Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Môi trường

Xem với cỡ chữAA

NÔNG DÂN KIÊN GIANG ÁP DỤNG CANH TÁC LÚA THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG

(15:04 | 12/03/2023)

Từ ngày 02 - 03/3/2023, Ban Quản lý Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường” tỉnh Kiên Giang đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền tại huyện Giồng Riềng và Hòn Đất.

Đến dự Hội nghị có đồng chí Phan Kim Loan, Trưởng ban Kinh tế - Xã hội Hội Nông dân tỉnh; Thường trực Hội Nông dân huyện Hòn Đất và Giồng Riềng; đại diện lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương; Chủ tịch Hội Nông dân các xã, thị trấn của 02 huyện, cùng 240 nông dân tham dự.

Hội nghị tổ chức nhằm tuyên truyền, quảng bá về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của canh tác lúa thân thiện với môi trường đến nông dân, người tiêu dùng và các bên có liên quan; đồng thời tuyên truyền về kết quả triển khai thực hiện Dự án trong năm 2022 và định hướng hoạt động năm 2023; giới thiệu quy trình, kỹ thuật, hướng dẫn phương pháp canh tác lúa theo hướng thân thiện với môi trường.

 

Ảnh: Quang cảnh hội nghị tuyên truyền.

 

Theo đồng chí Phan Kim Loan, Trưởng ban Kinh tế - Xã hội, Hội Nông dân tỉnh cho biết: Từ tháng 10-2021 đến tháng 12-2022, Ban Quản lý dự án lúa tổ chức 8 lớp tập huấn về hệ thống thâm canh lúa cải tiến và phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường; hướng dẫn nông dân về quy trình sinh trưởng của cây lúa và hướng dẫn kỹ thuật tưới ướt khô xen kẻ. Ban Quản lý dự án đã xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân tham gia dự án thực hiện mô hình điểm tại 4 xã thuộc 2 huyện với 26 hộ tham gia, diện tích thực hiện 26ha.

Đồng thời, nhằm thực hiện tốt hoạt động liên kết sản xuất cho nông dân tham gia dự án, Ban Quản lý dự án lúa đã vận động, kết nối Công ty Trách nhiệm hữu hạn Á Âu Kiên Giang hỗ trợ cung ứng phân hữu cơ vi sinh và bao tiêu sản phẩm lúa cho nông dân tham gia mô hình.

 

Ảnh: Các hội viên chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Quản lý Dự án.

 

Theo kết quả thực hiện mô hình điểm của dự án tại 4 xã Mỹ Phước, Lình Huỳnh, Thạnh Bình và Thạnh Phước trong năm 2022, qua hạch toán cho thấy nông dân trong mô hình giảm được 2,3 triệu đồng/ha chi phí đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật so với những hộ ngoài mô hình. Năng suất lúa trong mô hình cao hơn so bên ngoài mô hình, không nhiều, nhưng nhờ giảm được chi phí đầu vào, đầu tư sản xuất hợp lý hơn theo quy trình canh tác lúa “1 phải, 5 giảm”, kết quả cuối cùng là lợi nhuận tăng 4 triệu đồng/ha so với các hộ ngoài mô hình. Nếu tính trên toàn cánh đồng 200ha thực hiện mô hình đã tăng thêm lợi nhuận 800,8 triệu đồng.

Thông qua Hội nghị, đã giúp các hộ nông dân tiếp cận phương pháp canh tác lúa hữu cơ hiệu quả, tiên tiến, mở ra hình thức canh tác thân thiện với môi trường, cho sản phẩm lúa, gạo chất lượng để áp dụng rộng rãi tại địa phương.

Kim Loan-Ban KT-XH (HNDT)