Kiên Giang là một tỉnh khá đặc thù vừa có đường biên giới dài 55 km, bờ biển trên 200km, lại có nhiều hòn đảo khai thác tiềm năng du lịch hấp dẫn, thu hút du khách thập phương, có hai cửa khẩu biên giới với Cămphuchia là Hà Tiên và Giang Thành. Tổng đàn gia súc gia cầm khá lớn trong khu vực. Việc kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh gia súc gia cầm, cũng như việc kiểm dịch vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm của gia súc, gia cầm ra vào tỉnh là rất khó khăn. Với biên chế như hiện nay, toàn ngành chỉ có 70 cán bộ kể cả cán bộ hợp đồng thì lực lượng ngành Thú y Kiên Giang còn rất mỏng, chưa đủ sức tự mình quản lý khống chế được tình hình dịch bệnh. Đòi hỏi phải có sự chung lưng góp sức của các ngành các cấp và chính quyền địa phương, đặc biệt là vai trò của hệ thống thú y cơ sở và hệ thống thú y tư nhân tuyến xã, phường, thị trấn là hết sức quan trọng.
Mô hình Tổ Kinh tế kỹ thuật được tỉnh áp dụng vận hành từ năm 2006 đến nay đã thu được một số kết quả nhất định. Lực lượng Thú y trong tổ KTKT tham gia một số hoạt động công tác Thú y địa phương, là cầu nối chuyển tải thông tin khoa học tới tay người sản xuất. Tham gia tập huấn, phổ cập kỹ thuật, hướng dẫn trực tiếp cho nông dân các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi thân thiện với môi trường…Toàn tỉnh hiện có 116 xã có tổ KTKT chiếm tỷ lệ 83%, trong đó có 107 cán bộ Thú y chuyên trách làm nhiệm vụ ở địa phương.
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, tỉnh có thêm 73 xã có hệ thống thú y Mạng lưới chiếm tỷ lệ 53%, trực tiếp làm nhiệm vụ kiểm tra giết mổ, giám sát tình hình dịch bệnh , tổ chức tiêm phòng đàn gia súc gia cầm, thực hiện công tác tiêu độc sát trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi…Đây là lực lượng nòng cốt của các trạm thú y huyện, thị, thành phố trong việc thực thi kế hoạch, nhiệm vụ chuyên môn của trạm, hàng năm lực lượng này đã góp phần trực tiếp vào việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của các trạm.
Lực lượng thú y trong Tổ Kinh tế kỹ thuật, hệ thống thú y Mạng lưới (Thú y sơ sở) đã đóng góp công sức rất lớn vào việc phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm, đảm bảo và giữ vững tổng đàn hiện có của địa phương, khống chế và hạn chế tối đa những thiệt hại về tài sản cho nhân dân. Hàng năm tổ chức tiêm phòng 230.000 liều văc xin dịch tả, 270.000 liều Văc xin Tụ huyết trùng và Phó thương hàn cho đàn heo,78.000 liều văc xin THT cho đàn trâu bò, 60.000 liều văc xin LMLM cho heo, 10.000liều LMLM cho trâu bò, 15.000 liều Văc xin dại chó, gần 5 triệu liều văc xin H5N1 cho đàn gia cầm; Tổ chức kiểm tra giết mổ gần 300.000 heo, 5.500trâu bò, 400.000 con gia cầm; Kiểm dịch vận chuyển 36.000 heo, 71.000 con trâu bò, gần 1 triệu con gia cầm, hàng chục tấn sản phẩm động vật, 170 triệu trứng gia cầm xuất tỉnh, đảm bảo an toàn, sạch bệnh cho người tiêu dùng. Thực hiện vệ sinh tiêu độc thu phí tại các điểm lò giết mổ, các điểm chợ buôn bán thực phẩm, các cơ sớ ấp trứng gia cầm 220.000 mét vuông, cấp phát hàng ngàn lít hóa chất cho dân tự tiêu độc, sát trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi hàng triệu mét vuông.
Ngoài ra tỉnh còn có 300 cơ sở thú y hành nghề tư nhân cũng góp phần tích cực trong việc tư vấn, hướng dẫn, định hướng cho nông dân phát triển sản xuất chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời lực lượng Thú y tư nhân cũng góp phần đáng kể vào việc tham gia chữa trị đàn gia súc gia cầm của địa phương, hàng năm có hàng ngàn lượt gia súc, hàng trăm ngàn lượt gia cầm được chữa trị khỏi bệnh thông qua hoạt động thú y tư nhân.