Ảnh: Ban Chủ tọa Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016-2018.
Ban Chủ tọa Hội nghị là ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh; ông Đỗ Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, kiêm Phó trưởng Ban Chỉ đạo cùng ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT và các thành viên Ban Chỉ đạo; ngoài ra còn các đại diện các sở, ban ngành liên quan; các phóng viên báo, đài đến đưa tin.
Theo báo cáo sơ kết, tính đến cuối tháng 9/2018, toàn tỉnh có 1 huyện (Tân Hiêp) đạt chuẩn và 57 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM, trong đó 49 xã đã công nhận đạt chuẩn NTM. Bình quân toàn tỉnh đạt 15,8 tiêu chí/xã (cao hơn bình quân cả nước là 14,6 tiêu chí/xã). Các địa phương có số xã đạt chuẩn NTM cao là: Tân Hiệp (9/10 xã), Giồng Riềng (15/18 xã), Gò Quao (7/10 xã), Kiên Lương (5/7 xã), Vĩnh Thuận (4/7 xã). Theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ X thì cuối 2020, tỉnh phải có 03 huyện đạt chuẩn NTM, hiện nay mới có 01 (Tân Hiệp) vậy chỉ đạo để được công nhận 02/04 huyện tiềm năng đạt chuẩn NTM là Giồng Riềng, Kiên Lương, Gò Quao, Vĩnh Thuận. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2018 ước đạt 42,7 triệu đồng/người/năm, tăng 1,45 lần so với năm 2015.
Có được kết quả trên, cả hệ thống chính trị cùng quan tâm chỉ đạo, đặc biệt là các địa phương đã tập trung phát triển sản xuất, đào tạo nghề nhằm dịch chuyển lao động nông thôn, lúc đó lực lượng lao động trong nông thôn giảm, dẫn đến tăng thu nhập. Trong phát triển sản xuất, tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất chuyên lúa sang lúa - tôm là 10.290 ha; đất lúa - tôm sang chuyên nuôi trồng thủy sản 15.524 ha; đất lúa sang trồng cây lâu năm 940 ha; phát triển vùng chuyên canh rau màu an toàn tập trung quanh các đô thị, khu du lịch… nhiều mô hình đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… những kết quả trên đạt được từ quá trình tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM.
Hiện nay toàn tỉnh có 320 hợp tác xã (HTX), với diện tích sản xuất là 48.526 ha, có 28.611 xã viên tham gia. Trong 3 năm đầu nhiệm kỳ, toàn tỉnh đã thành lập mới 121 HTX; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức đạo tạo cho 85.500 người; tỷ lệ học sinh ra trường có việc làm đạt 84%; giải quyết việc làm cho 106.755 lượt lao động (có 335 người đi xuất khẩu lao đông). Tổng nguồn vốn được huy động thực hiện chương trình NTM là 7.524 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp hỗ trợ là 650 tỷ và đóng góp của người dân là 951 tỷ đồng.
Sau các báo cáo tham luận của 04 huyện tiềm năng đạt NTM (Giồng Riềng, Kiên Lương, Gò Quao, Vĩnh Thuận); các sở liên quan chặt trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (Sở TN&MT; VH&TT; GTVT; XD; KH&ĐT; TC; LĐTB&XH; NN&PTNT. Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, kết luận hội nghị và nêu các mục tiêu cụ thể trọng tâm cần đạt trong thời gian tới (giai đoạn 2019-2020): Công nhận ít nhất thêm 02 huyện đạt chuẩn NTM, nâng tổng số lên 03 huyện NTM. Tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng lên là 61. Các xã nâng lên từ 1-2 tiêu chí/năm. Thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân từ 1-1,5 %/năm. Huyện NTM Tân Hiệp và huyện Giồng Riềng, mỗi huyện có ít nhất 01 xã đạt NTM kiểu mẫu. Để đạt các mục tiêu trên, ông Hồng, chỉ đạo:
(i) Tiếp tục tuyên truyền xây dựng NTM nhằm nâng cao nhận thức từ cán bộ đến bà con nhân dân, giao cho Sở TT&TT lên kế hoạch thực hiện. (Lưu ý: Thời gian qua một số xã không có cán bộ xã tham gia khi sở, ban ngành cấp tỉnh xuống địa phương triển khai các hoạt động về NTM).
(ii) Đào tạo nghề quyết liệt cho dịch chuyển lao động vùng nông thôn (Giao cho Sở LĐTB&XH chù động thực hiện).
(iii) Tập trung mọi nguồn lực cho hạ tầng kỹ thuật; nâng tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh, từ nước hợp vệ sinh lên nước sạch, bên cạnh nước sạch xử lý tập trung, cần thực hiện nước sạch qua hệ thống lọc tại hộ gia đình (Giao cho Sở TN&MT tham mưu chọn lựạ công nghệ, quy trình và triển khai thực hiện). Cần điều chỉnh giá nước nông thôn cho phù hợp tình hình hiện nay (Giao cho Sở Tài chính tham mưu). Rác nông thôn: mỗi hộ cần có hố đốt tại gia đình. CTy Mai Trần, nếu thay đổi công nghệ lò đốt rác đã được Hội đồng ĐTM thống nhất thì thu hồi chủ trương đầu tư (Giao cho SởTN&MT theo dõi và thông báo). Đối với 04 lò đốt rác ở 04 xã đảo (Hòn Nghệ, Lại Sơn, An Sơn, Nam Du; giao cho Sở KH&CN triển khai thực hiện). Giao Sở VH&TT tiếp tục thông báo xây dựng các thiết chế văn hóa theo Công văn 387, tuy nhiên cần đầu tư đống bộ, để sau khi xây dựng là đưa vào khai thác ngay; tránh tình trạng xây dựng Trung tâm lại không có trang thiết bị để hoạt động như thời gian qua.
(iv) Rà soát, điều chỉnh quy hoạch cấp huyện (Giao Sở XD); bố trí vốn cho 04 huyện tiềm năng đạt NTM (Giao Sở TC);…
(v) Gắn kết chặt chẽ việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM với thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Chương trình giảm nghèo bền vững; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP – One Commune One Product) và Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng NTM;…
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo địa phương quan tâm về Quốc phòng – An ninh; nâng cao công tác điều hành của Vp. Ban Điều hành Chương trình NTM; và huy động nguồn lực để bố trí đủ cho địa phương triển khai NTM, tuy nhiên địa phương cũng cần giải ngân vốn đã phân bổ trong thời gian qua.