Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Tin tức - sự kiện

Xem với cỡ chữAA

NÔNG DÂN KIÊN GIANG CẦN TÍCH CỰC CHỦ ĐỘNG ỨNG DỤNG CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG SẢN XUẤT KINH DOANH

(16:34 | 17/05/2023)

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ tác động ngày càng sâu rộng đến mọi lĩnh vực ở tất cả các quốc gia và chuyển đổi đã trở thành xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay. Ở nước ta, chuyển đổi số đã và đang trở thành cơ sở và động lực chủ yếu cho sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực; đồng thời cũng là nền tảng quan trọng thúc đẩy hiện thực hóa ý chí, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Chuyển đổi số nói chung là quá trình chuyển đổi từ cách sống, cách làm việc truyền thống sang cách sống và làm việc mới dựa trên các nền tảng, công nghệ số, ứng dụng số, nguồn dữ liệu số và sự kết nối của chúng trên không gian số; từ đó tạo ra phương thức mới, cơ hội và giá trị mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chuyển đổi số được nhắc đến nhiều ở Việt Nam vào năm 2018, đến ngày 03/6/2020 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đánh dấu sự khởi đầu cho hành trình  chuyển đổi số quốc gia. Từ năm 2020 đến nay, tuy thời gian không dài, lại phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng chuyển đổi số ở nước ta đã đạt được nhiều bước tiến lớn trên cả ba trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Tính đến cuối năm 2022, về Chính phủ số, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện được cung cấp cho người dân, doanh nghiệp đã đạt hơn 97,3%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 67,8% và tỷ lệ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến là 43,2%; tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt 10,41%, tăng so với mức 9,6% so cuối 2021; số lượt người dùng hàng tháng trên các nền tảng số di động đã tăng hơn 100 triệu lượt so với năm 2021.

Đối với ngành nông nghiệp, chuyển đổi số đã được ứng dụng và phát huy hiệu quả ở tích cực, nổi bậc là: ứng dụng phần mền phân tích dữ liệu về loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây trồng, phân tích các dữ liệu về môi trường; sử dụng các thiết bị dò cá, sử dụng sóng siêu âm, máy đo dòng chảy; ứng dụng hệ thống định vị toàn cầu, điện thoại vệ tinh, công nghệ tuần hoàn, công nghệ nano, công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và công nghệ tự động hóa, công nghệ máy bay không người lái và thiết bị cảm biến thu thập, phân tích dữ liệu… Từ đó, giúp nông dân thực hiện tốt hơn các khâu quản lý, vận hành, giảm chi phí sản xuất, nuôi trồng và tăng năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, tạo ra không gian mới, giá trị mới; tạo cơ hội cho người sản xuất kết nối đưa nông sản trực tiếp đến tay người tiêu dùng, giúp mọi người kết nối với nhau thuận lợi, dễ dàng hơn. Có thể khẳng định, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua đạt nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện cả trong quản lý, điều hành của ngành nông nghiệp, trong trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản và trong tiêu thụ hàng hóa nông sản… trên phạm vi cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Kiên Giang nói riêng.

 

Ảnh: Đồng chí Đỗ Trần Thịnh (ngồi bên trái) - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh và đồng chí Trịnh Quang Đăng (ngồi bên phải) - Giám đốc VNPT Kiên Giang tỉnh thực hiện nghi thức ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số giữa VNPT Kiên Giang và Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang.

 

Nhận định rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển đất nước trong tình hình mới, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”; “Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vừng, từng địa phương. Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị”. Trong phương hướng, nhiệm vụ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Đảng ta chỉ rõ: “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại... Phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái”.  Đây là những định hướng quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp trên nền tảng của chuyển đổi số.

Để hiện thực hóa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về chuyển đổi số, ngày 24/12/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành Kế hoạch số số 186/KH-UBND về chuyển đổi số tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong tám lĩnh vực được ưu tiên hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Đặc biệt là tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản; xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất; thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm; thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý nhằm kịp thời dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch, phát triển nông nghiệp hiện đại ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp. Đây vừa là cơ sở, điều kiện vừa là cơ hội để nông dân Kiên Giang tập trung đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh.

