Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Tư vấn pháp luật

Xem với cỡ chữAA

Nâng cao uy tín đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Kiên Giang hiện nay

(15:38 | 25/10/2023)

Quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và xây dựng hình ảnh, uy tín cán bộ, đảng viên nói riêng trong điều kiện hiện nay, Đại hội XIII của Đảng chủ trương tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; giải quyết đúng đắn các mối quan hệ giữa xây dựng Đảng với xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị; xây dựng với chỉnh đốn Đảng, kết hợp “xây” và “chống”, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, chống tham nhũng, tiêu cực; giữa xây dựng với bảo vệ Đảng, chú trọng bảo vệ Cương lĩnh, đường lối, nền tảng tư tưởng của Đảng. 

Thời gian qua, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong tỉnh có bước trưởng thành, tiến bộ về nhiều mặt. Đa số cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng. Sau hơn 37 năm đổi mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã thu được những thành quả nhất định, trong đó có sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ, đảng viên tỉnh nhà. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý được tôi luyện, trưởng thành qua thử thách, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần độc lập tự chủ, trung thành với lý tưởng cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, có ý chí, nghị lực để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đưa sự nghiệp đổi mới ngày càng thu nhiều thắng lợi. 

Trong giai đoạn hiện nay, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh Kiên Giang thích nghi với cơ chế thị trường, tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm. Việc hoạch định chính sách, khả năng cụ thể hóa đường lối, chủ trương được nâng lên rõ rệt. Tính chủ động, sáng tạo được phát huy, sự giáo điều, thụ động từng bước được khắc phục. 

Song song với những ưu điểm nói trên, trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình, đội ngũ cán bộ, đảng viên còn bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm cả về phẩm chất, năng lực và uy tín. Đại hội XI của Đảng đã nghiêm túc chỉ ra những hạn chế là: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”.

 

Ảnh: Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học xây dựng đội ngũ cán bộ tỉnh Kiên Giang năng động, sáng tạo, ngang tầm nhiệm vụ hiện nay.

 

Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ cán bộ còn nhiều yếu kém, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới, cả trong lĩnh vực xây dựng Đảng, quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế. Ở bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý, từ nhận thức đến năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện mô hình phát triển cũng như bản lĩnh hội nhập và xử lý những tình huống phát sinh còn nhiều lúng túng. Ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị, xuất hiện những bộ phận cán bộ chỉ tập trung lợi dụng vị trí lãnh đạo, lạm dụng của công để củng cố lợi ích nhóm. Những hạn chế, khuyết điểm trên đây cần được nghiêm khắc nhìn nhận và khắc phục để lấy lại lòng tin của nhân dân vào Đảng. Bởi vậy, vấn đề chỉnh đốn Đảng và xây dựng uy tín người cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là hết sức quan trọng, cấp thiết hiện nay. Quán triệt đường lối, quan điểm của đảng và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về uy tín người cán bộ là một biện pháp quan trọng và có ý nghĩa thiết thực nhằm xây dựng uy tín người cán bộ lãnh đạo, quản lý trong giai đoạn hiện nay.

Để xây dựng, củng cố và nâng cao uy tín của cán bộ lãnh đạo, quản lý xin kiến nghị một số giải pháp sau:

 

Ảnh: Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học xây dựng đội ngũ cán bộ tỉnh Kiên Giang năng động, sáng tạo, ngang tầm nhiệm vụ hiện nay.

 

Một là, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy các cấp, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện, trọng tâm là phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; phát huy vai trò nòng cốt của chi bộ trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và công tác xây dựng đảng, cụ thể là công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ giải pháp của Đảng và Nhà nước về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp.

Hai là, nâng cao nhận thức về vai trò, bản chất của uy tín, không ngừng trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng theo quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật Nhà nước cho các cấp uỷ đảng, cán bộ, công chức.

Ba là, thông qua hoạt động thực tiễn, giáo dục và tự giáo dục để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho mỗi cán bộ, công chức.

Bốn là, thông qua hoạt động thực tiễn phong phú, mỗi cán bộ, công chức phải rèn luyện phong cách, tác phong công tác phù hợp. Đó là phong cách làm việc có kế hoạch, hiệu quả, chính xác, tỷ mỹ, sâu sát, cụ thể tránh đại khái, qua loa, quan liêu, hình thức; thực hiện tốt vấn đề dân chủ, vì tập thể, luôn luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của quần chúng và cấp dưới, thực hiện tốt việc tôn trọng quyền dân chủ. Bên cạnh đó, phải thường xuyên tự phê bình và phê bình, bởi: “Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm để đưa công việc ngày càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu diếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình”, việc phê bình đúng “Chẳng những không làm giảm thể diện và uy tín của cán bộ, của Đảng. Trái lại, còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn, do đó uy tín và thể diện ngày càng tăng”.

Năm là, kịp thời chấn chỉnh và đổi mới phương pháp xây dựng đội ngũ cán bộ thông qua đổi mới công tác cán bộ theo hướng đồng bộ, liên thông, nhất quán trong hệ thống chính trị và phù hợp với thực tế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ràng buộc trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ quyền lực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Uy tín và hình ảnh tốt đẹp của người cán bộ phải xuất phát từ sự tận tụy, hết lòng, hết sức vì việc công, “dĩ công vi thượng”, không tơ hào, vun vén cho lợi ích bản thân và gia đình mình, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không quan liêu, xa cách và hống hách với dân, luôn khiêm nhường, giản dị trong cuộc sống. Muốn vậy, Đảng, chính quyền phải ra sức giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, phép nước; đồng thời, mỗi người phải có ý thức tự rèn luyện, tự tu dưỡng thường xuyên, liên tục. Ở đây, việc tu thân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nhắc nhở chính bản thân mình: “Gian nan rèn luyện mới thành công”. Vì vậy, cần phải nâng cao uy tín cho cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu mới như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã chỉ rõ: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực đáp ứng yêu cầu của tình hình mới”.

ThS.Nguyễn Văn Quang-Trường Chính trị Kiên Giang