Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Người nông dân mới

Xem với cỡ chữAA

Những nông dân Khmer làm giàu, xây dựng quê hương ở Kiên Giang

(00:57 | 28/11/2024)

Nhanh chóng nắm bắt các tiến bộ khoa học kỹ thuật, với ý chí và kế hoạch phát triển kinh tế gia đình hợp lý, nhiều nông dân là đồng bào dân tộc Khmer ở Kiên Giang vươn lên và làm giàu chính đáng. Không những vậy, nhiều người trong số họ còn tích cực đóng góp sức mình để xây dựng quê hương.

QUYẾT CHÍ LÀM GIÀU

Chỉ từ 5 công đất làm lúa được cha mẹ cho ban đầu, đến nay ông Danh Út (60 tuổi), ở ấp Minh Tân, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) có trong tay hơn 11 ha lúa, thu nhập hàng năm chòm chèm tỷ đồng.

Ông Danh Út kể: Trước đây, vùng U Minh Thượng rất nhiều khó khăn, phương tiện máy móc, khoa học kỹ thuật chưa được áp dụng được trên đồng ruộng, người nông dân trồng lúa phải chịu thương chịu khó. Giữa lúc ấy, ông cũng như người dân nơi đây đứng trước hai ngã rẽ, một là tha hương, hai là bám trụ. Riêng ông Út đã chọn bám trụ trên chính đồng ruộng của mình. “Lúc ấy, không còn cách nào khác, tôi phải tính toán hợp lý lại, bằng cách tiết kiệm để có tiền mua thêm đất. Có tư liệu sản xuất, ngoài trồng lúa vợ chồng tôi trồng thêm vụ màu, nuôi cá, heo để có thêm lợi nhuận. Từ vùng đất chỉ trồng 1 vụ lúa mùa, năng xuất 5-7 giạ lúa/công, tôi cải tạo dần trồng lên 2 vụ lúa, năng suất 1,1 tấn-1,2 tấn/công, trồng thêm 1 vụ màu năng suất, lợi nhuận thậm chí cao hơn lúa”, ông Danh Út kể.

Chịu thương chịu khó, “tích tiểu thành đại” là phương châm hành động và làm giàu của ông Danh Út. Vào những năm 2010, khi mà ở địa phương chỉ nhất nhất trồng 2 vụ lúa, hoặc mía thì ông Danh Út đã đi học hỏi khắp nơi để trồng thêm 1 vụ màu trên nền đất lúa và nuôi cá đồng dưới ao ruộng. “Cũng với đơn vị diện tích ấy, nhưng có thể tăng thêm lợi nhuận là do mình siêng năng thôi. Cạnh đó, phải biết tiết kiệm con giống, thức ăn, tìm đầu ra hoa màu hợp lý là có lợi nhuận cao”, ông Út cho hay. Hàng năm, với trên 11 ha lúa cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Riêng vụ đông xuân vừa qua, lúa trúng mùa, trúng giá, kèm theo với nhiều huê lợi từ nuôi cá, hoa màu, ông Danh Út có thu nhập cả năm chòm chèm cả tỷ đồng.

 

Anh Thạch Le Ne thăm tôm trên vuông nuôi của mình.

 

Ở ấp Tà Săng, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương (Kiên Giang), nhiều người biết đến đảng viên người dân tộc Khmer là Thạch LeNe (40 tuổi), Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Núi Mây, ngụ cùng ấp bởi sự giàu có, giản dị nhưng đi đầu với ý chí làm giàu. Hơn 6 năm về định cư trên vùng đất phèn mặn, cằn cõi, nhờ sáng tạo trong nuôi tôm, cua, anh Ne có tài sản hơn 200 công đất; từ 2 vụ tôm, cua hàng năm, anh Ne thu về cả tỷ đồng.

Ly hương từ quê nhà tỉnh Trà Vinh, năm 2000, anh Thạch LeNe cùng cha mẹ và anh em về sinh sống ở huyện biên giới Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Canh tác lúa trên vùng đất nhiều năn bị chuột liên tiếp cắn phá, năng suất thấp, cuộc sống gia đình anh gặp nhiều khó khăn. Sau khi cưới vợ và di chuyển về vùng Tà Săng năm 2018, anh Thạch Le Ne mua 2 hecta đất phèn mặn giá rẻ, nhưng lại thích hợp nuôi tôm, cua.

