Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Phong trào khác

Xem với cỡ chữAA

Hội Nông dân huyện Kiên Lương: Xây dựng, quản lý hiệu quả Quỹ hỗ trợ nông dân

(15:19 | 06/07/2021)

Trong thời gian qua, việc xây dựng và quản lý nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân huyện được Hội Nông dân (HND) huyện triển khai, thực hiện đạt hiệu quả tích cực. Nguồn vốn đến nay đã trở thành kênh tín dụng quan trọng, kịp thời giúp cho hội viên nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo. 

Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện được Ủy ban nhân dân huyện ký quyết định thành lập năm 2018; hiện nay Quỹ hỗ trợ Nông dân huyện Kiên Lương quản lý 3 nguồn (tỉnh, huyện và cơ sở), với tổng số vốn là 2 tỷ 572 triệu đồng, trong đó vốn tỉnh 1,5 tỷ đồng, vốn huyện và cơ sở hơn 1 tỷ đồng, được vận động từ hội viên, nông dân, các doanh nghiệp, ủy thác từ ngân sách của Ủy ban nhân dân huyện… Đến nay, Hội đã xét giải ngân cho 12 dự án, với 105 hộ vay, trong đó tỉnh có 5 dự án, với 58 hộ vay, huyện có 7 dự án, với 47 hộ vay, với tổng số tiền là 2,56 tỷ đồng. Nguồn vốn được triển khai thực hiện các dự án như: Trồng lúa chất lượng cao, Chăn nuôi, Nuôi trồng thủy sản… Đến nay nguồn vốn đã phát huy được hiệu quả, góp phần giúp cho hội viên, nông dân có thêm nguồn vốn đầu tư sản xuất, tăng thu nhập, nâng lên cuộc sống ổn định kinh tế hộ gia đình.

Để nguồn vốn vay được thực hiện có hiệu quả, trong quá trình xét chọn hộ cho vay phải đảm bảo các tiêu chuẩn như: Phải là hội viên nông dân, trong độ tuổi lao động, mục đích sử dụng vốn phải hợp pháp, có đủ khả năng trả vốn trong thời gian cam kết, có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, hiệu quả, khả thi. Ngoài ra sau 30 ngày giải ngân nguồn vốn chúng tôi cũng tiến hành kiểm tra việc sử dụng vốn, sau đó kiểm tra định kỳ theo quy định. Bên cạnh đó cũng có phối hợp với Phòng Kinh tế, Phòng Lao động Thương binh Xã hội huyện mở các lớp dạy nghề ngắn hạn, tập huấn, hội thảo để trang bị thêm cho hội viên nông dân kiến thức để áp dụng tiến bộ khoa học - kỷ thuật vào sản xuất. Trong quá trình cho vay, Hội luôn chú trọng đến khâu khảo sát, chọn đúng đối tượng, từ đó ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Điển hình trong sử dụng nguồn vốn hiệu quả là gia đình ông Dương Văn Út, một nông dân tại ấp Ba Núi, xã Bình An với mô hình nuôi tôm - cua quảng canh cải tiến, mỗi năm mang lại thu nhập từ trên 100 triệu đồng/năm. Ông Út cho biết, năm 2011 ông chuyển về sinh sống tại ấp Ba Núi, xã Bình An (Kiên Lương) để đầu tư mua 5 ha đất rừng, cải tạo đầu tư nuôi tôm. Nhờ nhận được nguồn vốn vay 40 triệu đồng từ Hội Nông dân huyện, cộng với quyết tâm vượt khó, chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ các hộ nuôi lận cận và tích cực tham gia lớp tập huấn về nuôi trồng thủy sản nên sau 3 năm thả nuôi, vuông tôm của ông đã đạt được sản lượng khá, mỗi năm có thu hoạch từ 2 đến 3 đợt, trung bình từ 1,5 đến 2 tấn/năm, sau khi trừ chi phí đầu tư gia đình ông thu về trên 100 triệu đồng. “Trong nuôi tôm quảng canh, ngoài việc chọn được con giống có chất lượng thì khâu quan trọng nhất là người nuôi phải biết cách cải tạo ao nuôi sao cho thật sạch, không bị nhiễm các nguồn bệnh. Ngoài ra, trong khi thả nuôi cần phải thường xuyên kiểm tra độ mặn, độ PH và độ kiềm trong nước sao cho phù hợp, có như vậy tôm mới phát triển tốt”. Ông Dương Văn Út, cho biết thêm.

 

Ảnh: Mô hình nuôi tôm - cua quảng canh cải tiến, hộ ông Dương Văn Út sử dụng nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân của huyện.

 

Từ hiệu quả của nuôi tôm mang lại, trong mấy năm trở lại đây, ông Út kết hợp nuôi cua xen với tôm. Để mô hình nuôi hiệu quả trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nguồn nước mặn nuôi tôm gặp nhiều khó khăn, ông Út không thả nuôi thường xuyên mà xen trồng 1 vụ lúa từ tháng 7 đến tháng 10. Từ cách làm này đã giúp cho mô hình nuôi tôm - cua của gia đình ông phát triển rất tốt mang lại thu nhập cao. Riêng trong năm 2020 vừa qua, gia đình thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

Còn đối với gia đình anh Dương Khanh, ở khu phố Lung Kha Na, thị trấn Kiên Lương (Kiên Lương) vươn lên khá giả từ nguồn vốn vay của Hội Nông dân huyện với mô hình trồng lúa chất lượng cao. Với hơn 60 công đất ruộng gia đình anh đầu tư trồng lúa 2 vụ/năm, mỗi năm nếu thời tiết thuận lợi, không bị dịch hại ảnh hưởng đến năng suất của cây lúa và lúa có giá, sau khi trừ chi phí đầu tư gia đình anh thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình anh đỡ phần khó khăn hơn trước và có thêm điều kiện để phát triển. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến cuối năm 2020 xuống còn 1,79%.

Từ những kết quả đạt được trong thời gian tới, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục giao chỉ tiêu cho Hội cơ sở vận động tăng 15% hằng năm. Bên cạnh đó, Hội cũng sẽ tranh thủ sự chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, sự hỗ trợ của Ủy ban nhân dân huyện để tăng thêm nguồn vốn, tạo điều kiện để ngày càng có nhiều hơn hội viên, nông dân được tiếp cận nguồn vốn do Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện quản lý. Đồng thời, đẩy mạnh việc phối hợp với các đơn vị tạo điều kiện giúp đỡ hội viên; xây dựng các dự án mới, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế tại địa phương, giúp hội viên vươn lên làm giàu, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Thanh Tuấn-HND Kiên Lương