Thiết nghĩ cần có một giải pháp đúng đắn nhất, một cơ hợp lý, tạo điều kiện cho nông dân có thể tiếp cận được nguồn vốn đầu tư để mở trang trại hợp đồng liên kết chăn nuôi theo mô hình khép kín. Trên cơ sở Nhà nước quản lý chặt chẽ, thẩm định, giải ngân theo tiến độ công trình, lấy ngay trang trại làm vật thế chấp. Việc thu hồi vốn được thực hiện phân kỳ, người chăn nuôi trả dần theo từng lứa nuôi trong vòng từ 4 đến 5 năm. Ngành Ngân hàng cần có chính sách ưu đãi lãi suất cho vay đối với các mô hình chăn nuôi trang trại để các chủ trang trại có điều kiện mở rộng mô hình đồng thời khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi trạng trại.

Vũ Văn Bầu