Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Khoa học công nghệ

Xem với cỡ chữAA

ĂN NÊN LÀM RA TỪ BONSAI

(10:48 | 05/12/2019)

 

Phong trào đưa bonsai (cây kiểng trồng chậu được tạo dáng) vào không gian sống trở thành một nét văn hóa và ngày càng lan tỏa, tạo cơ hội cho các nhà vườn ăn nên làm ra. Hai trong số nhà vườn điển hình là anh Đỗ Thanh Phương, chủ vườn kiểng Phương Già (TP. Rạch Giá) và anh Trần Minh Duy (Giồng Riềng).

 

Đứng trước vườn kiểng của anh Đỗ Thanh Phương (42 tuổi) nằm cạnh Công viên văn hóa An Hòa (TP. Rạch Giá), ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những hàng bông trang kiểng, linh sam từ ngoài cổng dẫn tới cuối vườn. Mỗi cây, mỗi chậu đều là một tác phẩm nghệ thuật khiến người xem phải thán phục. Trước đây, dù bận mưu sinh nhưng anh Phương vẫn dành một góc nhỏ trong nhà cho niềm đam mê bonsai. Từ năm 2006, anh thôi giảng dạy mỹ thuật để theo đuổi niềm đam mê bonsai. Sau 13 năm, hiện anh tạo dựng được một vườn bonsai đồ sộ với hơn 1.000 cây các loại, trị giá hàng tỷ đồng, cây nào cũng được cắt tỉa, uốn sửa và tạo dáng theo phong cách riêng.

Anh Phương cho biết, trong số các chủng loại anh đầu tư nhiều nhất là linh sam lũa và bông trang. Hiện bộ sưu tập của anh có 30 cây linh sam lũa, trong đó có cây từng được khách hàng đề nghị mua với giá 70 triệu đồng anh vẫn chưa bán. Với bông trang, anh Phương sở hữu cả những cây lâu năm, mang nhiều dấu ấn nghệ thuật, giá trị cao nhất hơn 60 triệu đồng/cây. Với thâm niên trong nghề thu mua và tạo dáng bonsai, anh Phương có thể kiếm lời từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng chỉ cần sang tay một lô cây kiểng. Anh Phương cho biết: “Để có một tác phẩm bonsai đẹp, nhà vườn trải qua khá nhiều công đoạn từ chọn cây phôi, sau đó đến cắt tỉa, làm đế rồi mới tiến hành trồng cây vào chậu. Sau 3 tháng, nhà vườn mới bắt đầu tỉa cành theo dáng thế có sẵn của cây và 6 tháng tiếp theo mới bắt đầu dùng dây uốn cành tạo dáng. Vất vả là vậy nhưng khi thành một tác phẩm bonsai hoàn chỉnh, giá trị có thể tăng lên rất nhiều lần”.

 

Ảnh: Anh Đỗ Thanh Phương, chủ vườn bonsai Phương Già (TP. Rạch Giá) bên một cây linh sam lũa tại vườn.

 

Nằm sát tỉnh lộ 963B, đoạn qua địa bàn ấp Ngọc An, xã Ngọc Chúc (Giồng Riềng) là vườn bonsai gần 300m2 nhìn mát mắt với hàng trăm gốc đủ loại nào mai chiếu thủy, linh sam, mai vàng, non bộ… của anh Trần Minh Duy, một giáo viên tiểu học. Anh Duy cho biết, 2 năm trước, anh đăng ký tham gia lớp tập huấn về tạo dáng bonsai tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh. Lúc đầu anh chỉ định học để biết thêm, không ngờ cây kiểng lại có một sức hút càng chơi anh càng say mê, càng khám phá ra nhiều điều thú vị. Ngay sau khóa tập huấn kết thúc, anh Duy và bạn là anh Huỳnh Hoàng Lắm quyết tâm lập vườn, dần dà trở thành người chơi bonsai “chánh hiệu”. “Chơi bonsai ngoài thư giãn tinh thần còn giúp con người gần gũi với thiên nhiên và yêu cuộc sống nhiều hơn. Ngoài ra, cây kiểng còn có thể mang đến cho con người một nguồn thu nhập không nhỏ”, anh Duy nói.

Hiện vườn kiểng của anh Duy có hơn 200 cây bonsai các loại, bình quân mỗi ngày cho thu nhập từ 2-5 triệu đồng. Thấy kinh doanh bonsai hiệu quả, anh Duy và bạn đi khắp nơi tìm cây dáng xấu, kém phát triển mua về với giá rẻ, rồi “phẫu thuật” tạo dáng nghệ thuật. “Bonsai trồng càng lâu giá trị càng tăng lên nên không sợ ế. Biết cách chăm sóc, tạo dáng cây sẽ cho giá trị không hề nhỏ”, anh Duy nói. Tận dụng vườn bonsai sẵn có, anh Duy mở quán cà phê bonsai để vừa có thêm thu nhập, vừa tạo kênh giới thiệu sản phẩm bonsai đến với mọi người. Nhận thấy ngành sinh vật cảnh được coi là ngành nhiều tiềm năng để phát triển, anh Duy dự định sẽ tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa vào việc sưu tầm, nâng cao số lượng và chất lượng cây kiểng để nhằm phục vụ niềm đam mê bản thân và tăng thêm nguồn thu nhập.

ĐÔNG HƯNG-PV BÁO KIÊN GIANG