Xác định tiềm năng này, anh Ne đi Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu tìm phương pháp nuôi tôm, cua hiệu quả. Năm 2018 là năm đầu tiên nuôi tôm quảng canh cho hiệu quả, anh Thạch Le Ne có ngay trong tay 200 triệu đồng. Có tiền tích lũy, anh Ne mua thêm đất liền kề. Tích cóp từng mùa vụ, đến nay vợ chồng anh Ne có tổng số diện tích lên 20 ha, hàng năm thu về từ 600-800 triệu đồng/2 vụ/năm. “Sau khi thả con giống xuống, người nuôi cần thường xuyên theo dõi xuyên xuốt quá trình sinh trưởng của tôm. Tùy từng thời điểm mà chủ động gây tảo, rong làm thức ăn thiên nhiên cho tôm nuôi khỏe mạnh, kết hợp với đảm bảo nguồn nước thích hợp cho tôm”, anh Ne chia sẽ. Cạnh đó, anh Thạch LeNe còn thả cua giống trong ao tôm để mang lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích. “Để mang lại lợi nhuận, người nuôi tôm cần tính toán thời điểm thu hoạch bán tôm để được giá cao. Tôi cũng thành lập Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Núi Mây để cung ứng con giống, thức ăn, vôi và liên kết thương lái, doanh nghiệp thu mua tìm đầu ra cho sản phẩm tôm, cua”, anh Ne bộc bạch.

Hay như ông Danh Hiệp (64 tuổi), ngụ ấp Hòa Hớn, xã Định Hòa, huyện Gò Quao (Kiên Giang), nhờ “tích tiểu thành đại”, đến nay ông có trong tay gần 40 công đất sản xuất lúa 2 vụ hiệu quả, với thu nhập 300-400 triệu đồng/năm. Bên cạnh tính toán hợp lý, tiết kiệm trong chi tiêu thì điều quan trọng nhất đối với ông Hiệp là sự cần cù, siêng năng nhằm giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận.

Ông Danh Hiệp cũng cho biết thêm, những năm qua, ngoài giao thông thuận lợi, thương lái vào tận đồng rộng múa lúa của dân với giá cao, thì để có hiệu quả, người trồng lúa phải tuân thủ, làm tốt và đúng theo phương châm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”.

XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG

Không chỉ làm giàu cho bản thân, những tấm gương đồng bào dân tộc Khmer như ông Danh Út, ông Danh Hiệp và anh Thạch Le Ne còn đi đầu công tác xã hội ở địa phương. “Anh Thạch Le Ne không chỉ giỏi trong nuôi tôm, cua, mà còn là đảng viên tích cực tham gia các hoạt động, phòng trào, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương”, anh Danh Xề Rây, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Tà Săng, nhận xét. Anh Ne tích cực cùng với ban lãnh ấp Tà Săng tham gia hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, như tranh chấp đất đai, hàn gắn vợ chồng.

 

Ông Danh Hiệp nuôi con thành đạt, xây nhà, tích cực xây dựng quê hương.

 

Ở địa phương, ông Danh Út là tấm gương dạy bảo các con thành đạt, giúp nhân dân địa phương noi theo. Trong số năm người con của ông Út, có hai người công tác trong ngành giáo dục, hai người làm ngành y tế địa phương. Ngoài chức danh Phó Bí thư Chi bộ, Phó Trưởng ấp Minh Tân, ông Danh Út hiện còn được đồng bào Khmer tin tưởng, bầu chọn là người có uy tín ở địa phương. Với các vai trò này, ông làm “cầu nối” hiệu quả giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc với nhân dân, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trong phum sóc, diện mạo nông thôn của huyện vùng sâu U Minh Thượng ngày càng khởi sắc. Ông Danh Em, ngụ ấp Minh Tân cho biết, trước đây gia đình khó khăn, nhờ có ông Danh Út tuyên truyền, vận động chăn nuôi gà, vịt, lợn, trồng thêm hoa màu, cây ăn quả, nuôi cá đồng… nên gia đình đã thoát nghèo vươn lên, không còn là hộ khó khăn. Cạnh đó, thời gian qua, ông Danh Út còn là tấm gương sáng trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Khmer và là “hạt nhân” quan trọng trong các ngày lễ, Tết của đồng bào Khmer khi tham gia trong đội nhạc (nhạc dân tộc Khmer) phục vụ người dân nên ai cũng quý mến.

Cuộc sống kinh tế gia đình khá giả, các con đều được học hành và thành đạt, hiện ông Danh Hiệp tích cực tham gia vào ban lãnh ấp Hòa Hớn tích cực vận động nhân dân tham gia các phần việc của người dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao; tích cực mang tiếng nói uy tín của mình giam gia hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

Lê Vinh-Báo Nhân Dân tại Kiên Giang