Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Người nông dân mới

Xem với cỡ chữAA

Ấp nghèo siêng năng

(08:43 | 15/11/2016)

 Tân Quới từng là ấp có số hộ nghèo nhiều nhất xã Tân Hiệp A (Tân Hiệp). Nhưng 5 năm trở lại đây, cây màu đã làm thay đổi đáng kể đời sống ấp Tân Quới, góp phần giảm hộ nghèo của ấp từ 5,7% năm 2010 còn 3,1% cuối năm 2015.

 

          Làm lúa không có dư, vợ chồng chị Nguyễn Thị Mỹ Xuyên chuyển 3,5 công ruộng sang trồng dưa leo, khổ qua. Vào vụ thu hoạch, mỗi ngày gia đình chị Xuyên thu hoạch 500kg, với giá 8.000 đồng/kg như hiện nay, chị lãi hơn 20 triệu đồng/vụ từ 3,5 công rẫy. Theo chị Xuyên, mỗi năm gia đình chị trồng được từ 4-5 vụ màu, thu lãi 100 triệu đồng. Với thành tích này, từ năm 2013 đến nay, gia đình chị được công nhận là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã, huyện. Cạnh ruộng dưa leo của chị Xuyên là 4 công dưa leo của anh Nguyễn Văn Cường cũng đang bắt đầu cho thu hoạch. Anh Cường tâm sự: “5 năm nay, cứ trên bờ mình trồng  bắp, khổ qua, dưới ruộng mình trồng dưa leo thì ít nhất cũng lời 40 triệu đồng/năm, lúc được giá thì lời gần 100 triệu đồng. Ở đây bờ bao kiên cố, đường bê tông tới ruộng nên trồng màu là sống khỏe”.

 



    Ảnh: Đ/c Phan Kim Loan (bìa trái) - Huyện ủy viên, Chủ tịch HND huyện Tân Hiệp thăm mô hình trồng khổ qua của hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện Nguyễn Thị Mỹ Xuyên, ngụ ấp Tân Quới, xã Tân Hiệp A (Tân Hiệp).

Thấy bà con trong ấp trồng màu thoát nghèo, vợ chồng ông Đinh Hữu Bằng, 52 tuổi, lân la tìm cách học tập để về áp dụng. Nhờ cần cù, siêng năng, nên chỉ sau 2 vụ màu đầu tiên, ông Bằng đã nắm được kỹ thuật trồng dưa leo, khổ qua bằng màng phủ nông nghiệp. Quệt mồ hôi trên trán, ông Bằng nói: “Mình đất ít thì trồng màu mau thu hoạch hơn. Làm lúa 3 tháng trời thì lời 2 triệu đồng/vụ là cùng, còn trồng màu thì khoảng 25 ngày đã cho thu hoạch, tuy cực hơn trồng lúa lời ít nhất cũng 5-7 triệu đồng/công/2 tháng”. Hơn 1 năm trước, gia đình ông Bằng, từng là hộ thuộc diện khó khăn của ấp. Ngoài 2,5 công ruộng, vợ chồng ông Bằng phải vất vả làm thuê, giăng câu, thả lưới mới đủ lo cho cuộc sống gia đình. Nhưng từ khi chuyển 2 công ruộng sang trồng dưa leo, khổ qua, cuộc sống gia đình ông Bằng đã bớt phần chật vật.  



Ảnh : Đ/c Phan Kim Loan (bìa trái) - Huyện ủy viên, Chủ tịch HND huyện Tân Hiệp thăm mô hình trồng dưa leo của ông Đinh Hữu Bằng, ngụ ấp Tân Quới, xã Tân Hiệp A (Tân Hiệp).

Đất canh tác quá ít, chỉ 1-2 công/hộ là một trong những nguyên nhân chính khiến đời sống người dân ấp Tân Quới gặp nhiều khó khăn. Nhờ cần cù, siêng năng, nhiều hộ nghèo như chị Xuyên, ông Bằng đã thoát cảnh khó khăn, vươn lên khá giả. Hiện trong ấp có 140 hộ sản xuất có lợi nhuận từ 50 - 100 triệu đồng/năm. Đồng chí Lê Thanh Tòng - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Tân Quới, phấn khởi nói. “Có sự thay đổi này, ngoài sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, người dân nơi đây rất siêng năng, cần cù, tiết kiệm, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau thoát nghèo. Nhờ đó mà tạo động lực giúp ấp Tân Quới từng bước xóa nghèo, vươn lên phát triển”.

 Tháng 4-2016, 7 hộ dân ấp Tân Quới, xã Tân Hiệp A (Tân Hiệp) đã kiến nghị thành lập tổ hợp tác trồng màu với 8ha sản xuất dưa leo, khổ qua, bí đao, ớt... và đã được Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Tân Hiệp cho vay 35 triệu đồng để phát triển sản xuất. 

AN LÂM