Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Tin tức - sự kiện

Xem với cỡ chữAA

Thêm nguồn lực cho Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh

(17:07 | 06/01/2025)

Qua 10 năm thành lập và phát triển, có 3.870 lượt hộ nông dân vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất thông qua 325 dự án. Thực tế tại Kiên Giang cho thấy, Quỹ hỗ trợ nông dân trở thành đòn bẫy tài chính, điểm tựa vững chắc giúp hội viên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

ĐỒNG VỐN NGHĨA TÌNH

Toàn tỉnh có 15/15 huyện, thành phố có quỹ hỗ trợ nông dân. Có 9 huyện đạt mức từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, 6 huyện đạt mức dưới 500 triệu đồng; có 15/15 huyện được cấp vốn từ ngân sách địa phương. Dù không có quỹ hỗ trợ nông dân nhưng 140/140 hội nông dân cấp xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều tổ chức vận động quỹ hỗ trợ nông dân từ 50-100 triệu đồng và chuyển vốn về huyện quản lý.

Đồng chí Đồng Thị Thu - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Phước (Hòn Đất) cho biết: “Thời gian qua, Hội Nông dân xã Mỹ Phước luôn được sự đồng tình ủng hộ của hội viên, nông dân trong xã trong việc đóng góp quỹ hỗ trợ nông dân. Mỗi năm hội đều chuyển về huyện từ 13-14 triệu đồng, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Có thể xem đây là đồng vốn nghĩa tình, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế của hội viên, nông dân, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, hạn chế tệ nạn xã hội, tín dụng đen rất hiệu quả”.

Tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đến ngày 30-6-2024 đạt hơn 52 tỷ đồng đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương chuyển sang hơn 24,4 tỷ đồng, vốn vận động hội viên, nông dân ủng hộ 26,6 tỷ đồng, vốn bổ sung từ kết quả hoạt động 961 triệu đồng. Phân theo cấp quản lý, Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh 17,6 tỷ đồng, Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện 8,6 tỷ đồng, cấp xã vận động 25,9 tỷ đồng, vốn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ủy thác 9,6 tỷ đồng.      

Thực tế cho thấy, nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân đã góp phần đáng kể vào việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của hội viên, nông dân, góp phần ổn định chính trị ở nông thôn. Ngoài việc giúp hội viên có vốn phát triển kinh tế, nguồn vốn không cần thế chấp này còn góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ sang mở rộng sản xuất, kinh doanh, khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư, đổi mới sản xuất, góp phần tạo vùng sản xuất hàng hóa nông sản, sản xuất theo chuỗi giá trị của tỉnh. Nhiều dự án vay vốn quỹ hỗ trợ nông các cấp làm ăn hiệu quả như: Nuôi cá mú lồng bè xã Sơn Hải (Kiên Lương); trồng khóm kết hợp nuôi tôm xã Vĩnh Phước A (Gò Quao); trồng khóm xã Long Thạnh (Giồng Riềng); trồng lúa chất lượng cao xã Bình Giang (Hòn Đất) và xã Tân Khánh Hòa (Giang Thành); nuôi tôm – lúa xã Vĩnh Phong (Vĩnh Thuận)…

 

Thành viên Chi hội nông dân nghề nghiệp nuôi cá lồng bè khu phố Ba Hòn (Kiên Lương) được quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh hỗ trợ 500 triệu đồng nuôi cá.

 

Quỹ hỗ trợ nông dân hoạt động hiệu quả và phát triển trong giai đoạn mới đã góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động số 55-CTr/TU, ngày 16-4-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

“Việc hỗ trợ hội viên, nông dân vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân vừa là phương tiện, công cụ hiệu quả để tổ chức hội tập hợp hội viên, nông dân, đồng thời, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của tổ chức hội đến với hội viên, nông dân trong tỉnh”, đồng chí Thái Văn Phúc - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh nói.

TĂNG NGUỒN LỰC HỖ TRỢ

Hợp tác xã nông dân Thanh Hoa, xã Nam Du (Kiên Hải) có 11 hộ thành viên nuôi với số lượng 82 lồng bè nuôi các loại cá như cá mú, trân châu, cá bớp. Bình quân hợp tác xã cung ứng cho thị trường với tổng sản lượng 50-70 tấn cá thương phẩm/năm. Sau 2 năm được vay vốn quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh thực hiện dự án nuôi cá bớp lồng bè trên biển, hầu hết thành viên hợp tác xã này sử dụng đúng mục đích và có lợi nhuận. Ngoài tăng tình đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong thành viên, dự án có giúp hợp tác xã liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn ODC và Công ty Cổ phần An Hưng Farm cung ứng vật tư đầu vào, con giống chất lượng, chuyển giao khoa học, kỹ thuật giúp cá nuôi phát triển khỏe mạnh, cho hiệu quả kinh tế cao. Kết thúc dự án, hợp tác xã có thêm 6 thành viên được kết nạp hội viên hội nông dân.

“Vay vốn quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh 500 triệu đồng giúp thành viên nuôi cá bớt khó khăn. Tuy nhiên, hai năm liền dịch bệnh, cá không bán được, việc thu hồi vốn gặp khó khăn. Dù được cho gia hạn thêm 1 năm để từng bước khôi phục sản xuất sau dịch nhưng nhiều hộ nghèo cũng đuối sức vì chi phí đầu tư nuôi cá lồng bé rất lớn. Hợp tác xã mong tiếp tục được quỹ hỗ trợ nông dân các cấp hỗ trợ vay vốn để phát triển vững chắc hơn”, bà Trần Thị Hội - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông dân Thanh Hoa nói.

 

Cán bộ Ban điều hành quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh giải ngân vốn cho nông dân xã Sơn Kiên (Hòn Đất) thực hiện dự án trồng lúa chất lượng cao.

 

Nguyện vọng của thành viên Hợp tác xã nông dân Thanh Hoa cũng là nguyện vọng của nhiều hội viên, nông dân khác trong tỉnh khi nguồn vốn tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn tại các ngân hàng thương mại còn chưa dễ tiếp cận. Thấu hiểu điều này, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng Đề án số 03-ĐA/HNDT, ngày 18-6-2024 về kiện toàn tổ chức và hoạt động của quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh.

Sau khi xem xét tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh, tại Kỳ họp thứ thứ 28 (kỳ họp chuyên đề) diễn ra ngày 14-11, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X đã thống nhất thông qua Đề án số 03-ĐA/HNDT của Hội Nông dân tỉnh. Theo đề án này đó, vốn điều lệ quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh giai đoạn 2024-2030 sẽ được ngân sách tỉnh cấp thêm 70 tỷ đồng từ nguồn chi đầu tư phát triển nhằm bổ sung nguồn vốn, tăng mức hỗ trợ hội viên, nông dân mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Đồng chí Thái Văn Phúc cho biết: “Theo đề án số 03-ĐA/HNDT, vốn quỹ hỗ trợ nông dân sẽ tăng trưởng từ 17,6 tỷ đồng ở thời điểm kiện toàn năm 2024 lên 89 tỷ đồng vào năm 2030. Mỗi năm ngân sách tỉnh sẽ cấp thêm 10 tỷ đồng cho quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh. Về phương án cho vay, trong năm 2025, với nguồn vốn 38 tỷ đồng sẽ tập trung hỗ trợ 126 dự án của 1.260 hộ nông dân. Đến năm 2030, số dự án cho vay sẽ là 296 dự án với 2.960 hộ vay, mức cho vay 300 triệu đồng/dự án”.

Đặng Linh-Báo Kiên Giang