 

Ảnh: Đồng chí Đỗ Trần Thịnh (bên trái) - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh và đồng chí Trịnh Quang Đăng (bên phải) - Giám đốc VNPT Kiên Giang tỉnh hoàn thành nghi thức ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số giữa VNPT Kiên Giang và Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang.

 

Cùng với xu thế chung của cả nước, hiện nay việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang là một trong những vấn đề quan trọng, là động lực để phát triển nông nghiệp bền vững, chuyển dần từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Thực chất của chuyển đổi số trong nông nghiệp là sử dụng công nghệ kỹ thuật số mà cụ thể là các công cụ và thông tin số để có quyết định sáng suốt hơn, cải thiện năng suất và hiệu quả quản lý, tích hợp sản xuất nông nghiệp từ vùng canh tác, nuôi trồng đến người tiêu dùng. Đây là một quá trình lâu dài và phức tạp, để thực hiện thành công vấn đề này cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội mà nông dân phải là lực lượng chủ động tích cực tham gia vào quá trình đó, vì thực tế cho thấy chuyển đổi số trong nông nghiệp là vì nông dân, do nông dân, nông dân là chủ thể trực tiếp hưởng lợi, nên phải bắt đầu từ nông dân và nông dân phải có trách nhiệm tham gia thực hiện. Để phát huy tính chủ động tích cực của mình tham gia có hiệu quả vào chuyển đổi số trong nông nghiệp, bản thân mỗi nông dân cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Thứ nhất, cần nghiên cứu, tìm hiểu sâu để nhận thức rõ về mục đích, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong nông nghiệp nói riêng. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu để hình thành ý chí, tinh thần và trách nhiệm của mỗi người trước khi có hành động cụ thể tham gia chuyển đổi số; khi nhận thức đầy đủ chúng ta sẽ thấy được chuyển đổi số không trừu tượng mà nó rất gần gũi, thiết thực; đồng thời thấy được những biểu hiện của thực hiện chuyển đổi số gtrong nông nghiệp, biết rõ mình đã, đang và sẽ làm gì trong quá trình đó.

 

Ảnh: Đồng chí Đỗ Trần Thịnh (thứ 6, bên trái) - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh và đồng chí Trịnh Quang Đăng (thứ 5, bên phải) - Giám đốc VNPT Kiên Giang tỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng các đồng chí đại diện VNPT Kiên Giang và Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang.

 

Thứ hai, thường xuyên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đây là xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp mà nông dân giữ vai trò chủ đạo, do đó nông dân cần thường xuyên tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh, tăng cường sử dụng các nền tảng công nghệ số để xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, thúc đẩy kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tạo sự trãi nghiệm trong quy trình sản xuất, nâng cao giá trị tinh thần cho sản phẩm, đồng thời tạo không gian liên kết, hình thành và phát triển hệ sinh thái sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững.

Thứ ba, thường xuyên tiếp cận và sử dụng nền tảng số để mở rộng thị trường, tạo các kênh phân phối hàng hóa đa dạng, kết nối rộng khắp trong và ngoài nước; đồng thời tích hợp, kết nối thông tin dữ liệu về giá cả thị trường, tham gia mua bán hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, sử dụng phương thức thanh toán điện tử.

Thứ tư, chủ động học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng, nhất là trình độ tin học, ngoại ngữ, kiến thức khoa học kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, học hỏi nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm đàm phán, kỹ năng quảng bá, giới thiệu sản phẩm…

Việc phát huy vai trò của nông dân tham gia chuyển đổi số trong nông nghiệp tỉnh Kiên Giang có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cư dân nông thôn; từng bước nâng cao vị thế, phát huy vai trò làm chủ của người nông dân trong phát triển nông nghiệp, tạo ra những giá trị mới và bền vững cho sản xuất nông nghiệp, đưa ngành nông nghiệp của tỉnh từng bước chuyển từ truyền thống sang hiện đại, an toàn và bền vững.

Lâm Quốc Toàn-PCT Hội Nông dân tỉnh