Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Tin tức - sự kiện

Xem với cỡ chữAA

Tạo điều kiện để nông dân hưởng lợi từ cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp

(01:52 | 28/11/2023)

Chiều 27-11, đồng chí Lâm Minh Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đối thoại với 20 nông dân, hợp tác xã.

Ông Đặng Hoàng Mạnh - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp nông dân Thạnh phát, xã Thạnh Bình (Giồng Riềng) hỏi: “Được biết UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 88/KH-UBND về hỗ trợ kiên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2020-2025 với tổng kinh phí ngân sách 72,7 tỷ đồng đầu tư 75 dự án. Đến nay UBND tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn thực hiện kế hoạch này như thế nào?”.

Đồng chí Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thực hiện Kế hoạch số 88/KH-UBND của UBND tỉnh, trong năm 2023, sở trình UBND tỉnh phê duyệt 58 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng kinh phí hơn 132,7 tỷ đồng. Có 2.354 người dân tham gia liên kết. Sản phẩm thực hiện dự án liên kết gồm lúa, tôm sú, tôm càng xanh thương phẩm, cá mú trân châu… Quy mô dự án liên kết gồm 3.590 ha lúa, 36ha rau màu, tôm – lúa 409,2ha, cá lồng bè 1.140m3, cây ăn trái – cây công nghiệp 195ha. Địa điểm thực hiện dự án liên kết tại các huyện An Biên, Châu Thành, Gò Quao, Giồng Riềng, U Minh Thượng, Kiên Lương, Hà Tiên, Phú Quốc, Kiên Hải, Hòn Đất, Tân Hiệp và TP. Phú Quốc.

 

Ảnh: Đồng chí Lâm Minh Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao quà cho nông dân, hợp tác xã tại hội nghị đối thoại, chiều 27-11.

 

Ông Võ Thanh Tùng, ngụ ấp Đập Đá, xã Vĩnh Thuận (Vĩnh Thuận) phản ánh vấn đề nhiều lao động từ các tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh không có việc làm trở về Kiên Giang và đề nghị UBND tỉnh có giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đồng chí Huỳnh Tấn Phi - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết 6 tháng đầu năm 2023, người lao động làm việc ngoài tỉnh bị mất việc, giãn việc phải trở về địa phương khá phổ biến; qua thống kê cả tỉnh khoảng 1.800 người. Từ quý III-2023 đến nay, tình hình kinh tế cả nước tiếp tục phục hồi và phát triển trở lại, các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tiếp nhận, tuyển dụng lao động tăng cao nên giải quyết việc làm mới và thu hút việc làm của địa phương trở lại các địa bàn trước đó làm việc, tình trạng lao động thất nghiệp giảm đáng kể.

Theo đồng chí Huỳnh Tấn Phi, hàng tuần, ngành Lao động Thương binh và Xã hội cũng phối hợp các doanh nghiệp tổ chức định hướng học nghề, giới thiệu việc làm tại một số địa phương trong tỉnh. Người lao động có nhu cầu được đào tạo nghề nông nghiệp hoặc phi nông nghiệp cần đăng ký tại UBND xã để đề xuất về trên để mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nguyện vọng. Đồng chí Lâm Minh Thành chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát đầy đủ, nhất là lao động mất việc trở về địa phương để có hướng tạo việc làm tốt hơn trong năm 2024.

 

Ảnh: Đồng chí Đỗ Trần Thịnh - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh trao quà cho nông dân, hợp tác xã tại hội nghị đối thoại, chiều 27-11.

 

Bà Mai Thị Hội, ngụ ấp Bãi Thơm, xã Bãi Thơm (TP. Phú Quốc) đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo việc xử lý môi trường nông thôn và có giải pháp hỗ trợ xử lý rác thải sinh hoạt ở Phú Quốc, Kiên Hải, bảo vệ môi trường nuôi biển. Đồng chí Phùng Quốc Bình - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Vấn đề quản lý môi trường nói chung và quản lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng, UBND tỉnh đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch chỉ đạo các ngành và các địa phương tổ chức thực hiện. Đối với vùng biển, đảo có thêm nội dung chất thải nhựa đại dương. Theo đồng chí Phùng Quốc Bình, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình và bắt buộc áp dụng thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh từ ngày 1-1-2025, đồng thời phân cấp, phân quyền cho UBND cấp huyện quản lý và chịu trách nhiệm.

Theo đồng chí Lâm Minh Thành, để hỗ trợ cho các địa phương triển khai tốt công tác quản lý rác thải theo thành phần phân loại cũng như tổ chức thực hiện phân loại trong cộng đồng dân cư, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện 3 đề án mẫu, đại diện cho 3 khu vực  đô thị, nông thôn, biển đảo. Hiện các đề án này đang triển khai xây dựng, dự kiến trong năm 2024 tổ chức thực hiện. Các địa phương khác trong tỉnh có thể nghiên cứu học tập và áp dụng trên địa bàn quản lý.

 

Ảnh: Ông Nguyễn Minh Thức - Giám đốc Hợp tác xã Ngã Bát, xã Đông Hưng B (An Minh) đề nghị tỉnh có giải pháp để chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể đi vào cuộc sống.

 

Kết luận hội nghị, đồng chí Lâm Minh Thành đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố tạo điều kiện để nông dân tiếp cận, hưởng lợi từ cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; Sở Công Thương tăng cường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để giới thiệu, đưa nông sản của nông dân, chủ thể OCOP đến người tiêu dùng, đặc biệt là trên kênh thương mại điện tử; đồng thời, chủ động phối hợp với Hội Nông dân tỉnh trong các hoạt động xúc tiến thương mại hàng năm nhằm làm phong phú, đa dạng hóa nguồn sản phẩm nông sản.

Đồng chí Lâm Minh Thành giao Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp thông qua xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cho nông dân; phối hợp Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ nông dân xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Hội Nông dân tỉnh triển khai đào tạo, truyền thông về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh thông tin, truyền thông tới nông dân, người dân ở nông thôn về phân loại và xử lý các loại chất thải trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp…

Dịp này, UBND tỉnh tặng 20 phần quà cho 20 nông dân, hợp tác xã tiêu biểu.

Đặng Linh-Báo Kiên Giang