Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Người nông dân mới

Xem với cỡ chữAA

Vươn lên làm giàu từ nuôi cá mú trân châu

(00:14 | 28/11/2024)

Nhắc đến những hộ nuôi trồng thủy sản thành công ở xã Thuận Yên (TP. Hà Tiên) không thể không nhắc đến anh Nguyễn Thanh Hải, ngụ ấp Ngã Tư. Với mô hình nuôi cá mú trân châu, anh Hải đã vươn lên trở thành điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế, mang lại thu nhập cao cho gia đình.

Cá mú trân châu là một loài cá nước mặn có giá trị kinh tế cao. Cá được ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon, thịt dai, béo ngậy và giàu dinh dưỡng. Cá mú trân châu có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, thu hút du khách và thực khách. Phát hiện được tiềm năng phát triển loại cá này, năm 2004, anh Hải đã bắt đầu nuôi thử nghiệm 1 ao cá mú trân châu. Ban đầu nuôi anh gặp không ít khó khăn, do thiếu kinh nghiệm và vốn đầu tư hạn hẹp nên cá chậm phát triển và hao hụt tương đối nhiều. Với tinh thần ham học hỏi, không nản lòng trước những khó khăn, anh Hải miệt mài học hỏi kinh nghiệm từ sách báo, internet và những người nuôi cá lâu năm.

Anh đầu tư vào hệ thống ao nuôi, hệ thống sử lý nước, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào việc cho cá ăn và phòng trị bệnh. Hiện nay, anh Hải đang áp dụng mô hình nuôi cá mú trân châu trong ao lót bạt HDPE. Nhờ áp dụng kỹ thuật nuôi tiên tiến, khoa học, anh Hải đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, nâng cao tỷ lệ sống và tăng trưởng của cá. Theo anh Hải để cá phát triển tốt, khâu sử lý nguồn rất quan trọng. Nếu nguồn nước sạch, đủ oxi, cá sẽ phát triển tốt, ít bệnh. Anh Hải đã đầu tư 2 ao để xử lý nước. Nước từ biển bơm vào ao số 1, anh Hải sẽ dùng vôi, thuốc để xử lý nước. Khi nước đạt yêu cầu về độ sạch, độ PH, sẽ chuyển qua ao số 2 để thả cá vào nuôi.

 

Anh Nguyễn Thanh Hải, ngụ ấp Ngã Tư, xã Thuận Yên (TP. Hà Tiên) cho cá mú trân châu ăn.

 

Bên cạnh đó, việc chọn giống cá phải có kích cỡ đồng đều, cá khoẻ mạnh, bơi nhanh, không dị tật, không có các dấu hiệu bệnh lý. Khi mới thả cá không cho ăn, sau vài ngày thì thả thức ăn từ từ, mỗi ngày cho ăn 2 lần buổi sáng sớm và lúc chiều tối. Đến khi cá lớn tần suất cho ăn thường 2 ngày một lần. “Ao nuôi tôi thiết kế hệ thống bơm khí, quạt nước, đảm bảo cung cấp đủ oxi cho cá. Cùng với đó, tôi sử dụng thức ăn công nghiệp có nguồn gốc rõ ràng, kết hợp cho ăn thêm thức ăn tươi sống như cá tạp để tăng cường dinh dưỡng cho cá” anh Hải nói.

Hiện nay, anh Hải đang nuôi cá mú trân châu trên diện tích gần 1,5ha. Mỗi đợt anh thả 24.000 con giống, mỗi con giống có chiều dài 6cm. Cá thường được anh Hải thả nuôi từ tháng 2 âm lịch đến khoảng tháng 11 âm lịch sẽ thu hoạch. Mỗi con cá thu hoạch có trọng lượng từ 0,9kg đến 1,2kg/con. Mỗi năm, anh xuất bán ra thị trường hơn 12 tấn cá, được các thương lái bao tiêu sản phẩm và cân tại ao, với giá bán trung bình từ 190.000 đến 250.000 đồng/kg. “Trước đây nuôi tôm công nghiệp, thu nhập bấp bênh lắm. Có năm thu lỗ, kinh tế gia đình cũng gặp không ít khó khăn. Từ khi nuôi cá mú trân châu thu nhập của gia đình tôi được ổn hơn, sau khi trừ đi chi phí, tôi thu lãi hơn 400 triệu đồng mỗi năm” anh Hải chia sẻ.

 

Anh Nguyễn Thanh Hải, ngụ ấp Ngã Tư, xã Thuận Yên (TP. Hà Tiên) kiểm tra độ PH của nước hàng ngày nhằm đảm bảo cá phát triển tốt.

 

Khi thành công trong việc nuôi trồng, anh  đã nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật cho người dân địa phương trong nuôi cá bóng mú trân châu. Anh thường xuyên hướng dẫn người dân cách thức nuôi cá mú trân châu hiệu quả. Mô hình đã góp phần tạo việc làm cho 2 lao động, với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng. “Mô hình nuôi cá mú trân châu của anh Nguyễn Thanh Hải là một điển hình cho sự phát triển kinh tế ở địa phương. Nhờ sự giúp đỡ của anh Hải, nhiều hộ gia đình đã áp dụng mô hình nuôi cá mú trân châu thành công, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này để thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản của xã phát triển” đồng chí Lý Thái Hưng - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Thuận Yên cho biết.

Danh Thành-Báo Kiên Giang