Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Dân Vận Chính Quyền

Xem với cỡ chữAA

Nông dân phải sản xuất cái thị trường cần

(09:04 | 20/09/2018)

       Tại buổi làm việc của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh với Hội Nông dân tỉnh (HNDT) về công tác phối hợp, phát triển sản xuất giữa Hội Nông dân với UBND các cấp, các sở, ngành của tỉnh, chiều 18-9, đồng chí Phạm Vũ Hồng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh: “Nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất, phải chuyển đổi sản xuất nông sang làm kinh tế nông nghiệp, sản xuất theo nhu cầu thị trường, không thể chỉ bám cây lúa trồng hoài. Chính quyền địa phương phải tích cực tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy sản xuất, nói nôm na là phải bán cái thị trường cần chứ không phải cái chúng ta có. Phải chấp nhận quy luật kinh tế thị trường để tránh được mùa, mất giá, sản xuất hiệu quả hơn”.

Ảnh: Bà con nông dân phường Vĩnh Thông (TP. Rạch Giá) thu hoạch lúa thu đông 2018.

Theo đồng chí Phạm Vũ Hồng, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh thành công hay không là do nông dân, bởi nông dân là chủ thể thực hiện đề án này. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún, còn tình trạng được mùa, mất giá, gây khó khăn cho quá trình chuyển đổi sản xuất. Đồng chí Phạm Vũ Hồng đề nghị HNDT phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để tham mưu UBND tỉnh có cơ chế, chính sách kịp thời thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, mục tiêu cuối cùng là cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, xây dựng nông thôn mới; HNDT cần phát huy vai trò tổ chức chính trị - xã hội, là cánh tay nối dài của Đảng, nhà nước; phối hợp Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tuyên truyền, giáo dục thay đổi nhận thức của người nông dân chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang nền kinh tế nông nghiệp.

Đồng chí Phạm Vũ Hồng đề nghị ngành Nông nghiệp phải sử dụng chiến lược chi phí thấp, tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất để giúp nông dân tăng thu nhập; phối hợp HNDT ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, trước hết ưu tiên vốn ngân sách để đầu tư 1-2 mô hình điểm sau đó nhân rộng; Liên minh Hợp tác xã tỉnh phát huy hiệu quả từ mô hình hợp tác xã kiểu mới có sự tham gia của doanh nghiệp để tận dụng trình độ quản trị, giúp nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; HND các cấp trong tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người dân.

Thời gian qua, HNDT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, hình thức, số lượng khen thưởng đối với phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2016-2020. Số hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đăng ký tăng 30%, có 52.476 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. HNDT đã thành lập được Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, 8/15 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện. Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương và trong tỉnh, trên 40 tỷ đồng đã hỗ trợ 9.121 lượt hộ nông dân vay vốn xây dựng 815 mô hình, dự án.

Ảnh: Các đồng chí: Nguyễn Hồng Lý (bìa trái) - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Đặng Tuyết Em (thứ hai, từ trái qua) - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh tham quan gian hàng trưng bày trái cây đặc sản của Kiên Giang tại Festival Nông nghiệp - Ngư nghiệp lần thứ I tỉnh Kiên Giang năm 2017 do Hội Nông dân tỉnh phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức, tháng 10-2017.

HNDT phối hợp với UBND tỉnh và Quỹ Thiện Tâm Tập đoàn VinGroup triển khai Chương trình cho vay bò cái giống sinh sản hỗ trợ 1.000 bò, trâu cái giống cho nông dân nghèo, cận nghèo tại 11 địa phương trong tỉnh, giúp nhiều hộ có điều kiện sản xuất, chăn nuôi, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. HNDT đã phối hợp UBND tỉnh tổ chức thành công Festival Nông nghiệp - Ngư nghiệp lần thứ I tỉnh Kiên Giang giới thiệu được những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh, giúp nông dân nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường. HNDT đã phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm 62.539ha năm 2017, giúp giảm tổng lượng giống khoảng trên 5.600 tấn/năm tương đương 67 tỷ đồng/năm; phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh vận động thành lập được 379 mô hình kinh tế tập thể làm ăn có hiệu quả, trong đó, đã hỗ trợ vốn 34,5 tỷ đồng cho 169 hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển sản xuất; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng thành công nhiều thương hiệu nông sản như: Khóm Tắc Cậu, mật ong U Minh Thượng, sầu riêng Hòa Thuận, khoai lang Bông Súng... công nhận nghề truyền thống đan đát tại xã Tân Thành (Tân Hiệp), nghề truyền thống làm mắm ruốc, đường thốt nốt xã Bình An (Kiên Lương).

Đặng Linh