Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Khoa học công nghệ

Xem với cỡ chữAA

Khá lên nhờ kết hợp lúa - màu

(09:57 | 19/03/2018)

 Vừa qua Tết Nguyên đán, sau khi có chuyến đi làm từ thiện ở Tây Ninh, anh Lê Văn Chơn, 43 tuổi, ngụ ấp Hòa Lộc, xã Hòa Lợi (Giồng Riềng) tất bật chăm chút hơn 8 công đất trồng màu xen cây ăn trái. Từ trồng lúa, trồng màu, mỗi năm anh Chơn thu lợi nhuận hơn 200 triệu đồng.

 

      Gia đình anh Lê Văn Chơn sở hữu 27 công đất, trước đây chỉ thuần canh tác cây lúa, có lúc dành một ít diện tích để trồng sen. Năm 2016, thấy hiệu quả trồng lúa không cao nên anh chuyển một phần diện tích sang trồng màu; từ trồng màu lấy ngắn nuôi dài để trồng một số loại cây ăn trái. Ban đầu trồng màu, anh trồng dưa leo, khổ qua, gần 1 năm trở lại đây, anh trồng thêm cây ớt. Ớt là loại cây ngắn ngày, trồng 3 tháng thì bắt đầu cho thu hoạch. Một ngày cuối tháng 2-2018, từ sáng sớm anh Chơn đã tất bật ra đồng khởi động chiếc chẹt gắn máy dầu để tưới nước cho 25 thiên ớt chỉ thiên, số ớt này anh trồng cách đây hơn 4 tháng, cho thu hoạch đợt một khoảng 7 tấn trái. Với giá bình quân 20 ngàn đồng/kg, anh Chơn cho biết lời 10 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí. Hiện anh Chơn đang thu hoạch ớt đợt hai. Ngoài ớt, anh còn trồng một số cây màu khác như dưa leo, đậu đen. Dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, anh Chơn trúng đậm vụ ngò rí khi bán được 500kg với giá 30.000 đồng/kg, lãi 14,5 triệu đồng.

Khi bắt đầu trồng màu trên diện tích 8 công đất, anh Chơn còn trồng thêm 450 gốc bưởi, 200 gốc mãng cầu Thái, 150 gốc chuối cao, 180 gốc sầu riêng, 60 gốc nhãn Ido… Hiện số bưởi đang bắt đầu cho trái. Tuân thủ chặt chẽ kỹ thuật trồng màu, nhưng cái hay của anh Lê Văn Chơn là việc gắn máy dầu trên chẹt để tưới đồng loạt, việc này vừa giúp tiết kiệm được thời gian tưới nước, vừa tiết kiệm nhân công, nhiên liệu bởi chỉ mất 30 phút là 8 công màu, cây ăn trái đã được tưới xong hoàn toàn, trong khi tưới thủ công phải mất cả ngày. Theo anh Chơn, vòi tưới nước của máy bán tự động phun mạnh sẽ giúp rửa trôi một số loại sâu hại trên cây ớt như rệp sáp, sâu vẽ bùa, từ đó giúp giảm chi phí phun xịt thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, anh còn canh tác 19 công lúa, bình quân thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm từ 3 vụ lúa.

Không chỉ đi đầu trong chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng hiệu quả, anh Lê Văn Chơn còn tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động như làm cầu, đường, giúp đỡ người nghèo, cất nhà đại đoàn kết… “Có dịp đi nhiều nơi, tôi thấy tỉnh mình còn khó khăn hơn những nơi khác, nhất là những nơi thuộc vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, cầu đường còn chưa được đầu tư, người dân đi lại khó khăn, trẻ em đến trường vất vả. Tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm góp một phần xây dựng quê hương nên tự bỏ tiền và vận động anh em, bạn bè cùng làm”. Không chỉ đóng góp cho địa phương, anh Chơn còn vận động bạn bè, người thân tham gia làm cầu, đường cho các xã lân cận, có những công trình trị giá hàng trăm triệu đồng. Tháng 5-2017, anh Chơn cùng những người bạn của mình đóng góp tiền mở quán cơm từ thiện phục vụ miễn phí cho khách cơ nhỡ, công nhân nghèo tại khu cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành) với khoảng 100 suất ăn chay mỗi ngày.

Ảnh: Anh Lê Văn Chơn, ngụ ấp Hòa Lộc, xã Hòa Lợi (Giồng Riềng) tưới nước bằng máy phun bán tự động cho hơn 8 công đất trồng màu xen cây ăn trái.

AN LÂM