Mục tiêu là tổ chức hướng dẫn, vận động và hỗ trợ cộng đồng nông dân ứng dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh lúa đạt được hiệu quả cao và bền vững theo hướng an toàn sinh học. Xây dựng các “Cánh đồng lớn” sản xuất lúa tiên tiến, giảm chi phí gắn với liên kết tiêu thụ đầu ra ổn định, áp dụng đúng quy trình sản xuất do yêu cầu của bên ký kết hợp đồng bao tiêu. Xây dựng vùng nguyên liệu lớn, đáp ứng nhu cầu sản lượng lớn, chất lượng cao và có các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản tham gia. Chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 100% nông dân tham gia dự án áp dụng vào sản xuất tăng hiệu quả kinh tế từ 10 - 15% so với canh tác truyền thống.
Chọn Cánh đồng lớn có hợp tác xã hoặc tổ hợp tác hoạt động có cơ sở pháp lý hoặc những khu mà xã, thị trấn định hướng có khả năng phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác trong thời gian tới. Cánh đồng lớn phải có quy mô từ 50 ha trở lên, diện tích tham gia không vượt quá 3 ha/hộ. Có cơ sở hạ tầng, mương tưới tiêu chủ động; quản lý nước tập trung; có điều kiện về sản xuất như đất đai, lao động trang thiết bị phù hợp để tiếp cận tiến bộ kỹ thuật mới. Người dân tự nguyện tham gia sản xuất theo nhóm; cam kết thực hiện đúng quy trình của dự án. Tổ chức xuống giống tập trung, đồng loạt, nông dân thống nhất cùng sản xuất một loại giống lúa chất lượng cao. Tập huấn, hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình canh tác lúa 1 phải 5 giảm.
Ảnh: Hội thảo cánh đồng lớn vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024 tại xã Kiên Bình.
Với tổng kinh phí hỗ trợ vật tư như: về lúa giống hỗ trợ trên 44 triệu đồng (600.000đ/ha). Về hỗ trợ phân bón hơn 88 triệu đồng. Riêng cánh đồng sản xuất lúa cánh đồng lớn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân vụ đông xuân năm 2023 - 2024 gồm 270 ha thì hỗ trợ 526.500.000đ tiền phân hữu cơ. Sau 4 tháng nông dân tham gia cánh đồng lớn nhận được một số lợi ích như: Tổ chức xuống giống tập trung, đúng lịch thời vụ, sử dụng 01 giống lúa, giống lúa thích nghi với điều kiện của địa phương, chất lượng lúa giống cấp xác nhận, mật độ sạ thưa hợp lý. Các biện pháp kỹ thuật như xử lý cỏ, bón phân, quản lý dịch bệnh cơ bản đạt yêu cầu giảm chi phí. Về hiệu quả xã hội và môi trường: đưa diện tích canh tác lúa tại xã Kiên Bình ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa 1 phải 5 giảm. Ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu từ ảnh hưởng của việc sản xuất nông nghiệp. Cụ thể là sản xuất lúa nước. Bảo vệ môi trường xanh - sạch; sản xuất nông nghiệp bền vững. Nâng cao hiệu quả kinh tế; cải thiện đời sống cho người sản xuất, hình thành vùng sản xuất lúa tập trung, sản lượng lớn đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tăng giá trị nông sản, tăng thu nhập và cải thiện thu nhập cho người sản xuất.
Bà con nông dân tham gia cánh đồng lớn đã thực hiện khá tốt quy trình canh tác lúa “1 phải 5 giảm” (Phải sử dụng giống lúa cấp xác nhận - Giảm lúa giống, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm thất thoát sau thu hoạch) nên vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024 trung bình bà con nông dân lãi từ 35 triệu đồng đến 40 triệu đồng/ha.